“Sa tặc” từ sông ra biển

Thứ sáu, 05/06/2015 11:30

* Kỳ 1: Nỗi lo sông “gặm” vườn

(Cadn.com.vn) - Dùng máy hút cát trực tiếp từ đáy sông lên ô-tô; dùng xà lan hút cát từ lòng sông, đáy biển rồi chở về tập kết một nơi để tiêu thụ; thậm chí, đối tượng còn đưa máy múc ra bờ biển để múc cát ven bờ...  là thực tế đáng báo động về vấn nạn “sa tặc” đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Hai máy hút cát được đặt sát nhau trên một đoạn sông.

Bức tử sông Nổ

Từ chân cầu Phúc Đồng, xã Phúc Đồng, H. Hương Khê (Hà Tĩnh) ngược dòng sông Nổ chưa đầy 1km mà có tới 11 “vòi rồng” thi nhau hút cát. Cát hút lên, ruộng vườn trôi xuống khiến cho hàng chục hộ dân sống bên bờ sông luôn trong cảnh nơm nớp lo sợ. Bà Nguyễn Thị Xuân (trú xóm 10, xã Phúc Đồng) lo lắng: “Khi mùa mưa bão đến, nước từ thượng nguồn đổ về sẽ xói thẳng vào bờ sông, đe dọa các hộ gia đình đang sinh sống ven sông. Sông đã ăn sâu vào gần nhà tôi rồi. Nếu cứ đà này thì sớm muộn gì nhà cũng không còn mà ở. Giờ còn được lũy tre bảo vệ, nhưng rồi nay mai nó cũng sẽ bị sông Nổ “gặm” dần cho bật gốc thôi”.

Theo thống kê sơ bộ, tại thôn 10, xã Phúc Đồng và thôn 8, xã Hòa Hải có khoảng 20 hộ dân sống ở ven sông Nổ. Trước đây, sông Nổ hiền hòa, đẹp như một dải lụa xanh uốn lượn quanh làng, nhưng những năm lại đây, sông trở nên đục ngầu, dòng chảy xiết, khiến hàng chục nhà dân phải đối mặt với sóng lớn, sạt bờ... Nhiều người nơm nớp lo sợ, phải bán nhà, bỏ đất đi nơi khác làm ăn sinh sống, số còn lại vẫn hằng ngày “giành giật” với sông Nổ từng tấc đất để ở, để canh tác. Bởi, với họ, rời bỏ mảnh đất này họ chỉ có hai bàn tay trắng.

Một điểm sạt lở tại xóm 8, xã Hòa Hải, H. Hương Khê.

Ông Tăng Phước Cổn (77 tuổi, trú xóm 8, xã Hòa Hải) rầu rĩ: “Ngay sau vườn nhà tôi, tiếng nổ máy hút cát cứ xình xịch đêm ngày khiến mọi người mất ăn mất ngủ. Hơn thế nữa, việc găm thẳng “vòi rồng” xuống đáy sông để hút cát cũng khiến chúng tôi rất lo lắng. Hút cát suốt ngày đêm, lấy đi hàng trăm  mét khối cát khiến cho lòng sông ngày càng sâu hoắm. Hút như rứa không sạt bờ mới lạ!”.

Tại nhà bà Xuân, theo quan sát thì nước sông đã “ăn” sâu vào vườn hơn 5m và đang dần tiến đến sát móng nhà. Cạnh đó, ngôi nhà của chị Trần Thị Hải cũng nằm trong diện bị “hà bá” đe dọa nuốt chửng. Từ nhà chị Hải nhìn xuống dòng sông cũng phải vài ba chục mét, nhưng cứ đến mùa mưa là nước sông cuồn cuộn, dâng lên tận móng nhà, thậm chí là cuốn phăng đi tất cả. Chỉ tay về phía khu nhà bếp, công trình phụ được kè đá tựa lưng vào dòng sông, chị Hải cho biết: “Nhà nớ chị mới làm lại đó. Cách đây 3 năm nước sông đã đánh sập bờ, sập nhà và trôi đi mọi thứ bên trong. Tất cả là do nạn hút cát trên sông mà ra. Gia đình chúng tôi sống ở đây mấy chục năm trời rồi, có bị chi mô. Nhưng từ khi xuất hiện nạn hút cát trên sông thì cũng từ đó xuất hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng”.

Vườn mất, nhà cửa đang ngày càng bị đe dọa sau mỗi lần sóng lớn ập vào. Để khắc phục tình trạng sạt lở, người dân đã phải trồng rất nhiều loại cây, nhưng rồi cũng không cải thiện được bao lâu. Hàng trăm gốc cây được trồng giữ đất, vững chãi thế nhưng vẫn không trụ được sóng đánh, phơi ra bộ rễ nằm trơ bên bờ sông.

Bà Xuân lo lắng bởi bờ sông ngày càng lấn sâu vào vườn nhà.

Bất lực hay tiếp tay cho sai phạm?

Trước sự việc khai thác cát trái phép ồ ạt trên địa bàn mà chúng tôi đề cập tới, ông Phạm Hữu Nhân - Chủ tịch UBND xã Hòa Hải cho rằng: “Xã đã nhiều lần xử lý rồi”. “Đành rằng có xử lý, nhưng xử lý hôm nay, ngày mai các đối tượng lại tiếp tục hoạt động với cường độ mạnh hơn có nghĩa là sao?” - chúng tôi đề cập thì ông Nhân trả lời: “Đã giao cho lực lượng CAX ngày đêm tuần tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm”.

Trên dòng sông Nổ, đoạn qua địa phận thôn 10, xã Phúc Đồng và thôn 8, xã Hòa Hải chưa đầy 1km mà chúng tôi đếm được 11 máy hút cát dọc bờ sông thì ông Trần Quốc Việt - Phó trưởng Phòng TN&MT H. Hương Khê lại cho rằng “chỉ có... 7 máy thôi”. Cũng theo ông Việt thì phản ánh của người dân về tình trạng sạt lở đất ven sông Nổ là đúng sự thật. Còn nguyên nhân dẫn tới sự việc trên có khả năng do mấy năm gần đây làm... đập thủy điện nên làm sai lệch dòng chảy, còn chuyện hút cát thì ít có khả năng hơn bởi “chỉ hút đôi xe để xây dựng nông thôn mới”!

Được biết, trên địa bàn H. Hương Khê hiện có hàng chục điểm khai thác cát lậu trái phép, đơn cử như: xã Hòa Hải có 4 điểm, xã Phúc Đồng có 3 điểm, xã Hương Thủy có 3 điểm, xã Hà Linh có 4 điểm, xã Phúc Trạch, Phương Mỹ cùng có 1 điểm... Trong khi đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa cấp phép cho một tổ chức, cá nhân nào tại H. Hương Khê để khai thác cả. Trước vấn đề này ông Việt nói: Để khai thác cát trái phép, các đối tượng thực hiện rất nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau nhằm đối phó với các cơ quan chức năng như: liên tục di chuyển địa điểm, hoạt động vào những thời điểm buổi trưa và buổi tối nên gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác tuần tra, đẩy đuổi và xử lý. “Chúng tôi đã thành lập Đội liên ngành thường xuyên kiểm tra, đẩy đuổi và xử lý các chủ mỏ cũng như phương tiện tham gia vận chuyển. Qua đó, trong tháng 4 và tháng 5-2015, đoàn đã tiến hành lập 7 biên bản xử phạt hành chính về các hành vi liên quan” - ông Việt cho biết.

Cũng theo ông Việt thì, Hương Khê là huyện 30A nên nhu cầu xây dựng là rất lớn. Do không có mỏ nên huyện đã chỉ đạo miệng cho phép tận thu 2 điểm bãi bồi ven sông ở xã Lộc Yên và xã Phú Gia để lấy cát, sỏi xây dựng.

X.S
(còn nữa)