Sau cơn mưa, trời lại sáng

Thứ tư, 30/07/2014 07:14

(Cadn.com.vn) - Mối quan hệ đầy u ám gần đây giữa Washington và New Delhi đang có những dấu hiệu khởi sắc với chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Ấn Độ hôm 29-7.

Tín hiệu vui được phát đi ngay trong những tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry về việc bày tỏ hy vọng tìm được mục tiêu chung với tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, mô tả mối quan hệ giữa 2 nước là "không thể thiếu" bất chấp những mâu thuẫn gần đây. Ngoại trưởng Kerry nói rằng, ông thậm chí hình dung ra quan hệ hợp tác với Tổng thống Modi trên nhiều lĩnh vực, từ tăng trưởng kinh tế cho tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ông Kerry - nhân vật cấp cao nhất trong chính phủ Mỹ đến thăm Ấn Độ kể từ khi ông Modi lên nhậm chức - cũng khẳng định quan hệ hữu nghị thân thiết với New Delhi là một trong những "yêu cầu chiến lược dài hạn" của Nhà Trắng bất chấp "những điểm nóng xuất hiện nhiều trên các tít báo hàng ngày".

Thật sự, chuyến đi lần này của ông Modi đến quốc gia Nam Á này mang nặng tâm lý "phải chiến thắng" sau khi ông thất bại trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn cho Gaza. Và ông trấn an những cái đầu còn nhiều nghi ngại. "Mỹ -Ấn nên là đối tác không thể thiếu trong thế kỷ XXI. Tôi đảm bảo sẽ có cách tiếp cận với chính phủ Modi", ông Kerry, người có nhiệm kỳ vốn bị thống trị bằng cách tìm kiếm hòa bình Trung Đông, nhấn mạnh.

Thủ tướng Modi dẫn đầu đảng Bharatiya Janata giành chiến thắng bước ngoặt đánh dấu 30 năm đổi mới trên chính trường Ấn Độ, hứa hẹn  về một sự cải cách kinh tế, chính trị và cả xã hội. Đó là nhiệm vụ lịch sử của New Delhi và chính là cơ hội để Washington tiếp cận gần gũi hơn với quốc gia đang lên này. Nhưng để làm được điều này, trước tiên cả hai cần làm lành những "vết sẹo của quá khứ". Mặc dù tỏ ra rất lạc quan, nhưng thực tế cho thấy, mối quan hệ giữa hai nước vướng phải nhiều trục trặc trong những tháng vừa qua.

Đây rõ ràng là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của Ngoại trưởng Kerry kể từ khi Washington hồi tháng 12-2013 bắt giữ nữ ngoại giao Ấn Độ tại New York với cáo buộc bà này ngược đãi người giúp việc, động thái khiến New Delhi giận dữ và có biện pháp trả đũa nhằm vào giới chức Mỹ. Bản thân Tổng thống Modi cũng không được Mỹ cấp thị thực kể từ năm 2005 với cáo buộc ông liên quan đến cuộc bạo loạn chống người Hồi giáo ở bang miền tây Gujarat. Kể từ khi ông giành chiến thắng, tất nhiên, Nhà Trắng đã chuyển hướng 180 độ".

 Và tất cả đang chứng tỏ một mối quan hệ sán lạn hơn giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới này.

Thanh Văn