Sêrêpôk, dòng sông hấp hối

Thứ hai, 17/03/2014 11:59

* Bài 1: Thủy điện, nhà máy "giết" sông Sêrêpôk

(Cadn.com.vn) - Sông Sêrêpôk dài 406km, trong đó đoạn chảy qua Việt Nam dài 125km, hợp thành bởi 2 con sông Krông Nô và Krông Ana, được xem là con sông lớn thứ 2 Tây Nguyên (sau Sê San). Từ bao đời nay, Sêrêpôk được biết đến với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, cảnh quan hùng vỹ, thu hút khách du lịch, là nơi cung cấp sinh kế cho nhiều cộng đồng bản địa. Song hiện nay, con sông huyền thoại này đang bị thủy điện và các nhà máy khu công nghiệp "bức tử".

Thủy điện và các nhà máy là 2 tác nhân đã và đang "bức tử" dòng sông huyền thoại Sêrêpôk. Tháng 2-2014, về Khu du lịch (KDL) sinh thái Bản Đôn (buôn N'dếch, xã Ea Huar, H. Buôn Đôn, Đắc Lắc), một nhóm khách từ trong KDL bước ra lắc đầu ngao ngán: "Sông cạn trơ đáy, thác không có nước, còn gì để ngắm, nhìn nữa đâu". Chúng tôi vào KDL, đúng như những vị khách kia nói, đoạn sông Sêrêpôk chảy qua đây cạn trơ đáy. Những khối đá to bằng 2, 3 người ôm trước chìm sâu dưới lòng sông, nay đã lộ thiên. Cả đoạn sông dài không có nước. Thấy khách có vẻ thất vọng, chị Trần Thị Hải Yến, nhân viên bán vé chỉ tay về hướng nhà máy thủy điện (NMTĐ) Sêrêpôk 4A (S4A) trách: "Do thủy điện S4A cả đấy". Cách KDL sinh thái Bản Đôn 10km, đoạn sông Sêrêpôk chảy qua Trung tâm du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na, H. Buôn Đôn) cũng chung tình cảnh tương tự.

Sông Sêrêpôk chảy qua tỉnh Đắc Lắc "gánh" 11 NMTĐ, bao gồm thủy điện đã đưa vào vận hành, đang xây dựng và đang khảo sát, lập hồ sơ thiết kế. Thủy điện S4A do Cty cổ phần Thủy điện Buôn Đôn làm chủ đầu tư, công suất 64MW, đi vào hoạt động từ cuối năm 2013. Ông Võ Đình Đoan, Phó phòng kỹ thuật an toàn môi trường- Sở Công thương Đắc Lắc cho biết, khác với các thủy điện khác, thủy điện S4A không có hồ chứa, chỉ nhận nước từ kênh xả của thủy điện Sêrêpôk 4 theo kênh dẫn 10km qua 3 xã Ea Huar, Ea Wer, Krông Na về nhà máy phát điện, rồi xả nước về lại sông Sêrêpôk, đoạn cuối xã Krông Na.

Một đoạn kênh dẫn dòng thủy điện S4A đi qua xã Ea Huar bị vỡ lúc thi công
làm người dân khốn đốn.

Như vậy, sẽ có đoạn sông dài khoảng 20km  bị chuyển dòng. Cũng theo ông Đoan, đoạn sông này hằng năm sẽ được thủy điện S4A "nhả lại" lưu lượng nước 8,23m3/giây, ngoài ra còn được bổ sung một lượng nước từ các con suối nhỏ để duy trì dòng chảy. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Trụ, Chủ tịch HĐQT Cty du lịch Buôn Đôn, lượng nước mà thủy điện S4A "nhả ra" này chỉ như "bát nước đổ xuống hồ", đó là nguyên nhân làm sông Sêrêpôk cạn. Còn ông Nguyễn Đức, Trưởng bộ phận Trung tâm du lịch Buôn Đôn thì cho rằng, lượng nước này chỉ "đủ thấm bề mặt sông".

 Ông Trụ cũng cho hay, vào tháng 1-2014, giữa Công ty ông và Công ty cổ phần thủy điện Buôn Đôn thống nhất phương án giải quyết vấn đề thiếu nước tại các nhánh trên sông Sêrêpôk do thủy điện S4A gây ra. Nội dung, hướng giải quyết đã được hai bên thống nhất, phía Công ty cổ phần thủy điện Buôn Đôn đồng ý hỗ trợ kinh phí để triển khai kế hoạch, đồng thời có công văn gửi UBND tỉnh Đắc Lắc xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo...

Sông Sêrêpôk đoạn chảy qua xã Ea Huar bị cạn trơ đáy.

Ngư phủ Lê Văn Hiệu (54 tuổi, thôn 6, xã Hòa Phú, Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) có 20 năm sống cạnh dòng sông Sêrêpôk, nên ông nắm rõ từng biến động của con sông.  Ông Hiệu cho biết, từ năm 2011 đến giữa năm 2013, Sêrêpôk bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước đen ngòm, bốc mùi nồng nặc. Hễ đi làm xa thì thôi, chứ khi ở nhà thì dân phải đóng chặt cửa, có người đêm ngủ phải bịt khẩu trang... Cũng trong khoảng thời gian đó, hàng tấn cá lớn, cá bé chết trắng trên sông, vớt về ăn, bán cũng không hết. Theo ông Hiệu, thủ phạm đã "đầu độc" sông Sêrêpôk không ai khác là do các nhà máy ở KCN Tâm Thắng (H. Cư Jút, Đắc Nông) xả thải.

Sông Sêrêpôk mất khả năng điều hòa sinh thái

Theo PGS TS Bảo Huy, Khoa nông-lâm nghiệp-Trường Đại học Tây Nguyên, Sêrêpôk hiện nay mất khả năng điều tiết nước ngầm, suy thoái hệ sinh thái sông, mất chức năng điều hòa sinh thái, đặc biệt là ở khu vực đầu nguồn, khu vực chảy qua Vườn quốc gia Yok Đôn.

Trong năm 2011, khi cá trên đoạn sông Sêrêpôk phía hạ lưu KCN Tâm Thắng bỗng dưng chết hàng loạt, Phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh Đắc Nông kiểm tra, phát hiện Nhà máy mía đường Đắc Nông (đóng tại KCN Tâm Thắng) đang xả nước thải từ quá trình làm mát thiết bị máy móc, xử lý lò hơi, súc rửa vệ sinh thiết bị nhà xưởng với lưu lượng 24.000m3/ngày ra sông Sêrêpôk. Kết quả, các mẫu nước thải của nhà máy đều vượt tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép 5,1 lần.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đắc Nông đã ra quyết định xử phạt hành chính Nhà máy Mía đường Đắc Nông 225 triệu đồng. Tháng 6-2013,  Phòng Cảnh sát môi trường CA Đắc Nông bắt quả tang Nhà máy sản xuất cồn công nghiệp (KCN Tâm Thắng) tự ý xả nước thải của nhà máy chưa qua xử lý ra sông. Sau đó UBND tỉnh Đắc Nông có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nhà máy trên 115 triệu đồng. Cũng trong năm 2013, UBND tỉnh Đắc Nông đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động Nhà máy sản xuất cồn công nghiệp cho đến khi nhà máy xây dựng xong hệ thống xử lý chất thải, khắc phục hết các sự cố môi trường gây ra...

Hữu Phúc
(còn nữa)