Sách là một phần của cuộc đời...

Thứ hai, 14/08/2017 15:02

Bạn có bao giờ tự hỏi, xã hội chúng ta sẽ ra sao khi không có sách? Bạn sẽ làm gì nếu bị buộc phải đốt những quyển sách mà bạn yêu thích? Bạn đã từng đọc bao nhiêu quyển sách trong cuộc đời mình và những quyển nào, những tác giả nào thực sự có ảnh hưởng đến cuộc đời bạn?... Những câu hỏi mang tính gợi mở đó đều được đặt ra trong cuốn Sách trong cuộc đời của tác giả Nguyễn Minh Hải (NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM phát hành quý II-2017).

Bìa cuốn Sách trong cuộc đời của tác giả Nguyễn Minh Hải

Sách là tập hợp các bài viết về sách đã đăng rải rác trên nhiều báo của tác giả trong 15 năm qua. Đó là những câu chuyện gia đình liên quan đến sách, như chuyện về "gene đọc sách" của tác giả được thừa hưởng từ người cha nông dân ít học nhưng đã đọc nhiều sách, chuyện một quyển sách cũ đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời tác giả (Sống nhơ của nhà văn Mạnh Phú Tư), chuyện tác giả dạy con đọc sách và chọn sách cho con... Đó là những kỷ niệm về sách với các bạn bè, người quen của mình, như một chuyện về ăn cắp sách, chuyện một cuốn sách mà tác giả cảm thấy còn nợ với nhà văn, nhà báo Nguyễn Nguyên (1929 - 2002), chuyện "Tập sách gia bảo" của một chị bạn, về một thư cũ trong một cuốn sách cũ... Đó là những đúc kết, chia sẻ về những cuốn sách mà tác giả đã từng đọc và có ấn tượng sâu sắc, như Ván bài lật ngửa (Trần Bạch Đằng), Bút máu (Vũ Hạnh), Khách thương hồ (Phan Trung Nghĩa), Việt sử giai thoại (Nguyễn Khắc Thuần), Rong chơi miền chữ nghĩa (An Chi), Tâm hồn cao thượng (Edmondo de Amcis), Truyện ngắn Nam Cao...  hay những tác phẩm của Sơn Nam, Nguyễn Huy Thiệp...

Đó là những trải nghiệm, chứng kiến của tác giả về việc người ta đọc sách, việc xuất bản và phát hành sách, về mua sách và đọc sách hay xếp hàng để được tặng sách, việc đọc sách điện tử (e-book)..., cả những trăn trở, suy tư với văn hóa đọc. Đó là những gợi mở, đề xuất về việc viết sách giáo khoa lịch sử cho học sinh phổ thông, về việc hun đúc tình yêu đọc sách trong nhà trường, về loại sách "hiếu nghĩa", truyện ngôn tình, việc tặng sách trong dịp Tết thay cho lì xì bằng tiền, cách nào để đưa sách đến với người đọc nhiều hơn... Đó là những khái quát mang tính tiểu luận, phê bình về việc đọc sách, về thế nào là sách tốt và sách không tốt, về hiện tượng đốt sách, về một số gương danh nhân yêu sách..., và tác giả mượn một câu danh ngôn để khẳng định rằng, đọc sách thực sự là trò chuyện với những bộ óc tuyệt vời (câu nói của Réne Descartes)... Tác giả cũng dành nhiều dung lượng để nói về ích lợi của việc dạy con trẻ đọc sách và việc chọn sách cho con, tất cả bằng suy nghĩ, tình cảm, trách nhiệm của một người cha chứ không phải một người ngoài cuộc nói xen vào...

Gần như tất cả các bài viết trong tập sách được thể hiện bằng góc nhìn của một người viết báo (tác giả tự giới thiệu đã làm báo từ năm 1998). Do đó, nhiều bài viết có dung lượng ngắn, dễ đọc, dễ hiểu (cuối bài thường có một câu kết có ý nghĩa nêu ý chính của bài đó) và nhiều bài mang tính thời sự đậm nét, kể cả những bài đã được viết cách đây nhiều năm. Dẫu vậy, như nhà nghiên cứu và phê bình văn học, GS.TS Huỳnh Như Phương nhận xét: "Đây là những câu chuyện của một người yêu sách cất lên tiếng nói chân thành và thẳng thắn của mình về một số hiện tượng trong sáng tác, xuất bản và tiếp nhận văn học (...) Sách trong cuộc đời là một đề tài quen thuộc nhưng không dễ gì khai thác hết những khía cạnh phong phú, đa chiều của nó. Đây là những suy nghĩ trung thực và tâm tình giản dị của một người chịu ơn từ sách" (Những câu chuyện của một người yêu sách, Báo Người lao động, ngày 16-7-2017).

Xin mượn một đoạn trong bài Ta đọc sách gần nhất khi nào? để chia sẻ với bạn đọc những trăn trở của tác giả về việc đọc sách: "Có bao giờ người lớn chúng ta tự hỏi lần gần nhất ta đọc một quyển sách là khi nào, theo cách hiểu là chúng ta đọc hết quyển sách nhằm vào một mục đích nhất định chứ không phải đọc để... chờ cơn buồn ngủ ập đến? Hay chúng ta tự hỏi mình đọc cuốn sách nào đó và tìm thấy điều gì bổ ích, thú vị trong đó?... Những câu hỏi đó hẳn làm chúng ta không khỏi nghĩ suy để thấy rằng sách thực sự là một phần trong cuộc đời của mỗi chúng ta!

MINH TÂM