Rừng miền Trung vẫn "chảy máu" (Kỳ 2: Thâm nhập những “tọa độ nóng”)

Thứ hai, 09/03/2020 16:48

Từ phản ánh của người dân về tình trạng rừng đầu nguồn Sông Tranh (Quảng Nam) tiếp tục bị xâm hại, trong những ngày qua chúng tôi đã có chuyến thâm nhập nhiều điểm để ghi nhận thực tế. Qua ghi nhận cho thấy phản ánh của người dân là đúng. Những cánh rừng tự nhiên ít ỏi còn lại ở khu vực đầu nguồn này tiếp tục “thoi thóp” khi hàng ngày bị các đối tượng mang cưa máy vào triệt hạ không thương tiếc.

Những gốc cây cổ thụ rừng đầu nguồn Sông Tranh vừa bị triệt hạ.

“Tọa độ nóng” vùng giáp ranh

Sau một thời gian cử trinh sát mật phục, trong các ngày 2 và 3-3, Phòng Cảnh sát đường thủy CA tỉnh Quảng Nam phát hiện tại ba khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3 thuộc xã Tiên Lãnh (H. Tiên Phước) và xã Phước Gia (H. Hiệp Đức) có tổng cộng 33 phách gỗ (khoảng 6m3) vô chủ chưa xác định được chủng loại. Qua xác minh ban đầu, nguồn gốc số gỗ trên nằm ở thượng nguồn Sông Tranh bị “lâm tặc” đốn hạ đưa về tập kết ở lòng hồ chờ ngày chở đi tiêu thụ. Từ thông tin trên, chúng tôi lên kế hoạch để tiếp cận hiện trường khu vực đầu nguồn bị “lâm tặc” tàn phá.

Phải qua trung gian nhiều người, chúng tôi mới thuê được chiếc ghe của người dân đánh cá trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3. Bởi theo người dân nơi đây bộc bạch, chuyện vận chuyển gỗ lậu trên đầu nguồn Sông Tranh 3 từ khi tích nước đến nay diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên vì sợ bị trả thù, họ không dám chở chúng tôi xâm nhập thực tế. Do vậy phải qua sự giới thiệu và thuyết phục của nhiều người, cuối cùng một lão ngư dân có “máu mặt” ở khu vực này mới dám nhận chở chúng tôi đi.

8 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại khu vực đập thủy điện Sông Tranh 3 dưới cơn mưa lất phất. Như đã hẹn trước, lão ngư dân ngồi đợi sẵn trên con thuyền nhỏ và giật máy nổ thẳng tiến lên thượng nguồn sông Thu Bồn, đồng thời cũng là thượng nguồn Sông Tranh. Mặt hồ tĩnh lặng. Thỉnh thoảng xuất hiện vài chiếc thuyền nhỏ của ngư dân đánh bắt cá trên lòng hồ. Vừa điều khiển chiếc thuyền, lão ngư cho biết: Từ cuối năm 2017, sau khi vụ phá rừng Tiên Lãnh quy mô lớn được báo chí phanh phui thì tình hình xâm hại rừng nơi đây tạm lắng. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2018, khi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3 tích nước, “lâm tặc” tăng cường hoạt động. “Việc tích nước khiến lòng hồ và các sông suối nước dâng cao là điều kiện thuận lợi cho lâm tặc hoạt động. Thường ngày tôi thấy họ kéo những bè gỗ hai bên mạn thuyền từ thượng nguồn về tập kết gần khu vực bờ đập thủy điện. Gỗ bị nhấn chìm tập kết như khu vực suối Chuồng Bò, Đồi Lim… thuộc xã Phước Gia, Hiệp Đức, sau đó sẽ có xe cơ giới vào bốc lên chở về xuôi”- lão ngư dân tiết lộ.

Theo tiết lộ của người dân, chúng tôi ngược lên khu vực khe Chà Ngư. Từ đây đi bộ thẳng tiến lên khu vực Chóp Nón (giáp ranh 3 xã Phước Gia, Phước Trà của H. Hiệp Đức và xã Trà Đốc của H. Bắc Trà My). Tại đây những cánh rừng tự nhiên ít ỏi còn sót lại bị “lâm tặc” triệt hạ không thương tiếc. Những cây gỗ to nhiều người ôm không xuể bị cưa hạ khắp nơi, dấu cũ có, mới có cho thấy quá trình xâm hại rừng diễn ra thời gian dài. “Ngoài lòng hồ thủy điện tích nước thì từ khi đường Đông Trường Sơn mở ra chạy qua khu vực này cũng vô tình tạo điều kiện cho lâm tặc hoạt động. Gỗ sau khi bị đốn hạ được dùng trâu kéo ra khỏi rừng sau đó xuôi dòng trở về tập kết rồi chờ điều kiện thuận lợi sẽ vận chuyển đưa đi tiêu thụ”- một người dân thông tin.

Các cây gỗ bị cưa đánh dấu “lãnh thổ có chủ” của “lâm tặc”.

Phá rừng lấy đất trồng cây

Tiếp tục hành trình, chúng tôi ngược theo dòng Sông Tranh tiến về khu vực Suối Bùn (giáp ranh giữa xã Trà Sơn và Tiên Lãnh của H. Tiên Phước). Như lời lão ngư cho biết, sau vụ phá rừng Tiên Lãnh năm 2017 được phát hiện thì lâm phận này trở nên yên ổn hơn. Tuy nhiên khu vực giáp ranh thuộc xã Trà Sơn tình trạng phá rừng lấy gỗ và lấy đất làm rẫy vẫn âm ỉ xảy ra. Hiện trường cho thấy những gốc cây cổ thụ nhiều người ôm bị đốn hạ, sau đó bị đốt cháy đen. Bên dưới, những cây keo, cau… mới được trồng trải rộng cả một cánh đồi. Một con đường mòn rộng hơn 2 mét chạy sâu vào khu rừng nguyên sinh, những bìa gỗ, những tấm ván được cưa xẻ nằm rải rác khắp nơi. Đi được một quãng, chúng tôi nghe tiếng máy cưa gầm rú cả góc rừng…

Trước đó cuối năm 2019, một vụ phá rừng ở khu vực thôn 5, xã Trà Giác cũng được phát hiện. Đây cũng là khu vực do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh quản lý. Tại hiện trường cho thấy hàng chục phách gỗ được tập kết. Nhiều cây khác vừa đốn hạ, phân thành khúc chưa được cưa xẻ nằm lại trong rừng. Bên cạnh đó, nhiều gốc cây đã cũ cho thấy việc khai thác trái phép diễn ra nhiều tháng qua. Trong khu rừng rộng khoảng 5ha có khoảng 30 cây gỗ lớn bị đốn hạ… Cũng trong năm 2019, ở H. Bắc Trà My liên tiếp phát hiện nhiều vụ phá rừng, như vụ phá rừng đầu nguồn Sông Tranh xảy ra ở xã Trà Bui; phá rừng tự nhiên ở xã Trà Kót, Trà Nú…

Trở lại chuyện phá rừng ở Trà Giác mà chúng tôi phản ánh kỳ trước, Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My cho biết, đã nắm thông tin về khu vực rừng giáp ranh ở thủy điện Nước Oa bị phá. Khi xem những hình ảnh phóng viên gửi về hiện trường vụ phá rừng, ông Vũ nói “thật xót xa”. Theo đó, ngay trong ngày 6-3 ông đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, công an, chính quyền các xã vào khu vực này để kiểm tra, thống kê số lượng gỗ bị chặt hạ. Sau khi có kết quả sẽ có hướng xử lý nghiêm theo quy định.

Trước đó làm việc với P.V, lãnh đạo UBND H. Bắc Trà My cũng đã cung cấp cho chúng tôi hàng chục các văn bản, quyết định về thành lập các đoàn truy quét cũng như tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác lâm, khoáng sản trên địa bàn. Qua đó có thể thấy, dù cấp huyện đã chỉ đạo quyết liệt, thế nhưng do nhiều nguyên nhân nên các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương còn lơ là, thậm chí buông lỏng quản lý để “lâm tặc” mặc sức hoành hành.

Phóng sự: BÃO BÌNH - LÊ VƯƠNG

 (còn nữa)