Sáu Thân

Thứ năm, 19/03/2015 10:12

* Bài 1: Rời quy khu

(Cadn.com.vn) - Sau năm 1954, như nhiều thanh niên đất anh hùng Kỳ Khương, Tam Hiệp, Núi Thành (Quảng Nam), ông chọn con đường cha ông đã đi, lao vào cuộc chiến đấu quên mình, đột nhập vào tận sào huyệt của giặc Mỹ, không quản hy sinh, gian khổ, tù đày, tham gia nhiều trận đánh, diệt ác. 15 năm trực tiếp chiến đấu 80 trận lớn nhỏ, diệt trên 100 tên địch, trong đó có 8 tên Mỹ, bắn rơi 1 máy bay, bắn cháy 2 xe quân sự. Lập phương án tiêu diệt 12 tên ác ôn trong đó có 6 tên khét tiếng. Năm lần bị thương, một lần bị sa vào tay giặc. Những đòn roi tra tấn, cả những mưu mô mua chuộc, thâm độc nhưng không làm khuất phục...

Người dân Tam Hiệp vẫn thường kể với nhau về tấm gương và lòng quả cảm của anh hùng Võ Hồng Thân - người mà xưa kia chỉ cần nghe đến tên, bọn ác ôn khét tiếng đã khiếp sợ... Ngày 26-7-2012, ông  được phong tặng danh hiệu AHLLVTND. Người anh hùng đó là Võ Hồng Thân (sinh năm Canh Thìn – 1940, con thứ 6 trong gia đình 9 anh chị em nên thường gọi Sáu Thân)... Báo Công an TP Đà Nẵng trân trọng giới thiệu những câu chuyện về Anh hùng Võ Hồng Thân qua ngòi bút của nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ - từng là phóng viên chiến trường của Báo Giải Phóng Quảng Đà trong những năm kháng chiến chống Mỹ. 

Không chịu nổi cuộc sống trong các khu dồn của Mỹ,
nhiều thanh niên ở Quảng Nam đã thoát ly lên núi theo cha anh làm cách mạng.
Trong ảnh: Quân Mỹ dồn dân vào các ấp chiến lược. Ảnh: T.L

Sau năm 1958, không chịu nổi cuộc sống trong quy khu, và cũng không để bị bắt đi lính cho bọn tay sai, Sáu Thân vận động được Lương Văn Phê người cùng quê thoát ly theo cách mạng, nhưng không bắt liên lạc được với trên. Nghe nói “các ổng” ở trên vùng núi đồi Tứ Mỹ, Kỳ Sanh, Sáu Thân trình bày nguyện vọng với chú Võ Khôi, đề nghị chú chỉ đường lên núi tìm cán bộ cách mạng. Sau khi chỉ đường, chú Võ Khôi nấu cơm gói cho hai anh em hai mo cau cơm cột lên đầu hai cây đòn xóc, gọi hai đứa dậy sớm, bảo ăn một ruột no nê rồi đi.

Chia tay chú Võ Khôi, Sáu Thân cầm cây rìu, Lương Văn Phê cầm cây rựa, hai anh em vác đòn xóc băng bãi cát sau nhà lên rừng, đi với tinh thần, nếu tìm gặp được cán bộ thì thoát ly luôn, không gặp thì chặt củi, hái mây mang về, hôm nào liên lạc được thì lại đi. Hai anh em đóng vai dân làm củi lên đến trại Đồng Trận (trại ông Trà), khi lội qua con suối thì thấy dấu chân người vừa từ dưới suối lên in trên nền đá.  Sáu Thân vọt lên tảng đá cao, hướng vào phía núi xanh, gọi ba tiếng: “Anh Độ ơi!”. Hai anh em nghe tiếng rền từ trong núi vọng ra, hỏi lại: “Ai kêu dưới nớ?”. Anh Cao, người Kỳ Hòa thoát ly từ năm 1959, ra tảng đá dòm thì thấy hai anh em từ suối đi lên liền chạy đến. Mừng quá! Anh Cao vừa hỏi chuyện vừa đưa hai anh em vào gặp Ngô Độ. Ngô Độ chăm chú lắng nghe câu chuyện của hai chàng trai về những gì biết, nghe, tận mắt chứng kiến trong quy khu-khu dồn. Ông đặc biệt chú ý việc thanh niên lo lắng vì phải đối phó với thủ đoạn địch bắt đi quân dịch không tài nào lẫn tránh, nhất là thanh niên con nhà nông và chuyện nhiều thanh niên còn băn khoăn giữa ngã ba đường.

Hôm đi, chú Võ Khôi chuẩn bị cho mỗi người một cái võng nhưng không dám mang theo vì sợ địch biết, đến nơi rồi mới thấy thiếu đủ thứ, nhất là không có võng phải tạm nằm trên tấm sạp nứa trong trại lợp lá mây. Trong rừng núi âm u, các chàng trai trẻ mới bắt đầu bài học nhập môn của một chiến sỹ giải phóng. Một hôm, Lương Văn Phê hỏi “Chiều nay ăn cơm với gì?”, chưa kịp trả lời thì anh nói: “Ăn cơm với mấm đuôi”. Là dân Quảng nhưng anh Cao nói rất tỉnh nên Sáu Thân không ngờ anh Cao nói lái giỏi. Mấy ngày nay phải ăn sắn cõng cơm, thức ăn chính là muối sống đâm với ớt rừng, đó là món “mấm đuôi” (muối đâm).

Mới chân ướt, chân ráo đến nơi, chưa được phép rời lán trại, các anh đi công tác để võng ở nhà cho hai anh em nằm. Các anh đưa ra một cây súng trường Mas, loại súng của Pháp dài cả thước tây, bày cho Sáu Thân cách lên đạn, đề phòng có cọp thì nổ súng. Bấy giờ, vùng núi còn hoang vu, rậm rịt, thỉnh thoảng, nghe hơi người, mấy‘‘ông cậu’’ mò về ngồi rình. Các anh dặn, một băng 5 viên mà chỉ còn 4 viên, thấy cọp thì bấm cò nổ một phát, chỉ một phát súng thôi cho cọp sợ rồi nằm im trên sạp đừng chạy ra rừng. Sáu Thân nhớ lúc bấy giờ có Ngô Độ, Tư Để (Võ Ngọc Hải), Hùng Hoay (cháu Thủ Thiệm) và Hùng Lư người cánh Bắc Tam Kỳ. Ở được mấy ngày, chú Võ Khôi từ dưới quê lên đem cho Sáu Thân cái võng, bao gạo vài chục lon, đùm muối sống và một hăng-gô mắm cái. Quá mừng! Bấy giờ, muối là thực phẩm chiến lược, còn mắm coi như của quí.

Chiều hôm ấy khi Sáu Thân qua nóc ông Bền, gặp số thanh niên dưới xã vừa thoát ly lên đang tập quân sự, thấy Lương Văn Hận đang sốt rét nằm cù đum trong võng rên hừ hừ, Sáu Thân xuống bếp thấy trong cái tô bốn khúc sắn luộc, anh sớt một nắp hăng gô mắm cái, gọi Lương Văn Hận dậy ăn sắn. Lương Văn Hận sốt ăn cháo mấy ngày, tuy bụng đói mà miệng còn đắng nhưng nghe mùi mắm cái thì chồm dậy. Hai anh em ăn hết bốn khúc sắn với một nắp hăng gô mắm cái. Vẫn không đã thèm, thế là ăn mắm cái không, ăn ngon lành, hết sạch hăng gô! (Lương Văn Hận người Tam Giang, sau này là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, là AHLLVTND). Xuân này, kỷ niệm 40 năm quê hương giải phóng, Lương Văn Hận nhập viện, không nói được, thấy ai đến thăm, hai hàng nước mắt cứ chảy dài. Ngày 2-3-2015, Lương Văn Hận từ biệt mọi người!..

Mùa Thu năm 1962, Huyện ủy quyết định Võ Hồng Thân làm Đội trưởng Đội công tác Kỳ Khương, nhận nhiệm vụ phối hợp với tiểu đội trinh sát số 201 của Huyện đội mở cuộc tấn công giải phóng thôn Khương Nhơn nhằm tạo thế giải phóng Khương Vĩnh, Khương Đại, Khương Phú, cũng nhằm tạo nên một thế đứng chân cho các Đội công tác của Kỳ Xuân, Kỳ Hòa, Kỳ Hà và Quận lỵ Lý Tín. Tỉnh trưởng Quảng Tín khiển trách Quận trưởng Lý Tín, không thể để "bọn du kích" chiếm giữ một vùng dân cư rộng sát nách, đe dọa sự an toàn của quận lỵ Lý Tín. Địch quân của Lý Tín có sự hỗ trợ của lính bảo an, mở liên tiếp các cuộc tấn công vào Khương Nhơn.

Tuy nhiên, được dân giúp đỡ, nhờ thông thạo địa hình, du kích vừa bất ngờ tấn công vừa thủ thế, bẻ gãy nhiều đợt tấn công, song địch cũng gây cho du kích xã và Đội công tác không ít khó khăn, tổn thất. Đến đầu tháng 3-1963, địch tăng cường 2 đại đội biệt kích, 2 trung đội dân vệ, có máy bay yểm trợ, mở một trận tấn công áp đảo vào Khương Nhơn. Cuộc chiến đấu chống trả không cân sức diễn ra từ sáng đến 10 giờ trưa thì Sáu Thân cho anh em lui về tuyến sau nhằm bảo tồn lực lượng, chỉ để lại Sáu Thân và hai chiến sỹ là Khanh và Hùng trụ đánh quyết tử. Sau một giờ cầm cự thì Khanh và Hùng hy sinh, cây súng của Sáu Thân chỉ còn một viên đạn, mở đường thoát thì bị một cánh quân địch bọc hậu áp tới. Sáu Thân bắn viên đạn cuối cùng vào tên địch đến sát, đập gãy cây súng, nhảy ra đánh giáp lá cà với hai tên áp tới thì bị bắt.

Hồ Duy Lệ
(còn nữa)