Rúng động video tù binh Nga bị lính Ukraine bắn vào gối và phản ứng của các bên

Thứ hai, 28/03/2022 17:08
Một đoạn video rò rỉ trên mạng được cho là lính Ukraine, bất chấp Công ước Geneva, đã nổ súng vào các binh sĩ Nga bị bắt trong chiến dịch quân sự phản công ở Kharkov, đang khiến cộng đồng quốc tế dậy sóng.
Trích đoạn cảnh trong video được cho là lính Ukraine bắn vào đầu gối các tù binh Nga bị bắt (Nguồn: @sinnaj6).

Theo CNN, một đoạn video dài 6 phút mới đây bị rò rỉ trên mạng, nội dung được cho là cảnh các binh sĩ Ukraine bắt được một số thành viên của đơn vị trinh sát quân đội Nga ở Olkhovka, gần Kharkov, sau đó nổ súng bắn vào đầu gối một số tù binh Nga. Đoạn phim này được chiếu trên một số cơ quan truyền thông quốc tế đã gây "sốc" trong dư luận.

Phía Nga và Ukraine đều đã lên tiếng về đoạn video này. Sau đó, các nhà chức trách Nga chỉ ra rằng các binh sĩ của họ sau khi bị bắn vào đầu gối đã không được hỗ trợ y tế. Phía Nga cũng tuyên bố: "Đoạn video này khẳng định Ukraine đang đối xử vô nhân đạo với các tù binh chiến tranh của Nga. Chính phủ Nga sẽ tiến hành điều tra vụ việc này để xác định xem những binh sĩ bị bắt đã bị đối xử ngược đãi như thế nào ở Ukraine."

Ông Oleksiy Arestovych, Cố vấn quân sự của Tổng thống Ukraine tuyên bố chính phủ Ukraine sẽ nghiêm túc mở cuộc điều tra ngay lập tức (Ảnh: ET).

Trước những thông tin này, ông Oleksiy Arestovych, Cố vấn quân sự của Tổng thống Ukraine ngày 27/3 cho biết chính phủ Ukraine sẽ xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc và sẽ ngay lập tức mở cuộc điều tra. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Arestovich trả lời rằng chính phủ Ukraine rất coi trọng vấn đề này và sẽ ngay lập tức mở một cuộc điều tra: "Chúng tôi là một quân đội ở châu Âu. Chúng tôi sẽ không cười nhạo những người bị bắt giữ. Nếu vụ việc này được xác nhận là đúng thì loại hành vi đó hoàn toàn không thể chấp nhận được."

Trước đó, ông Arestovich cũng chỉ ra trong một cuộc họp báo rằng "bất kể động cơ tình cảm cá nhân của chúng ta là gì, Ukraine đều sẽ đối xử với các tù binh chiến tranh theo Công ước Geneva."

Cho đến nay Bộ Quốc phòng Ukraine vẫn chưa lên tiếng trả lời trực tiếp về vụ việc này, nhưng Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Valerii Zaluzhnyi, cho biết trong một tuyên bố rằng: "Để bôi nhọ quân đội Ukraine, kẻ thù đã phát tán một số hình ảnh được cho là 'quân đội Ukraine đối xử vô nhân đạo đối với tù binh chiến tranh Nga'; nhưng tôi nhấn mạnh rằng các binh sĩ của Lực lượng vũ trang Ukraine và các tổ chức quân sự hợp pháp khác luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế; hy vọng mọi người sẽ chỉ tin tưởng nguồn chính thức khi đối mặt với những thông tin và tâm lý chiến trong tình hình hiện nay."

“Công ước Geneva về đối xử nhân đạo đối với tù binh, hàng binh chiến tranh” (còn gọi là Công ước Geneva thứ 3 ‘về cách đối xử với tù binh’) được chấp nhận lần đầu tiên năm 1929; được chỉnh sửa lại lần cuối năm 1949, là công ước về các quy tắc mà các nước đã phê chuẩn hoặc chưa phê chuẩn được khuyến cáo tuân theo khi đối xử với tù binh, hàng binh chiến tranh và dân thường trong vùng chiếm đóng.

Hình ảnh trích trong đoạn video về những tù binh bị ngược đãi đã khiến dư luận bị "sốc" (Ảnh: Twitter).

Theo Công ước này, tù binh chiến tranh là những quân nhân bị bắt khi tham gia chiến đấu trong một cuộc chiến giữa các bên; hàng binh chiến tranh là quân nhân đầu hàng trong một cuộc chiến giữa các bên.

Trong một cuộc chiếm đóng, một số người lính hoặc dân theo một tổ chức hoặc nhóm chống đối sự chiếm đóng bằng vũ lực, không có đồng phục, phù hiệu, biên chế cụ thể còn gọi là các du kích vẫn được hưởng quy chế đối xử nhân đạo như là tù binh và hàng binh chiến tranh khi bị bắt hoặc đầu hàng lực lượng chiếm đóng.

Công ước Geneva về đối xử nhân đạo đối với tù binh, hàng binh chiến tranh là các hướng dẫn về việc bảo toàn an toàn tính mạng, danh dự, phẩm giá tù binh và hàng binh. Nó bao gồm các khuyến cáo về việc trợ giúp cứu chữa cho người bị thương; các hành vi bị khuyến cáo không được phép dùng để truy bức về tinh thần và thể xác; các hình thức, các nhục hình và các lời nói làm xúc phạm đến nhân phẩm người bị bắt hoặc xúc phạm niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng hoặc lý tưởng người bị bắt; các khuyến cáo về việc không được dùng tù binh và hàng binh làm con tin hoặc bia đỡ đạn, hoặc lao động khổ sai... các hướng dẫn về việc sinh hoạt tối thiểu của người bị bắt về vệ sinh, lương thực, thuốc men, thực phẩm tùy theo điều kiện cho phép của các bên và tình hình chiến trường.

Theo VietTimes