Sâm Ngọc Linh - chuyện bây giờ mới kể

Thứ ba, 27/10/2015 10:46

* Kỳ 1: 24 giờ giữa thủ phủ sâm Ngọc Linh

(Cadn.com.vn) - Đối với bà con người dân tộc Xê Đăng sống quanh sườn ngọn núi Ngọc Linh-mệnh danh là nóc nhà của dãy Trường Sơn với độ cao 2.600 mét, là đỉnh núi vô cùng quý báu và linh thiêng như chính tên gọi của nó. Nhưng có một thứ mà chỉ núi Ngọc Linh mới có, đã tồn tại ngàn năm, đang hiện hữu, được xem là linh khí đất trời Ngọc Linh ban tặng, sự quý giá hiển hiện với người Xê Đăng nơi đây và cả chính quyền, cộng đồng xã hội đang ra sức bảo tồn, đó chính là  một loài "thực vật", một hệ "thảo mộc", mang tên chính ngọn núi kỳ bí-Sâm Ngọc Linh...

Cổng vào làng Tak Ngo, Trà Linh.

Những ngày cuối tháng 10-2015, chúng tôi may mắn nhận được sự "ưu ái" của huyện khi được anh Trịnh Minh Quý, Phó Giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh dẫn đường đến thăm thủ phủ của sâm Ngọc Linh. Một trong những quy định thể hiện sự "nghiêm khắc", sự "quan trọng", sự "cẩn mật" được nêu rõ trong nội quy của Trung tâm sâm Ngọc Linh, trực thuộc UBND H. Nam Trà My, Quảng Nam: "...bất cứ người nào muốn đến Trại sâm giống Tak Ngo, Trà Linh, phải được sự đồng ý của lãnh đạo UBND huyện và Trung tâm sâm Ngọc Linh...".

Có lẽ, kể từ ngày 19-3-1973, khi vị dược sỹ hàng đầu của Việt Nam-Đào Kim Long, phát hiện ra cây "thuốc giấu" của người Xê Đăng trên sườn núi Ngọc Linh với những dược tính vô cùng quý giá, rồi hàng loạt những nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước về thành phần, hoạt chất có giá trị của cây "thuốc giấu" này với sức khỏe con người, để rồi loài thảo mộc hiền hòa, giản dị này được đặt cái tên "cao quý" là sâm Ngọc Linh, ít ai biết được "thân thế", "vóc dáng" của loài sâm được đánh giá là rất quý này thế nào...

Nhưng hãy tạm gác câu chuyện về giá trị loài sâm này lại, sẽ kể trong phần khác, ý tôi muốn nói nguyên nhân vì sao lại có sự nghiêm ngặt, cẩn mật khi người lạ muốn tiếp cận với loài sâm này! Sự nghiêm ngặt, cẩn mật ấy mới trên văn bản, giấy tờ, còn thực tế để đến với cây sâm cũng không hề đơn giản. Chả trách, chuyến đi chinh phục núi Ngọc Linh lần trước, khi chúng tôi ngỏ ý muốn thăm vườn sâm, đều nhận được sự khước từ thẳng thừng.

Cổng bảo vệ trạm sâm gốc Tak Ngo.

6 giờ 30 sáng xuất phát từ Tak Pỏ, trung tâm H. Nam Trà My, sau hơn một giờ vật lộn với con đường quanh co ngược dốc bằng xe máy, chúng tôi mới lên được gần trung tâm xã Trà Linh. Từ đây, gửi lại xe máy, rời con đường độc đạo, từ thôn 1, chúng tôi tiếp tục luồn rừng, vượt dốc theo con đường mòn trơn trượt nhằm hướng làng Tak Ngo (thôn 2, Trà Linh). Từ điểm gửi xe máy, trời nắng có thể nhìn thấy những mái tôn lấp lóa của làng Tak Ngo nằm chênh vênh trên sườn núi Ngọc Linh, nhưng đúng như người miền núi thường nói "khắc đi, khắc đến", phải sau hơn 3 giờ đồng hồ, khi chân tay đã rã rời, lê từng bước chân chúng tôi mới tới được cổng làng, lúc mặt trời đứng bóng. Làng Xê Đăng đón chúng tôi bằng sự "cẩn mật" theo bà con là vô cùng cần thiết, mặc dù đã có sự giới thiệu của anh Trịnh Minh Quý. Già làng Hồ Văn Suốt-đại diện cựu chiến binh,  ông Hồ Văn Lang-Bí thư chi bộ thôn, rồi CA viên... yêu cầu chúng tôi xuất trình giấy tờ, ghi vào sổ tay rõ ràng: "Nhà báo Công an lên thôn công tác, thăm trại sâm, đã có sự đồng ý của Chủ tịch huyện...".

Thế nhưng, sau sự "cẩn mật" ấy là tình cảm, là sự hiếu khách của bà con đầy bất ngờ với chúng tôi... Vừa xong mùa suốt lúa rẫy nên bà con đều nghỉ ngơi, ăn mừng lúa mới, nhà nào nhà nấy thơm nồng mùi rượu nếp. Già làng Hồ Văn Suốt "yêu cầu" chúng tôi phải tới thăm nhà, bà con Xê Đăng có tục lệ, khách đến phải "uống phép, ăn phép", nghĩa là khi vừa bước chân lên sàn nhà, chúng tôi đã phải uống hết một bát rượu nếp ủ men lá ngọt lừ, ăn một miếng cơm gạo rẫy đỏ bùi ngậy như trứng kiến... Già Suốt giải thích, nếu không uống, không ăn bà con sẽ giận, thậm chí không cho ở lại làng. Ai cũng mời bằng được chúng tôi thăm nhà, không nhớ đến bát rượu "phép" thứ mười mấy nữa, chúng tôi ai nấy mặt đỏ phừng, đi đứng loạng choạng... Mặt trời đã dần khuất sau rặng núi, anh Quý phải giải thích, xin phép không biết bao nhiêu lần, bà con mới chịu để chúng tôi tiếp tục hành trình. Chặng đường tiếp theo, chúng tôi còn phải vượt dốc gần một giờ nữa mới đến Trạm sâm giống của huyện, nằm giữa rừng nguyên sinh, trên độ cao 1.600 mét của sườn núi Ngọc Linh.

Bí thư đảng ủy thôn Tak Ngo-Hồ Văn Lang ghi tên nhà báo vào sổ tay để theo dõi, kiểm tra.

Thật không ngờ giữa rừng già thâm u lại có một trang trại quy mô như vậy. Vượt qua một khe suối, hiện ra trước mắt chúng tôi là một hàng rào lưới thép B40, cùng chiếc cổng gỗ, cửa đóng khóa chắc chắn với tấm biển sơn đỏ: "Trạm sâm giống Tak Ngo, diện tích 100ha...". Qua ba lần cổng khóa, lưới thép,  cách  mấy trăm mét nữa mới tới khu vực trồng sâm. Nằm giữa vườn sâm là ngôi nhà gỗ ba gian chắc chắn, với đầy đủ hệ thống điện nước, tivi, và hệ thống nước tự chảy, năm chàng trai Xê Đăng đón chúng tôi bằng bữa cơm rừng với thịt chuột bẫy được ở vườn sâm và rượu ngâm lá sâm.

Kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn-dân tộc Ca Dong, Trạm trưởng phấn khởi tâm sự,  anh em công nhân của trạm, mặc dù làm việc theo chế độ hợp đồng, nhưng lương tháng cũng gần 4 triệu đồng, được đóng mọi chế độ, bảo hiểm đầy đủ. Trạm mới hoạt động gần 3 năm, nhưng công việc tiến triển tốt, trị giá vườn sâm đến nay đã lên tới cả trăm tỷ đồng, ai cũng quyết tâm chăm sóc, bảo vệ vườn sâm thật tốt, tương lai thoát đói giảm nghèo của Nam Trà My chính là từ vườn sâm này...

Phóng sự: Hồng Thanh
(còn nữa)