Sẽ thu vé tham quan rừng dừa Bảy Mẫu

Thứ tư, 15/11/2017 11:02

Sáng 14-11, UBND xã Cẩm Thanh (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) tổ chức buổi họp báo thông tin về việc bán vé tham quan khu di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu. Trong buổi họp báo chính quyền Hội An khẳng định không bán vé nhằm mục đích thu lợi nhuận cao nhất mà đặt vấn đề bảo tồn lên ưu tiên hàng đầu.

Du khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu. Ảnh: P.D 

Rừng dừa Bảy Mẫu hiện đang là 1 trong 3 địa điểm hút khách tại Hội An. Tuy nhiên thời gian qua nơi này chứng kiến nhiều hệ quả từ việc phát triển du lịch không bền vững. Trước tình hình đó, TP Hội An đã quyết định thành lập Ban Quản lý du lịch Cẩm Thanh  để duy trì trật tự kinh doanh, đảm bảo an toàn an ninh cho khách du lịch. Theo đó, từ ngày 1-12 Khu du lịch rừng dừa Bảy Mẫu sẽ tiến hành bán vé với giá 30 nghìn đồng/ khách. Ông Lê Thanh – Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, cho biết  về quyền lợi của du khách khi mua vé tham quan: Được tham quan khu di tích, thưởng ngoạn cảnh, hệ sinh thái vùng ngập mặn... Nguồn thu từ vé tham quan trích lại 50% nộp vào ngân sách nhà nước đồng thời đầu tư cho cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch. 50% còn lại sẽ được dùng để chi hoạt động quản lý và môi trường.

Tại buổi họp báo, nhiều đơn vị lữ hành, người dân làm du lịch tại Cẩm Thanh cho biết đồng ý với chủ trương bán vé vì đây là phương án giúp chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch xã nhà. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến xung quanh việc bán vé và cách thức tổ chức hoạt động du lịch. Anh Tuấn Liên (đơn vị lữ hành) cho biết anh mong muốn được dời ngày thu vé đến 1-1-2018, bởi hiện nay những hợp đồng đã ký trước đó với các doanh nghiệp không có giá vé. Vì vậy anh mong rằng các ngành chức năng tạo điều kiện để đơn vị lữ hành duy trì hoạt động trong thời gian này. Một đại diện của Hiệp hội du lịch Cù lao Chàm cho biết: “Đề nghị địa phương chú ý tới việc kinh doanh không đúng chức năng, nhiệm vụ. Điển hình như một số nhà hàng họ hoàn toàn không có chức năng vận chuyển, đảm bảo an toàn cho du khách nhưng vẫn tổ chức tham quan. Điều này đã tạo nên sự lũng loạn thị trường và mâu thuẫn đối với các doanh nghiệp lữ hành kinh doanh tại đây. Du khách đến đây chứng kiến cảnh cò mồi, tour tham quan giá nào cũng có như vậy thì làm sao tạo nên sự công bằng?”.

Trả lời những ý kiến thắc mắc trên, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết chủ trương bán vé đã thông tin tới các đơn vị lữ hành từ đầu năm 2017. Việc chọn ngày thu vé 1-12 là có lý do, trong tháng đầu tiên sau thu phí sẽ dùng để rút kinh nghiệm, giải quyết các vấn đề phát sinh làm tiền đề cho mùa du lịch 2018. “Hiện nay tình trạng cò mồi, chèo kéo khách diễn ra không chỉ trên địa bàn Cẩm Thanh mà còn rất nhiều điểm du lịch khác tại Hội An. Đây là hành vi chúng ta tự giết chết chúng ta. Ví dụ như trước đây khi hoạt động bán vé du lịch tại Cù lao Chàm mới mở thì giá nào cũng có. Có đơn vị 350 ngàn đồng, chỗ 400 ngàn đồng cạnh tranh lẫn nhau điều này đã làm cho hoạt động thu vé không phát huy được hiệu quả. Từ sau khi có Ban quản lý thành lập thì điều này chấm dứt. Tour Cù lao Chàm hiện nay ổn định mức giá 650 ngàn đồng nhưng vẫn rất đông khách. Có những ngày khách ra đảo đông quá tôi phải ký giấy ngưng không đưa khách ra vì vượt quá ngưỡng 3.000 khách. Điều này cho chúng ta thấy rõ ràng không phải du khách không đáp ứng mức giá cao mà môi trường và chất lượng du lịch mới quan trọng nhất”, ông Sơn nói.

Nhiều đơn vị lữ hành quan tâm đến vấn đề môi trường tại rừng dừa Cẩm Thanh. Ảnh: HÀ DUNG

Bên cạnh công tác quản lý du lịch thì công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho rừng dừa Bảy Mẫu được đề cập rất nhiều. Anh Bình (Cty lữ hành Quốc tế) cho biết: “Rừng dừa hiện nay bị khai thác quá mức. Dừa bị bứt vô tội vạ để làm nón, mũ... Trong khi đó các nhà hàng tại đây cũng thải nước bừa bãi khiến môi trường ô nhiễm nặng nề”. Anh Bình còn đề nghị Ban quản lý lưu ý đến chất lượng của các tour, chú ý đầu tư chất lượng để hấp dẫn du khách quốc tế tránh để tình trạng “mạnh ai nấy làm” như hiện nay.

Phát biểu tại họp báo, ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết việc thu vé và thành lập Ban quản lý là vấn đề sống còn đối với du lịch rừng dừa Bảy Mẫu. Khác với những nơi khác khu vực rừng dừa là một khu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vì vậy phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu. Hiện nay tình trạng tự ý cơi nới, lấn chiếm, xây dựng các công trình bê-tông đang diễn ra tràn lan. Là khu du lịch sinh thái nhưng hiện nay nhiều nhà hàng mở nhạc ồn ào làm mất cảnh quan du lịch. Bên cạnh đó nhiều hộ còn tự ý nuôi tôm rất bừa bãi. Chính quyền địa phương thống kê 19 trường hợp vi phạm đã ra quyết định xử lý trong thời gian vừa qua. Điều này đã góp phần trả lại sự bình yên cho rừng dừa. “Cùng với việc triển khai bán vé hiện nay chúng tôi cũng đang gấp rút chỉnh trang khuôn viên, đầu tư hạ tầng làm nhà chờ cho du khách. Hy vọng khu hoạt động thu vé tại đây sẽ thành công giống như những địa điểm trước đó là Chùa Cầu, Cù lao Chàm”, ông Cường nói.

HÀ DUNG