Rừng mãi xanh khi lòng dân đồng thuận

Thứ bảy, 12/06/2021 16:59

Các lực lượng chức năng xã Hòa Phú thường xuyên tuần tra kiểm soát, bảo vệ những khu rừng vùng giáp ranh.

Còn nhớ, sau ngày đất nước thống nhất, một phần do hậu quả chiến tranh tàn phá, phần còn lại do người dân dưới xuôi lên cưa gỗ về làm nhà; người dân gần rừng thì chặt phá lấy củi làm chất đốt nên những cánh rừng trên địa bàn xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) trở nên trơ trụi. Gần 10 năm sau, với quyết tâm phủ xanh lại diện tích đất rừng đã bị xâm hại, UBND H. Hòa Vang giao cho địa phương phải chịu trách nhiệm vận động người dân không được tác động vào rừng; chỉ đạo các ngành, các đơn vị phát động nhân dân trồng lại rừng trên những diện tích rừng đã bị chặt phá, lấn chiếm... 

Nhiều già làng Cơ Tu thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) giáp ranh với thôn Dốc Kiền (xã Ba, H. Đông Giang, Quảng Nam) xác nhận, đặc điểm của người dân miền núi là sinh ra và lớn lên từ rừng, nên sống chủ yếu dựa vào rừng. Trước đây, do cuộc sống khó khăn, rừng là nơi nuôi sống người dân nơi đây. Từ những mớ rau, con thú cho đến việc đốn cây lấy gỗ, chất đốt được người dân thực hiện thuần thục; đó là chưa nói đến bọn “lâm tặc” hoành hành... “Bây giờ, nhìn các thảm rừng đầu nguồn xã Hòa Phú xanh tươi, vắt ngang hồ Đồng Xanh – Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang), phủ xanh Khu di tích Căn cứ Huyện ủy cao chót vót đang góp thêm cho đời sự dịu êm, trong lành và cũng đem lại sự ấm no, hạnh phúc cho người dân. Để bảo vệ rừng được tốt, ngoài lực lượng chức năng, địa phương còn huy động cả cộng đồng dân cư sống gần rừng vào cuộc để xây dựng mạng lưới thông tin trong nhân dân nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu tác động trái phép đến rừng. Cùng với việc giao khoán không những góp phần bảo vệ rừng mà còn giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống”, già Đinh Văn Trí chia sẻ.

Hòa Phú hiện có 8.120ha rừng các loại, gồm 3.152ha rừng đặc dụng, phòng hộ và 4.968ha rừng sản xuất. Nhiều năm qua, cùng với việc khôi phục và phát triển rừng, những người giữ rừng nơi đây phải nỗ lực tuần tra, bảo vệ ngày đêm. “Thổ địa” của những cánh rừng này, ngoài các lực lượng chức năng như: Công an xã, Xã đội, Kiểm lâm địa bàn; còn có 5 nhóm hộ trồng rừng với 36 người tình nguyện tham gia các tổ dịch vụ môi trường hỗ trợ bảo vệ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng...

Ông Nguyễn Thuận (thôn Hòa Phát, xã Hòa Phú) trải lòng, trước kia, ông chưa hề nghĩ đến vấn đề môi sinh, môi trường mà chỉ nghĩ đến miếng cơm, manh áo nên thường xuyên xâm hại rừng. Bây giờ, ông tham gia tổ dịch vụ môi trường rừng, không ai bảo ai nhưng khi làm nhiệm vụ các thành viên phải tự chuẩn bị tư trang cá nhân để sẵn sàng cho một đêm dài trong rừng. Mùa nắng thì lo “giặc lửa”, mùa mưa lo kẻ xấu lợi dụng chặt cây, săn bẫy động vật hoang dã. Biết là khó khăn vì phải đi đêm hôm, tuy nhiên anh em trong tổ đều chủ động sắp xếp thời gian tham gia tuần tra bảo vệ rừng đầy đủ. 

Việc hưởng lợi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến vai trò, trách nhiệm người dân Hòa Phú.

Có đi đến tận nơi, mới thấy và thấu hiểu được sự khó khăn, gian khổ mà những người giữ rừng đang nếm trải. Vậy mà họ vẫn âm thầm, chịu đựng, vượt qua để mỗi năm trồng khoảng 20ha rừng, cứ thế màu xanh lại lan rộng và phủ kín cả vùng giáp ranh. Ấn tượng hơn với chúng tôi là những câu chuyện mà họ đã đối mặt mỗi khi truy quét các đối tượng xâm nhập rừng trái phép. Một đợt đi rừng dài ngày đến cuối đợt thì trời mưa to, sáng dậy nước ngập lên tận lán, quần áo, đồ nghề ướt hết nấu cơm mãi không chín. Trời vẫn mưa, nước suối dâng cao nên ai cũng lo không về được mà lương thực thì cạn. Đội mưa mà đi, đường trơn trượt, nhiều người phải “sứt đầu, mẻ trán”. Sau nắng nóng là mưa rừng, năm nào nắng sớm, mưa sớm thì họ cũng khốn đốn vì phải chống chọi với con sên, con vắt...

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Tân, diện tích rừng ở đây được quản lý, bảo vệ khá tốt là nhờ chính sách giao khoán, quản lý bảo vệ rừng. Tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy đã giảm đáng kể. Nhờ đó, hằng năm, ngoài số tiền Nhà nước hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương. Người dân còn có thêm thu nhập từ việc phát triển ươm giống cây trồng sau khai thác, nuôi thả gia súc nên số hộ trong diện nghèo tại địa phương giảm rõ rệt... 

“Người dân miền núi có nhiều nghề mưu sinh phải dựa vào rừng. Rừng bị tàn phá thì ai cũng thắc thỏm, lo âu. Trách nhiệm bảo vệ rừng không chỉ riêng các lực lượng chức năng, mà cả người dân cũng phải chung tay. Giờ thì ai cũng hiểu, cũng biết điều này nên đều tích cực tham gia trong các tổ quản lý, bảo vệ rừng. Thấy người dân đồng thuận như vậy, địa phương yên tâm và phấn khởi lắm!”, ông Nguyễn Tân cho biết thêm.

VY HẬU