Sau 1-7, “dân nhậu” liệu có thương mình?

Thứ hai, 08/06/2009 00:00

Kỳ 1: Dân nhậu tự bạch...

(Cadn.com.vn) - Sau thành công và hiệu ứng tích cực của quy định bắt buộc người ngồi trên mô-tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm, kể từ ngày 1-7-2009 tới, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi năm 2008 quy định, nghiêm cấm sử dụng bia rượu vượt quá giới hạn về nồng độ cồn cho phép đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, ô-tô, máy kéo... Đây là một tiêu chí đã được thực hiện tại 35 nước trên thế giới, liệu ở Việt Nam, việc thực hiện quy định này thế nào? Chúng tôi đã có những tìm hiểu về thực trạng sử dụng rượu bia cũng như ý kiến của “dân nhậu” về điều này.

Chẳng giấu giếm gì, tôi cũng vốn là một dân nhậu có hạng. Mấy năm về trước, đã vào cuộc nhậu, mình tôi cũng phải xơi gọn cỡ một lít rượu gạo, nếu cuộc vui còn tiếp diễn, tôi cũng có thể “giao lưu” thêm chừng đó nữa là chuyện bình thường. Còn bia, đối với tôi là chuyện giải khát, khi mọi người trên bàn nhậu đã bắt đầu chuếnh choáng chuyển sang giai đoạn “vui tính” hoặc “bàn chuyện riêng” thì tôi vẫn có thể “đệm” thêm vài ly rượu bất kể loại gì nữa cho “đủ đô” rồi mới phóng xe về nhà. Tuy nhiên, sắp tới đây, chắc phải hạn chế đến mức thấp nhất, nếu không thì chỉ có đi bộ” - đó là tâm sự của một “dân nhậu” chính hiệu khi tôi đề cập đến quy định nghiêm cấm người uống rượu bia quá nồng độ cho phép điều khiển phương tiện cơ giới từ ngày 1-7 tới.

Cách đây 5 năm, đồng nghiệp của tôi cũng từng đã cho ra mắt bạn đọc loạt phóng sự dài kỳ về chuyện nhậu trên Báo Công an TP Đà Nẵng. Phóng sự thật hấp dẫn, kể về vô số cuộc nhậu, về vô số “điển hình” của dân nhậu và cũng đưa ra lời cảnh báo, định hướng dư luận về tác hại của chuyện uống bia rượu quá đà. Nhưng theo tôi, nếu còn viết tiếp vẫn có khối chuyện để viết, chuyện vui có, chuyện buồn có, mà chẳng vui chẳng buồn chỉ lấy bia rượu làm bạn cũng không thiếu. Nói về chuyện uống nhiều bia rượu, chuyện cũ nhắc lại, cách đây mấy năm về trước, nhà vợ chồng anh bạn đồng nghiệp còn ở tạm khu tập thể P. Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng.

Trong một cuộc gặp mặt bạn bè mà không có rượu bia là không vui.
(Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: H.T 

Hồi ấy công việc còn thư thả, nên trong tuần chúng tôi hay có thói quen tụ tập để giải trí hoặc trao đổi “chuyên môn”. Mấy anh em, người tận Bình Định, kẻ tận Thanh Hóa, đều xa nhà, lại đều là dân uống rượu như nước lã cả. Gần phòng tập thể của anh bạn tôi lại có vợ chồng một anh lính hải quân, vợ ở nhà nấu rượu nuôi heo, rượu nhà anh nấu theo kiểu ngoài Bắc, nên được đánh giá là ngon, vậy là chúng tôi tha hồ uống. Sau hai tháng tổng kết để thanh toán tiền rượu, kết quả chúng tôi đã uống hết hơn 200 lít, anh bạn tôi cười vui vẻ: “Vậy là lâu nay đúng thực sự chúng ta đã uống rượu bằng phi, chứ không phải bằng lít, bằng ly nữa...”. Nghĩ lại bây giờ tôi vẫn thấy mình may mắn, từ nhà anh lúc đó về đến nhà tôi cách gần 20km, nhà tôi ở tận Cẩm Lệ, cuộc nhậu nào tôi cũng về khi rượu đã chuếnh choáng, và trời cũng đã chuyển sang thời khắc của ngày hôm sau, vậy mà không có chuyện gì xảy ra...

Do đặc thù công việc, tôi thường có nhiều chuyến đi công tác ở nhiều địa phương, cái chuyện bia rượu lại được tôi phát huy sở trường. Thật tình mà nói, tôi đến các địa phương vừa là quan hệ công tác, nhưng anh em, bạn bè, rồi các đơn vị ở cơ sở nhiều chỗ rất quý. Vậy là phải nhậu, nhậu hết cuộc này tới cuộc khác, từ bia đến rượu, rồi lại từ rượu đến bia. Nói thật, chẳng phải phàm phu tục tử gì, nhưng không thể từ chối được. Có chỗ bạn bè bảo: “Mày không ngồi chơi với tụi tao, thì lần sau đừng vác mặt lên nữa...”. Lại có chỗ “thương mình”: “Anh đi từ xa lên với chúng tôi thế này là quý lắm rồi, thôi công việc tính sau, giờ anh em ta cứ “nghỉ ngơi thư giãn” đã...”. Vậy là phải... nhậu.  Tôi kể mấy chuyện vừa vui vừa thật mà tôi đã từng trải qua như vậy để thấy rằng chuyện bia rượu có trăm ngàn lý do để uống, không riêng gì tôi mà chắc là nhiều người khác cũng gặp phải trường hợp như vậy.

Trong cuộc sống hằng ngày, đủ thứ chuyện liên quan đến rượu bia, nào là bạn bè gặp nhau, nào là đám cưới, đám giỗ, “giải mỏi” cuối ngày lao động, gặp nhau cuối tuần... Ở công sở thì hội họp, tổng kết cơ quan, tăng lương, lên chức... Rượu bia uống vào thì cũng nhiều chuyện vui mà không ít chuyện buồn, mới cách đây mấy năm, anh bạn cùng xóm tôi ở Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ chuẩn bị cưới vợ, vậy là trước ngày cưới, vì quá vui anh nhậu tới bến. Chừng tới khuya, anh sực nhớ còn mấy công việc phải chuẩn bị cho lễ cưới sáng ngày mai, vội xách xe máy chạy ào ra cổng, đường không đi lại đâm sầm vào bụi tre gai.

Hiện trường vụ TNGT xảy ra trên đường Trường Chinh ngày 30-9-2008,
do người điều khiển mô-tô uống rượu say. 

Vẫn còn may, người và xe không sao, chỉ bị tre gai cào mấy đường trên mặt, sáng hôm sau trong tư thế chú rể mà mặt lại như vừa đi đánh trận về làm bà con hai họ được bữa cười nôn ruột. Lại có anh bạn nữa, trước đây cũng là một dân nhậu có hạng, bây giờ đã “cải tà quy chính”, là một giám đốc Cty TNHH chuyên ngành xây dựng, đóng trên đường Lê Duẩn, TP Đà Nẵng, mới cách đây mấy hôm bỗng điện thoại cho tôi nhắn nhủ: “Đừng uống rượu nữa em ạ, có “thèm” thì uống đỡ ly bia thôi, em có thấy anh T. ở Quế Thuận, Quế Sơn, Quảng Nam, uống rượu nhiều quá, người sinh ra lẩn thẩn, mới đột qụy nằm liệt giường đấy...”.

Tôi rất cảm ơn ở lời khuyên chân tình của anh, mặc dù khuyên tôi, nhưng anh vẫn “thông cảm” cho phép tôi uống ít bia. Rồi anh còn lý giải cho tôi hiểu tác hại chuyện uống bia rượu nữa: “Em có đọc báo thấy trước và sau Tết Nguyên đán năm 2009 vừa qua ở TPHCM và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, có hàng chục trường hợp đột tử vì ngộ độc rượu không. Này nhé, bây giờ ở quán nhậu bình dân, người ta bán 8-10 ngàn đồng/lít rượu gạo, trong khi đó gạo để nấu rượu cũng có giá từ 8-10 ngàn đồng/kg, hỏi làm sao nấu rượu cho có lãi? Thứ rượu rẻ bình dân đó, họa chăng chỉ có là thứ rượu cồn công nghiệp, hoặc pha chế bằng loại hóa chất gì đó thôi, uống vào chỉ sinh bệnh. Lại còn nạn rượu ngoại giả pha chế bằng cồn công nghiệp và phẩm màu nữa mà cơ quan chức năng đã phát hiện bắt giữ hàng chục vụ với số lượng không nhỏ, uống vào chỉ tổ tiền mất, tật mang. Lại còn bia nữa, nếu cứ kiểu uống thùng nọ qua thùng kia như kiểu dân nhậu người Việt Nam mình, chắc chắn rồi đủ thứ bệnh như đường ruột, tiểu đường, rồi gút... sẽ mắc vào cơ thể...”. Nghe anh lý giải mà tôi rùng cả mình...

Đó là ở góc độ giá cả, chất lượng rượu bia, còn một góc cạnh khác không thể không nhắc đến là hệ quả của việc uống rượu bia gây tai nạn giao thông. Theo Luật GTĐB sửa đổi năm 2008 quy định, từ ngày 1-7-2009, nghiêm cấm người điều khiển phương tiện cơ giới, ô-tô, máy kéo... uống rượu bia; người uống rượu bia có nồng độ vượt 50mg/lít máu và 0,25mg/lít khí thở không được điều khiển mô-tô, xe máy. Chiếu vào quy định đó, theo các chuyên gia y tế, chỉ cần uống quá 3 ly bia đối với nam giới, quá 2 ly bia đối với nữ giới là đã vượt giới hạn nồng độ cho phép. Cũng theo đó thì 100% người uống rượu bia chúng ta đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Lúc đó tác hại của bia rượu không chỉ ảnh hưởng tới người uống về mặt nhân cách và sức khỏe, mà sẽ ảnh hưởng tới ngay cả tính mạng chúng ta bất kể lúc nào khi tham gia giao thông trong tình hình hiện nay...

Hồng Thanh (còn nữa)