Sâu lắng, rạng rỡ “Đà Nẵng trong tim tôi”
Đã lâu lắm rồi, trong suốt thời gian người dân ở nhà tránh dịch Covid-19, Đà Nẵng mới có một đêm nghệ thuật hoành tráng tại sàn diễn ngoài trời, thu hút hàng trăm khán giả là công chúng Đà thành và khách du lịch trong nước. Tối thứ bảy trung tuần tháng 11 vừa qua, sân khấu bờ đông Cầu Rồng xinh đẹp thêm rạng rỡ hơn với ánh sáng lung linh, rực rỡ, cùng những thanh âm rộn rã làm khấy động không gian nơi diễn ra chương trình nghệ thuật “Đà Nẵng trong tim tôi”.
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Đà Nẵng trong tim tôi”. |
Chương trình do Nhà hát Trưng Vương phối hợp với Hội Âm nhạc TP Đà Nẵng tổ chức, nhằm giới thiệu, quảng bá các ca khúc hay viết về Đà Nẵng đến với công chúng trong và ngoài TP.
Đà Nẵng thân thương, với biển xanh, nắng vàng rực rỡ; thành phố được ngợi ca với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời cùng những địa danh vang tiếng cả nước. Đó là Hải Vân, Bà Nà, Sơn Trà, Tiên Sa, Ngũ Hành Sơn... Bên dòng sông Hàn trong xanh, êm ả với những chiếc cầu xinh đẹp nối đôi bờ Đông Tây thắm tô nét mỹ miều vốn có của TP biển miền Trung. Nơi đây chan chứa bao tấm lòng người dân nghĩa tình, thủy chung, chịu thương, chịu khó... song cũng vô cùng dung cảm, kiên cường để cùng nhau chung sức dựng xây Đà Nẵng anh hùng trong đấu tranh, rạng rỡ trong hòa bình. Những năm qua đã có khá nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác ca ngợi Đà Nẵng. Trong số đó có hàng trăm ca khúc của các nhạc sĩ trong cả nước viết về “thành phố đầu biển cuối sông”.
Mở đầu các nghệ sĩ Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng đã thể hiện tiết mục mở màn rất ấn tượng qua tác phẩm Nơi tôi sống. Một sáng tác mới của nhạc sĩ Quang Hào. Tiếp nối chương trình là một bài ca mà người dân nơi đây đã khắc sâu trong tâm khảm, đó là ca khúc "Cô du kích Đà Nẵng" của nhạc sĩ Thanh Anh, khắc họa hình ảnh những thiếu nữ Đà thành gan dạ, bất khuất kiên cường trong những năm tháng chống giặc ngoại xâm qua phần thể hiện xuất sắc của tốp nữ Nhà hát Trưng Vương.
Khán giả thật sự xúc cảm khi lắng nghe những thanh âm ngân vang của giọng ca Phương Ly từ một ca khúc: "Mời bạn đến Đà Nẵng quê tôi; mảnh đất chưa đi mà đã nhớ... chưa về mà đã thương! Mời bạn về với sông Hàn để nghe gió ru; về với Tiên Sa để nghe biển hát, về với Ngũ Hành Sơn, với Bà Nà, với Hải Vân chập chờn sương khói…” được nhạc sĩ Trương Duy Huyến miêu tả trong ca khúc “Về với sông Hàn”.
Có rất nhiều nhạc sĩ trong cả nước từng tâm huyết sáng tác về Đà Nẵng như các nhạc sĩ Trọng Băng, An Thuyên, Đỗ Hồng Quân, Đức Trịnh, Cát Vận, Thuận Yến, Trọng Đài, Nguyễn Cường, Phan Huỳnh Điểu, Trần Tiến, Nguyễn Văn Hiên, Phạm Đăng Khương, Bùi Bá Quảng v.v… Song có thể nói các nhạc sĩ hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng thì có nhiều cơ hội hơn để bày tỏ tình yêu của mình đối với nơi được sinh ra và lớn lên, hoặc nơi này là quê hương thứ hai của mình!... Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, nguyên là chủ tịch Hội Âm nhạc TP Đà Nẵng đã có rất nhiều ca khúc viết về Đà Nẵng như: Nhịp điệu thành phố, Tình yêu Đà Nẵng, Đà Nẵng là bài hát hay, Bắc cầu qua sông hàn, Mênh mông sông Hàn… Trong chương trình, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa được mời lên sân khấu để giao lưu cùng khán giả và khán giả lại được thưởng thức khúc hát thân quen “Mênh mang sông Hàn”, một trong các ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca đất Quảng của anh tạo được niềm rung cảm sâu sắc, thể hiện qua giọng ca Anna Kim và nhóm múa phụ họa.
Bên cạnh các nhạc sĩ đàn anh, còn có một nhạc sĩ trẻ tuổi khá sung sức hiện nay xuất hiện trong đêm diễn, đó là Lê Nam An với ca khúc “Đà Nẵng- Thành phố niềm tin” do ca sĩ Hoàng Long trình bày.
Trong đêm diễn, công chúng cũng khá hào hứng với sự tham gia của các nhạc sĩ trong các tiết mục khác như: Họa sĩ, nhạc sĩ Tôn Thất bằng với ca khúc “Đà Nẵng tôi yêu”, nhạc sĩ Đình Thậm với ca khúc “Đà Nẵng phố tôi yêu”, được anh sáng tác phần âm nhạc dựa trên bài thơ của Đoàn Thị Lam Luyến, nhạc sĩ Uyên Nhi với khúc hát có tựa đề “Đà Nẵng quê tôi” do ca sĩ Huyền Trang thể hiện thật sinh động. Góp mặt trong chương trình có hai nhạc sĩ đến từ Quảng Nam, nhạc sĩ Phan Văn Minh với ca khúc “Đà Nẵng dáng đêm” do tốp ca nam thể hiện thật sôi động, lôi cuốn. Còn nhạc sĩ Hoàng Bích với ca khúc “Đà Nẵng thành phố triệu nụ cười” được tốp ca nữ nhà hát Trưng Vương thể hiện đầy nội lực. Đặc biệt, sân khấu chợt rộn rã với sự xuất hiện của các cô gái Cơ Tu duyên dáng trong điệu múa truyền thống cách điệu minh họa ca khúc “A tinh nương xuống phố”, một ca khúc do nhạc sĩ Trần Cao Vân sáng tác, bài hát kể lại sự ngạc nhiên, ngây ngô của các cô gái Cơ Tu choáng ngợp trước sự tráng lệ của phố thị trong lần đầu xuống thăm Đà Nẵng.
Tiết tấu phần cuối chương trình được đẩy cao khi tiết mục hát múa “Rạng ngời Đà Nẵng” xuất hiện khá sôi nổi, tưng bừng với liên khúc rộn ràng, đầy sắc thái do các nghệ sĩ Nhà hát Trưng vương thể hiện đã khép lại chương trình nghệ thuật “Đà Nẵng trong tim tôi”.
Có thể nói chương trình đã tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả đến nỗi khi chương trình đã khép lại mà vẫn còn nhiều khán giả nán lại với lòng tiếc nuối, mong muốn được thưởng thức thêm nhiều tiết mục hơn. Họ mong muốn có nhiều chương trình khác và đĩa CD quảng bá chương trình này để được xem thường xuyên. Đây là một nhu cầu thiết thực hy vọng sớm được đáp ứng.
Ban tổ chức mong muốn chương trình nghệ thuật “Đà Nẵng trong tim tôi” sẽ góp phần làm phong phú, đa dạng thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố, tạo sức lan tỏa và quảng bá hình ảnh Đà Nẵng ngày càng khởi sắc thông qua các tác phẩm ca múa nhạc đến rộng rãi công chúng Đà Nẵng và khách du lịch gần xa.
Văn Thu Bích