Sáng lên con chữ Vân Kiều
(Cadn.com.vn) - “Cảm ơn Đảng và Nhà nước quan tâm phục chế, bảo tồn cái chữ Vân Kiều. Tôi tự hào lắm khi viết được cái chữ của dân tộc mình. Rồi từ đây, con em của bản sẽ dần được xóa mù chữ Vân Kiều, còn gì vui sướng hơn”, anh Hồ Văn Ran (38 tuổi, trú xã miền núi Hướng Phùng, H. Hướng Hóa, Quảng Trị) phấn khởi trước thông tin năm học 2015 – 2016, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị mở rộng dạy chữ Vân Kiều cho nhiều trường khối trung học sau một thời gian thí điểm thành công.
Cô và trò chuẩn bị bước vào lớp 1 tại bản Ruộng, xã Hướng Tân. |
Quảng Trị là nơi có người Bru – Vân Kiều sinh sống đông nhất Việt Nam, với trên 50 ngàn người phân bố chủ yếu ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, một số xã ở Gio Linh và Vĩnh Linh dọc theo đại ngàn Trường Sơn. Người Vân Kiều có tiếng nói riêng của dân tộc mình nhưng từ xa xưa không có chữ viết. Thập niên 1980, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xây dựng, phục chế chữ viết của đồng bào mang họ Bác Hồ nhưng số người am tường chỉ đếm đầu ngón tay. Chính vì thế, khi nhiều con trẻ của đồng bào hôm nay được dạy để viết nên hình hài ngôn ngữ dân tộc mình, đồng bào dâng lên niềm vui khôn tả.
Cô Trần Thị Ngọ - quyền Trưởng phòng GD Trung học (Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị), một người dành nhiều tâm huyết trong triển khai dạy tiếng Vân Kiều bao năm qua, chia sẻ: Sau thời gian thí điểm dạy chữ Vân Kiều tại một số trường tiểu học ở Hướng Tân và Húc (H. Hướng Hóa), bước vào năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT tiếp tục mở rộng ra 5 trường, tập trung vào khối trung học là Trường bán trú THCS Hướng Phùng, Trường THCS Húc, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lộc, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Hướng Hóa và Đakrông. Tin vui này khiến bản làng Trường Sơn như có hội.
Bản Ruộng (xã Hướng Tân) nằm trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, vì xa trung tâm xã nên được bố trí một điểm trường tiểu học khang trang phục vụ cho con em của bản. Bản chủ yếu là người Vân Kiều, nói tiếng Kinh không thạo nên hè chưa hết thì những đứa trẻ chuẩn bị vào lớp một đã được đưa đến trường để làm quen với cô, thầy và ngôn ngữ Kinh. Tất nhiên, những thầy cô giáo cũng chuẩn bị sẵn vốn tiếng Vân Kiều để dìu dắt các trẻ. Năm học 2014-2015, điểm trường này được thí điểm dạy chữ Vân Kiều cho lớp 4, do thầy giáo Hồ Văn Lồ đảm nhận.
Theo đánh giá chung, học chữ Vân Kiều rất khó nhưng nhiều học sinh miền núi rất háo hức. Em Hồ Văn Tong (bản Ruộng, năm nay lên lớp 5, được học chữ Vân Kiều năm ngoái) chia sẻ: “Học chữ Vân Kiều khó lắm”. Rồi, Tong lấy bút viết những từ đơn giản nhất như ông, bà, bạn, thầy cô, các câu chào thầy, cô... và đọc cho chúng tôi cùng nghe. Tong viết xong, chúng tôi đưa cho bạn cùng lớp là Hồ Thị Viêng “xác nhận”. Viêng vui ra mặt vì Tong viết đúng chính tả. Nhiều người của bản vây quanh xem các em viết ra những câu nói bình dị nhất mà họ dùng hàng ngày.
Em Hồ Thị Viêng đang viết chữ Vân Kiều cho các bạn xem. |
Chúng tôi ngược qua phía nam Hướng Hóa đến với bản làng Húc Ván, xã Húc. Năm học 2014-2015, xã Húc được thí điểm dạy chữ Vân Kiều và năm nay tiếp tục được duy trì tại cấp trung học. Già bản Hồ Văn Đừng (82 tuổi) khi được hỏi đến cái chữ dân tộc mình liền kể: “Bố tham gia cách mạng từ sớm, bố được học cái chữ Bác Hồ, rồi sau đó tự học cả tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng chữ Vân Kiều thì bố chưa biết. Nhưng mà, bọn nhỏ của bản thì được thầy cô dạy viết được chữ Vân Kiều rồi đó”.
So với năm 2014-2015, việc mở rộng dạy chữ Vân Kiều năm học mới này chủ yếu là khối trung học vì qua quá trình thí điểm ở khối tiểu học cho thấy học chữ Vân Kiều rất khó nên các em nhỏ tiếp thu chậm hơn. Cô Trần Thị Ngọ cho biết, đội ngũ đứng lớp dạy chương trình chữ Vân Kiều sắp tới là 25 giáo viên được chọn lọc qua các lớp đào tạo tiếng Bru, Vân Kiều. Giáo trình trên cơ sở tài liệu của Sở Nội vụ và Ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị biên soạn năm 2007.
Người đóng góp lớn trí tuệ và công sức vào biên soạn giáo trình giảng dạy hôm nay trước tiên phải kể đến thầy giáo Hồ Xuân Long (TT Khe Sanh, H. Hướng Hóa). Từ thập niên 1980, thầy Long đã tích cực tham gia vào phục chế chữ Vân Kiều. Đến năm 2006, thầy về hưu và dành trọn tâm huyết biên soạn, giảng dạy ngôn ngữ dân tộc mình cho cán bộ, giáo viên, CA, biên phòng công tác miền núi và hiện nay mở rộng để dạy cho học sinh hai huyện Đakrông, Hướng Hóa.
Bảo tồn và phát triển chữ viết người Vân Kiều là một hành trình gian nan nhưng tin rằng tỉnh Quảng Trị với quyết tâm cao sẽ đạt nhiều thành tựu vượt bậc, từ đây sẻ chia kinh nghiệm cho nhiều địa bàn khác có đồng bào Vân Kiều sinh sống, ngay cả từ phía bên kia biên giới. Bảo tồn và phát triển chữ viết người Vân Kiều không chỉ đóng góp lớn lao vào xây dựng, bảo vệ nét văn hóa độc đáo của đồng bào thiểu số mà còn có vai trò thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững đoàn kết, ANTT, biên cương Tổ quốc ngày thêm vững bền.
Bảo Hà