Saudi Arabia-Iran leo thang căng thẳng
(Cadn.com.vn) - Riyadh ra tối hậu thư yêu cầu các quan chức ngoại giao Iran phải rời khỏi nước này “trong vòng 48 giờ đồng hồ”, khẳng định, cuộc tấn công vào đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran là “giọt nước làm tràn ly”.
Cuộc khẩu chiến gay gắt về vụ xử tử giáo sĩ Shiite Nimr al-Nimr có nguy cơ đẩy Saudi Arabia và Iran đến bờ vực xung đột khó kiểm soát.
Người Iran mang theo hình ảnh giáo sĩ Nimr al-Nimr, tiếp tục biểu tình |
Bất chấp Iran cam kết “bảo vệ các cơ quan ngoại giao nước ngoài”, Riyadh quyết định cắt đứt quan hệ với Tehran và yêu cầu các quan chức ngoại giao quốc gia Hồi giáo rời khỏi Saudi Arabia “trong vòng 48 giờ đồng hồ”, bắt đầu từ tối 3-1 (giờ địa phương). Phản ứng về động thái đáp trả mạnh mẽ của Saudi Arabia, Iran cho rằng, Riyadh lợi dụng cuộc tấn công này như một cái cớ để làm leo thang căng thẳng. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian cho rằng, việc Riyadh quyết định cắt đứt quan hệ với Tehran sẽ không làm lãng quên “sai lầm lớn” của Riyadh khi xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr.
Việc Riyadh xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr, nhân vật chủ chốt trong làn sóng biểu tình nổ ra năm 2011 ở miền đông Saudi Arabia, làm dấy lên các cuộc biểu tình lan rộng ở khắp các quốc gia có đa số người Hồi giáo dòng Shiite ở khu vực Trung Đông, nhất là tại Iran. Người biểu tình Iran xông vào Đại sứ quán Saudi Arabia ở thủ đô Tehran, vụ việc khiến Riyadh rút nhân viên ngoại giao và yêu cầu các nhân viên ngoại giao Iran rời khỏi vương quốc này.
Trong khi đó, tại khu vực miền đông quê nhà của ông Sheikh Nimr al-Nimr ở Saudi Arabia, cảnh sát phải sử dụng súng hạng nặng để đối phó với đám đông người biểu tình sau khi có 1 người thiệt mạng và 1 người bị thương trong vụ xung đột biểu tình này, BBC dẫn nguồn tin từ SPA cho biết. Lực lượng an ninh Saudi Arabia vẫn đang săn lùng những kẻ tấn công, gọi vụ việc này là “hành động khủng bố”.
Đổ vỡ trong quan hệ Saudi Arabia - cường quốc Sunni và Iran - một cường quốc Shiite - đang làm náo loạn cả Trung Đông, khu vực vốn đối mặt với nhiều cuộc chiến tranh phá hoại và đang sôi sục trong các cuộc xung đột chết người. Năm 2015 kết thúc với một chút hy vọng rằng, cuộc đàm phán về việc chấm dứt xung đột Yemen ít nhất đã bắt đầu. Bài toán Syria cũng dự kiến sẽ được đưa lên bàn hội đàm trong tháng này.
Tuy nhiên, căng thẳng leo thang bất ngờ giữa Saudi Arabia và Iran đang khiến mọi việc trở nên khó khăn khi đây là hai quốc gia ủng hộ hai bên khác nhau tại Yemen và Syria. Trong khi Saudi Arabia mở chiến dịch tấn công phiến quân Houthi ở Yemen để hỗ trợ chính quyền Yemen, Iran được cho là hỗ trợ cho Houthi. Trên thực tế, chiến dịch không kích của liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu ở Yemen vốn được xem như là “cuộc chiến ngầm” giữa Riyadh và Tehran.
Tại Syria, Tehran ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad còn Riyadh lại muốn nhà lãnh đạo này ra đi. Hồi tháng 10-2015, Saudi Arabia kiên quyết phản đối việc mời Iran tham gia bàn đàm phán quốc tế về vấn đề Syria, nhưng sau đó được Mỹ thuyết phục. Trong khi đó, Iran cũng không che giấu sự khinh miệt đối với hệ thống chính quyền Saudi Arabia và việc Riyadh hỗ trợ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng trong nhiều vấn đề khác nhau trong những thập kỷ gần đây, bao gồm cả chương trình hạt nhân của Iran và những cái chết của người Iran hành hương tại Hajj vào năm 1987 và một lần nữa vào năm 2015. Cả hai từng cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1988 và năm 1991. Và vụ xử tử giáo sĩ Shiite Nimr al-Nimr có thể coi là “giọt nước làm tràn ly” trong mối quan hệ vốn đã khá nóng giữa hai nước này.
Khả Anh