Sâm Ngọc Linh - Chuyện bây giờ mới kể (5)

Thứ bảy, 31/10/2015 08:10

* KỲ CUỐI:  9.467 TỶ ĐỒNG ĐẦU TƯ ĐỀ ÁN SÂM NGỌC  LINH

(Cadn.com.vn) - Ngày 11-9-2015, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7168/VPCP-KGVX gửi UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ: “Xét đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam tại tờ trình... ngày 21-8-2015 phê duyệt đề án bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đồng ý với ý kiến của UBND tỉnh Quảng Nam và các Bộ về việc triển khai đề án... Nhằm bảo vệ nguồn gen quý, kết hợp bảo vệ, phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo ở các vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Quảng Nam...”.

Những ngày cuối tháng 10-2015 này, dường như các cán bộ chủ chốt của chính quyền và các ban ngành ở Nam Trà My đều bị “cuốn” vào đề án bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh. “Đề án đã có rồi, lại mang tầm quốc gia nữa chứ không phải trò đùa đâu nhé”-một cán bộ chủ chốt UBND huyện nói với chúng tôi như thế. Nhiều mục tiêu đặt ra đối với đề án, nào là, bảo tồn nguồn giống, đảm bảo nguồn giống sâm chất lượng cao... Xây dựng, phát triển thương hiệu cho cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam)... ngang tầm vượt trội sâm Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ. Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng phát triển cây sâm... Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, có kinh nghiệm trong sự nghiệp phát triển sâm Ngọc Linh, thu hút lao động địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng sâm, góp phần bảo vệ rừng và phát triển kinh tế xã hội vùng... Và mục tiêu lớn nhất là làm sao đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Hàn Quốc), hàng năm sản xuất được từ 500 đến 1.000 tấn sâm. Với tất cả các mục tiêu như vậy, gần như  cả “hệ thống chính trị” của Nam Trà My và tỉnh Quảng Nam vào cuộc. Để quản lý và triển khai hiệu quả Đề án, Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo về phát triển dược liệu, trong đó ưu tiên cây sâm Ngọc Linh.

Cây sâm Ngọc Linh đã và đang từng bước đưa người dân Ngọc Linh thoát đói giảm nghèo.

Theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng nguồn vốn đầu tư đề án là 9.467 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước 1.569 tỷ đồng; vốn các doanh nghiệp 7.898 tỷ đồng.  Đề án được triển khai thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2016 đến 2030), với các nhiệm vụ: Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh; khoanh nuôi xúc tiến trồng bổ sung; di thực cây sâm; xây dựng hạ tầng cơ sở vùng trồng sâm; sản xuất các loại sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh (công nghệ sâm); tuyên truyền, quảng bá cây sâm Ngọc Linh; phát triển du lịch vùng sâm Ngọc Linh.   Giai đoạn 2 (từ năm 2030 trở đi): chủ yếu doanh nghiệp đầu tư phát triển... Nói về tính khả thi, đề án có tầm chiến lược rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp  đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Chính phủ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn... Hiệu quả của đề án, bảo tồn được 100ha cây sâm Ngọc Linh, tương đương với 2 triệu cây sâm và phát triển vùng nguyên liệu sâm 400 ha ở tỉnh Quảng Nam. Sản xuất chế biến ra được một số sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, làm tăng kim ngạch xuất khẩu cho quốc gia... giải quyết vấn đề lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho người lao động. Duy trì ổn định thế rừng tự nhiên, từ đó thu hút các loài động thực vật tăng lên, bảo tồn được đa dạng sinh học trong khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, chống xói mòn, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đề án phân công trách nhiệm thực hiện, cơ quan chủ quản là UBND tỉnh Quảng Nam; chủ đầu tư Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, được sự hỗ trợ và phối hợp thực hiện đề án của Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ban ngành Trung ương.

Người dân Xê Đăng trên sườn núi Ngọc Linh luôn mong muốn đề án sẽ thành hiện thực, sẽ có rất nhiều tỷ phú sâm Ngọc Linh người Xê Đăng trong nay mai. Núi Ngọc Linh sẽ không còn “kỳ bí”, bởi linh khí đất trời Ngọc Linh đã tích tụ ở chính loài cây hiền hòa, giản dị mà chính là báu vật  mang tên sâm Ngọc Linh rồi.

H.T