“Sa tặc” từ sông ra biển (2)

Thứ bảy, 06/06/2015 12:53

* Kỳ 2:  Bằm nát biển Kỳ Xuân

(Cadn.com.vn) - Ngoài khơi thuyền ồ ạt hút cát, tại bờ máy múc công khai múc cát lên ô-tô chở đi... là những gì đang diễn ra tại vùng biển xã Kỳ Xuân, H. Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Việc “sa tặc” hút cát ngoài khơi xa, khó đấu tranh, đẩy đuổi là điều có thể biện minh, nhưng tình trạng múc cát tại bờ biển, điều mà chính quyền địa phương rõ hơn ai hết, lại không có phương án xử lý thì quả là điều hết sức bất thường...

Từ “sa tặc” trên biển…

Có mặt tại vùng biển Kỳ Xuân để tìm hiểu sự việc, chúng tôi chứng kiến cảnh một chiếc thuyền có công suất khá lớn đang ngang nhiên hút cát ven bờ biển và gần các ghềnh đá. Thấy có người chụp hình, chiếc thuyền nổ máy rời đi.

Ông Nguyễn Thành Chung - Trưởng CAX Kỳ Xuân cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép tại vùng biển thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân diễn ra từ vài ba năm trở lại đây. Tuy nhiên, thời điểm này “sa tặc” hoạt động với cường độ mạnh hơn, có chiều hướng phức tạp hơn. Mỗi ngày có 25-35 lượt xà lan sức chứa 35-40m3 chạy từ H. Cẩm Xuyên sang đây hút trộm cát. “Chúng tôi đã triển khai lực lượng để ngăn chặn tình trạng này, nhưng do lực lượng mỏng và thường phải “đơn thương độc mã” nên công tác đấu tranh không mấy hiệu quả.

Một thuyền khai thác cát trên vùng biển Kỳ Xuân.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, ông Nguyễn Xuân Lĩnh cho biết thêm, các thuyền hút trộm cát tại vùng biển Kỳ Xuân chủ yếu hoạt động vào buổi chiều và rạng sáng, nếu biển lặng thì hút cả ngày. Càng ngày “sa tặc” khai thác với quy mô lớn hơn và manh động hơn. Để ngăn chặn tình trạng này, Ban CAX đã tham mưu cho UBND xã gửi công văn tới UBND H. Cẩm Xuyên, Trạm Kiểm soát Cửa Nhượng, ĐBP Thiêm Cầm và UBND các xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Hà, Cẩm Phúc, Cẩm Trung… có công dân thường xuyên vi phạm để phối hợp tuyên truyền cho nhân dân không khai thác cát trái phép.

Theo báo cáo tại UBND xã Kỳ Xuân, từ đầu năm tới nay, lực lượng CAX đã bắt và xử phạt hành chính 3 trường hợp hút cát trái phép. Cùng đó, lực lượng BĐBP thuộc ĐBP Kỳ Khang cũng đã bắt và xử lý 4 trường hợp dùng xà lan khai thác cát của các đối tượng Kiều Văn Hùng, Thái Văn Hùng, Hà Thị Hợi, Trần Đình Thành (đều trú xã Cẩm Lĩnh, H. Cẩm Xuyên). Tuy nhiên, hiện nay lượng thuyền ra vào hút trộm cát ở đây vẫn ngày càng tăng, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.

... đến múc cát tại bờ

Được một người dân bản địa tên T. dẫn đường, vượt chừng 5km theo tuyến đường quốc phòng ven biển, chúng tôi có mặt tại bãi Cù Kỳ. Sóng vẫn rì rào nhưng bãi biển thì nham nhở những vệt lằn của bánh xe, của những hố lõm sâu hoắm. Rải rác bên đường quốc phòng là những đống cát được cập kết thành hàng dài chờ được chở đi. Biết chúng tôi muốn chứng kiến cảnh máy móc, xe cộ múc cát, T. trấn an: “Phải chờ đến tầm 18 giờ mới có”. Quả đúng như lời T., tiến hành mật phục từ sáng sớm đến chiều tối giữa tiết trời nắng nóng, oi bức, cuối cùng chúng tôi cũng ghi lại được hình ảnh một chiếc máy múc được chở tới để múc cát ngay tại bờ biển Cù Kỳ. Tuy nhiên, khi phát hiện người lạ, đưa điện thoại chụp ảnh và quay phim, người lái máy múc dừng lại, móc điện thoại ra nói chuyện. Ngay sau đó thì công việc múc cát ngừng lại, phương tiện rút khỏi bờ biển. Hiện trường còn lại là dấu vết đào bới của máy móc và vệt hằn do bánh xe.



Máy múc đang múc cát tại bờ biển xã Kỳ Xuân và sau đó được xe tải đến chở đi.

T. cho biết thêm, phương tiện này là của một người đàn ông tên Tư (tên thường gọi là Tư “An”) sống trong vùng này. Cứ mỗi buổi chiều hằng ngày, chiếc máy múc này được chở đến, tiến hành múc cát ngay bờ biển đưa lên xe tải để chở đi tiêu thụ. Tình trạng này hầu như ngày nào cũng diễn ra. Được biết, mỗi xe cát khoảng 9m3 được bán với giá 1 triệu đồng.

Tận mắt chứng kiến sự việc đưa máy múc ra múc cát tại bãi biển, nhưng khi chúng tôi trao đổi ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân và ông Nguyễn Thành Chung - Trưởng CAX thì cả hai lắc đầu: “Làm gì có chuyện đó”. Theo đó, 2 vị lãnh đạo này thừa nhận có chuyện anh Tư “An” khai thác cát tại bãi Cù Kỳ đã hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, khai thác rất ít, thỉnh thoảng chỉ lấy một vài xe chủ yếu là để phục vụ xây dựng công trình nông thôn mới mà thôi. “Chúng tôi quản lý rất chặt chẽ, lấy xe cát nào từ bờ biển đều phải thông qua lực lượng CAX cấp giấy. Toàn bộ số cát được lấy đều sử dụng trong địa bàn xã chứ không hề đưa ra ngoài” - ông Lĩnh khẳng định.

Thiết nghĩ, việc khai thác cát trái phép trên biển cũng như múc cát tại bờ biển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái và cảnh quan bờ biển xã Kỳ Xuân. Với những gì đã và đang diễn ra tại vùng biển xã Kỳ Xuân, đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên.

X.S (còn nữa)