Sản phẩm lưu niệm du lịch và quà tặng APEC 2017: Đậm đặc hình ảnh voọc chà vá Sơn Trà

Thứ sáu, 02/06/2017 12:08

(Cadn.com.vn) - Hình ảnh "Nữ hoàng linh trưởng" đã xuất hiện đậm đặc trong các sản phẩm lưu niệm du lịch của TP Đà Nẵng. Các nghệ nhân sử dụng hình ảnh voọc chà vá chân nâu trong các mẫu thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch, không chỉ bởi đây là loài linh trưởng đặc hữu, quý hiếm, mang biểu trưng của Đà Nẵng mà còn muốn gửi gắm thông điệp về bảo tồn thiên nhiên cho du khách khắp nơi trên thế giới cũng như các nguyên thủ 21 nền kinh tế tham dự APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Nhàn (Hà Nội) bên chiếc bình gốm đạt giải Nhất in hình gia đình Voọc.

Đa dạng thêm sản phẩm lưu niệm

Khi biết tin Đà Nẵng tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch, quà tặng phục vụ APEC 2017, nhiều nghệ nhân tài danh trong Nam, ngoài Bắc đã tâm huyết dành thời gian, trí tuệ của mình thiết kế nên những sản phẩm ấn tượng. Nghệ nhân ưu tú Trần Thu (Quảng Nam) chia sẻ, bản thân mình đã tham gia và giành nhiều giải thưởng từ các cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch, nhưng đây là cuộc thi quy mô giải thưởng cao nhất, thu hút đông đảo nghệ nhân khắp cả nước, tính cạnh tranh rất cao. Hấp dẫn hơn, các mẫu thiết kế sản phẩm đoạt giải không chỉ được sản xuất, quảng bá rộng rãi cho du khách tới phố biển Đà Nẵng mà còn được lựa chọn làm quà tặng dành cho các nguyên thủ, quan chức, doanh nhân 21 nền kinh tế tham gia Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Từ đây, không chỉ bàn tay tinh hoa, khối óc sáng tạo của nghệ nhân Việt, mà những biểu trưng văn hóa, thiên nhiên "rất" Đà Nẵng cũng sẽ được quảng bá ra thế giới. Bà Nguyễn Thị Thúy Mai- Phó Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết, sau 5 tháng tổ chức, cuộc thi thu hút 76 đơn vị, cá nhân từ 8 tỉnh thành tham gia với 171 tác phẩm, trong đó 143 sản phẩm đã hoàn chỉnh với mẫu mã phong phú, tinh xảo. Từ cuộc thi đã xuất hiện nhiều sản phẩm lưu niệm du lịch có ý tưởng độc đáo, giàu tính mỹ thuật, mang giá trị kinh tế cao, bổ sung vào cụm sản phẩm lưu niệm của Đà Nẵng phục vụ du khách.

Ông Hồ Kỳ Minh- Phó Chủ tịch TP.Đà Nẵng đồng thời là Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết, ý nghĩa lớn nhất của cuộc thi là tìm ra được 20 sản phẩm độc đáo để trao giải, và chính những sản phẩm này sẽ làm giàu thêm, đa dạng thêm nguồn "quà tặng" đặc trưng của Đà Nẵng để phục vụ du khách thập phương. Mỗi sản phẩm không chỉ là tâm huyết, trí óc, tinh hoa của nghệ nhân, đáng nói hơn lại khắc họa đậm nét được dấu ấn đặc trưng Đà Nẵng, từ đây thông qua du khách, hình ảnh TP sẽ được quảng bá đi khắp thế giới. Ông Minh cho biết, sắp tới TP sẽ đặt hàng các sản phẩm này làm quà tặng phục vụ APEC 2017, đồng thời tạo điều kiện để các DN sản xuất, tạo mặt bằng để trưng bày, quảng bá, đưa sản phẩm đến tận tay du khách.

 Kỷ lục gia Lê Nguyên Vỹ (Đà Nẵng) giới thiệu tác phẩm Tranh Voọc chà vá trên gân lá bồ đề.

Thông điệp từ hình ảnh voọc chà vá

Song song với lễ trao giải Cuộc thi hôm 1-6 là triển lãm trưng bày các sản phẩm dự thi tại tiền sảnh Trung tâm hành chính Đà Nẵng. Điều đáng nói, trong hàng trăm sản phẩm đó, hình ảnh voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà xuất hiện đậm đặc. Nếu như cơ sở mộc của Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp (Quảng Nam) mang tới tác phẩm Chung tay (giải khuyến khích) với hình tượng một con Voọc chà vá được viền vòng tay bảo bọc từ bên ngoài, thì nghệ nhân Lê Bá Linh (Bình Dương) lại mang tới bộ tranh sơn mài treo tường, để bàn (giải Ba) đậm đặc về Vọoc. Nghệ nhân Lê Bá Linh nói, ông đã nghĩ tới cầu Rồng, tới Bà Nà nhưng rồi khi nhìn Voọc chà vá chân nâu ông đã bị mê hoặc. Nó không chỉ đẹp mà còn quý hiếm, nói đến Voọc người ta nghĩ ngay tới Đà Nẵng, vì thế ông đã dồn tâm huyết, trí tuệ sáng tạo nên bộ tranh Voọc độc đáo này. "Cái gì quý hiếm thì phải giữ. Đặc biệt nó là môi trường, thiên nhiên, là hơi thở của chúng ta, thông điệp của tôi chỉ đơn giản vậy"- ông Linh chia sẻ.

Sản phẩm bình gốm sứ Bát Tràng có tên Tâm Thức đoạt giải Nhất cuộc thi cũng đã tôn vinh gia đình Voọc ở vị trí trang trọng. Nghệ nhân Nguyễn Thị Nhàn (Hà Nội) người đã sáng tạo ra sản phẩm này nói, mặt trước chiếc bình là hình ảnh sông Hàn biểu trưng gắn với sự chuyển mình phát triển của Đà Nẵng, mặt sau là gia đình Voọc biểu trưng cho nét độc đáo thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng, giữa phát triển và bảo tồn phải hài hòa, bằng trái tim và trí tuệ (Tâm Thức). Mặt trước của chiếc bình biểu tượng sự phát triển, nhưng nền tảng của nó chính là mặt sau, là giá trị truyền thống, giá trị thiên nhiên vốn có, thiếu một mặt không tạo nên chiếc bình, chỉ tập trung cho một mặt, không tạo sự hài hòa, chiếc bình cũng mất đi giá trị. "Khi nhìn thứ đang có, bạn phải hiểu nền tảng của nó là gì, mặt sau của nó là gì?"- Nghệ nhân Nhàn chiêm nghiệm.

Trong khi đó, nhà thạch ảnh, kỷ lục gia Lê Nguyên Vỹ (Đà Nẵng) đã đoạt giải Ba với sản phẩm Tranh Voọc chà vá trên gân lá bồ đề. Ông Vỹ tâm sự, mình chọn Voọc chà vá là hướng đến sự mới lạ, độc đáo khi sáng tạo về Đà Nẵng. Qua sản phẩm của mình, ông Vỹ muốn gửi gắm thông điệp hãy bảo vệ Voọc-loài linh trưởng đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng, bảo vệ môi trường sống của chúng cũng là bảo vệ rừng Sơn Trà. "Thành phố có Sơn Trà, có Voọc, là thành phố hiếm có trên thế giới. Nếu bảo vệ được Sơn Trà, coi nó như công viên, du khách vào công viên đó tham quan, rồi xuống Đà Nẵng mua sắm, ăn uống, anh xích lô, bà bán bún cũng được nhờ"-ông Vỹ trăn trở. Cũng vì trăn trở như vậy, ông đã phóng hình ảnh Voọc chà vá lên chiếc lá bồ đề mỏng manh, với mong muốn hình ảnh đó theo du khách bay đi khắp nơi, Voọc và Sơn Trà sẽ được chung tay bảo vệ.

 Hải Hậu