Những kịch bản tiếp theo có thể xảy ra ở Ukraine

Thứ bảy, 26/03/2022 13:50
Theo các chuyên gia quân sự, cả Nga - Ukraine dường như đang cùng thay đổi chiến thuật chiến tranh, động thái khiến cuộc chiến có thể đang chuyển sang một giai đoạn mới.
Binh sĩ Ukraine mang tên lửa chống tăng vác vai Javelin do Mỹ sản xuất tại Kharkov ngày 23-3. Ảnh: Getty
Phân phát đồ hỗ trợ cho người Ukraine sơ tán tránh chiến sự, tại Krakow, Ba Lan. Ảnh: PAP

Cuộc xung đột ở Urkaine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Và mặc dù đã đạt được một số thành tựu ban đầu nhanh chóng, nhưng bước tiến của Nga tại một số thành phố quan trọng, bao gồm cả thủ đô Kiev, đã chậm lại. Và theo CNN, Moscow được cho là đã có những tín hiệu thay đổi chiến thuật và Ukraine cũng vậy

Vậy cuộc chiến này sẽ đi đến đâu? Các chuyên gia đã dự đoán những kịch bản có thể xảy ra với chiến sự Nga - Ukraine trong những tuần tới.

Nga tăng cường không kích

Các chuyên gia cảnh báo, nếu thiệt hại với chiến dịch trên bộ càng lớn, Nga nhiều khả năng sẽ tăng cường các hoạt động không kích và triển khai các vũ khí khác nhằm giảm rủi ro cho binh sĩ.

Đến nay, có rất ít thông tin liên quan đến thương vong, thiệt hại của lực lượng Nga sau một tháng triển khai chiến dịch ở Ukraine, song giới chức nước này khẳng định chiến dịch quân sự vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch và sẽ đạt được các mục tiêu. Washington Post hôm 23-3 dẫn lời giới chức quốc phòng Mỹ và các chuyên gia quân sự đánh giá, Nga đang tăng cường hoạt động không quân ở Ukraine sau khi bị bắn hạ nhiều máy bay quân sự.

Trong khi đó, Ukraine đáng lo khi kho vũ khí sắp cạn và đã phải kêu gọi viện trợ gấp. Trong những tuần gần đây, Ukraine đã gửi danh sách viện trợ quân sự bổ sung tới Mỹ, đề nghị Washington cung cấp vũ khí để giúp Kiev đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, bản danh sách do Ukraine gửi tới các nghị sĩ Mỹ gần đây dường như cho thấy nhu cầu tăng lên đối với các tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất. Theo đó, Ukraine cho biết nước này cần khẩn cấp 500 tên lửa Stinger và 500 tên lửa Javelin mỗi ngày.

Nga mở rộng bao vây ở miền Đông Ukraine

Trong khi sự chú ý đổ dồn về chiến tuyến Kiev, nhiều chuyên gia tin rằng, Nga đang nỗ lực kiểm soát hoàn toàn khu vực miền Đông Ukraine, vượt ra ngoài ranh giới vùng ly khai Donbass.

Sam Cranny-Evans, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh ở London, bình luận: "Quân khu phía Nam của Nga đang triển khai ở Donetsk, Lugansk, Mariupol, Berdyansk, Melitopol là lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội Nga. Họ được thiết kế để đối phó với lực lượng của NATO". Chuyên gia này cũng cảnh báo, việc truyền thông phương Tây quá chú trọng đến những thiệt hại của phía Nga và sự kháng cự của Ukraine có thể sẽ kéo theo những đánh giá lệch lạc về diễn biến xung đột.

Binh sĩ Ukraine mang tên lửa chống tăng vác vai Javelin do Mỹ sản xuất tại Kharkov ngày 23-3. Ảnh: Getty

Càng nhiều cuộc đàm phán

Những căng thẳng chiến sự hiện nay giữa Nga và Ukraine cho thấy, hai bên chắc chắn cần thêm nhiều cuộc đàm phán nữa để hạ nhiệt tình hình. Cả Nga và Ukraine đều nói rằng, các cuộc đàm phán hiện tại tuy "khó khăn" nhưng đã trở nên thực chất hơn, có triển vọng hơn, thay vì chỉ đưa ra những "tối hậu thư".

Moscow đã tuyên bố rõ các điều kiện để chấm dứt xung đột gồm Ukraine phải đảm bảo vị thế trung lập như Áo hay Thụy Điển, từ bỏ ý định gia nhập NATO và phải công nhận Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng ly khai Donbass. Hai bên sẽ cần thêm nhiều các đàm phán nữa để có thể đi đến hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, giới chức Mỹ không mấy lạc quan về triển vọng đàm phán. Washington và các đồng minh phương Tây không loại trừ khả năng Nga sẽ mở rộng quy mô chiến dịch quân sự ở Ukraine nếu không đạt được các mục tiêu. Người phát ngôn chính của Tổng thống Vladimir Putin, Dmitry Peskov, nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn hôm 22-3 rằng Nga cũng muốn Ukraine chấp nhận Crimea - mà Nga sáp nhập vào năm 2014 - chính thức là một phần của Moscow và các bang ly khai Luhansk và Donetsk đã là các quốc gia độc lập.

Nhưng các quan chức Mỹ không lạc quan về khả năng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra tốt đẹp. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một cuộc họp báo tuần trước rằng, một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến là khó có thể xảy ra.

Hàng triệu người Ukraine di tản

Số phận của cuộc xung đột là một chuyện, nhưng số phận của người dân Ukraine lại là một vấn đề khác.

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), 3.674.952 người Ukraine đã sơ tán ra khỏi đất nước. Tổng cộng hơn 10 triệu người Ukraine đã sơ tán ra khỏi nơi sinh sống, trong đó có gần 6,5 triệu người di tản trong nước. Theo UNHCR, trong số người sơ tán từ Ukraine ra nước ngoài, có 2.173.944 người sang Ba Lan. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ biên giới Ba Lan cho biết con số trên cao hơn, ở mức 2,2 triệu người. Từ Ba Lan, nhiều người Ukraine tiếp tục di chuyển sang các quốc gia khác ở Liên minh châu Âu (EU). Cuộc xung đột làm bùng nổ phong trào tị nạn lớn nhất mà châu Âu từng chứng kiến kể từ Thế chiến II.

Hôm 24-3, Mỹ tuyên bố dự định tiếp nhận khoảng 100.000 người Ukraine sơ tán đến nước này. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden đang ở Brussels, Bỉ để gặp các nhà lãnh đạo châu Âu để thảo luận về các biện pháp phản ứng chung với cuộc khủng hoảng Ukraine. Các cơ chế tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine sang Mỹ có thể là thông qua chương trình nhập cư của Mỹ, chương trình thị thực thân nhân hoặc một quy chế tạm thời khác theo chính sách nhân đạo. Tuy nhiên, hiện không có thông tin chi tiết về các khâu chuẩn bị hậu cần và đi lại cho người sơ tán từ Ukraine sang Mỹ.

KHẢ ANH