Sắc đỏ tháng 11!

Thứ hai, 14/11/2022 18:18
Tháng 11 về với cái lạnh se se, với thật nhiều tên gọi thật lãng mạn: Mùa nhớ, Mùa yêu thương, Mùa lá bay... Và trong những cơn gió đầu đông, trên các sân trường, sắc đỏ của những lá cờ tung bay, sắc đỏ của những tà áo dài duyên dáng, những lẵng hoa tươi thắm đã gợi lên trong tôi một cái tên thật thân thương: Tháng 11- Mùa tôn vinh Thầy cô!
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui (ảnh minh họa)
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui (ảnh minh họa)

Thầy cô! Chỉ hai chữ thôi mà thiêng liêng nhưng rất đỗi gần gũi.

Dẫu ngày Nhà giáo Việt Nam có từ 1982, nhưng truyền thống trọng thầy thì đã có từ ngàn năm, là một giá trị của văn hiến Việt Nam. Ơn cha mẹ, nghĩa thầy là đạo lý căn bản của đạo làm người.

Xưa, chưa có Ngày Nhà giáo, trò đáp nghĩa thầy bằng sức lực lúc nhà có việc, có đám, khi ốm đau, dịp Tết sum vầy. "Mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy". Thuở ấy, nhà giàu có, quyền thế nuôi thầy trong nhà, dạy chữ, dạy võ, đàn - họa cho con. Đâu hiếm trò nghèo được thầy cho ở trọ, thiếu tiền đóng học thì làm lụng trả ơn. Thầy xem sự học, nết ăn ở ưng, có khi còn gả con gái cho… Mỗi con người đều phải trải qua bổn phận làm con, nhờ công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ mới nên người. Nhưng muốn thành danh trên cuộc đời thì nhất thiết phải cần đến sự dạy bảo của người thầy giáo - "Không thầy đố mày làm nên", "Nhất tự vi sư bán tự vi sư". Nhiều trò đỗ đạt làm quan, về thăm thầy, xuống ngựa từ đầu làng, vẫn chịu nghe thầy dạy như khi còn đi học.

Ngày nay, 20-11 là dịp tri ân các thầy cô. Không khí thi đua "Giờ học tốt, ngày học tốt, tuần học tốt" như nóng hẳn lên sau đợt phát động thi đua chào mừng 40 năm kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 trong buổi chào cờ đầu tháng 11. Không khí các lớp học dường như cũng sôi động hơn ngay từ các hoạt động khởi động. Dạo quanh các dãy phòng học, các giờ học được tổ chức linh hoạt với rất nhiều hình thức sáng tạo: đóng kịch, phân vai, trải nghiệm các kỹ thuật dạy - học tích cực. Các tiết sinh hoạt với các chủ đề "Tôn sư trọng đạo" song song với hoạt động "Dạy tốt học tốt" là phong trào văn hóa văn nghệ. Cuối mỗi ngày, sân trường vẫn rộn ràng tiếng đàn, tiếng hát của thầy cô, phụ huynh, học sinh tập luyện cho chương trình văn nghệ tham gia Hội diễn của ngành, của trường. Những tiết mục văn nghệ đậm chất nghệ thuật, giàu tính tôn vinh đã để lại trong khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau như là những nốt nhạc tri ân đến các thế hệ thầy cô giáo...

Thời gian cứ trôi từng ngày, không ai có thể nhớ hết khuôn mặt, tên giáo viên của quãng đời đi học. Dẫu trò không gọi điện thăm hỏi, tặng hoa đủ các cô thầy nhưng tình nghĩa thì cứ mãi nợ thầy cô.

Rồi tháng 11 cũng sẽ khép lại cùng với sắc đỏ của những lá cờ tung bay, của những tà áo dài đỏ duyên dáng, nhưng chúng ta sẽ vẫn còn cảm nhận được sắc đỏ ấm áp của nghĩa thầy trò. Rồi trong mỗi thầy cô, mỗi em học trò cũng đền lúc òa lên: "Chỉ còn một vài tháng nữa thôi là hết năm học rồi, nhanh thật!". Có nhiều thứ mới vạch ra rồi cũng dần đến vạch đích. Có nhiều thứ rồi đôi khi bị bỏ lỡ và xếp lại. Những cái đầu năm học, giữa kỳ, cuối năm đôi khi thật hối thúc, đôi khi cũng là thời điểm để thầy cô - học trò chậm lại và nhìn xem mình đã đi qua những cột mốc gì. Có thể chẳng to tát với ai, nhưng có ý nghĩa với bản thân từng học là được, đọng lại trong từng mái trường là những nụ cười rạng rỡ trẻ thơ, thầy cô càng thêm yêu nghề, "cái nghề" thực sự đặc biệt bởi đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, là tâm hồn và thể chất con người. Như ai đó đã từng viết:

" Có một nghề bụi phấn dính đầy tay

Người ta gọi là nghề cao quý nhất

Có một nghề không trồng cây trên đất

Lại nở cho đời vạn đóa hoa thơm".

Phan Thị Thanh Ly