Sinh viên chế tạo máy sấy bánh tráng

Thứ sáu, 28/08/2015 10:15

(Cadn.com.vn) - Thấu hiểu được những khó khăn của bà con vùng quê Đại Lộc (Quảng Nam) khi không thể phơi bánh tráng mùa mưa, nhóm 4 sinh viên Khoa Công nghệ Nhiệt - Điện lạnh trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã chế tạo thành công máy sấy bánh tráng tận dụng nhiệt thải từ lò tráng bánh, đem lại hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường.

Đến từ nhiều lớp khác nhau, nhiều vùng miền khác nhau nhưng chính niềm say mê khoa học đã kéo các bạn đến gần nhau hơn, tạo thành một nhóm làm việc ăn ý. Sau hơn 6 tháng lên ý tưởng và thực hiện, Nguyễn Thị Hà, Đào Thị Phượng, Nguyễn Hữu Quyền và Lê Văn Viễn đã ứng dụng thành công hệ thống sấy này vào thực tế. Đề tài đã đạt giải Nhì cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, đồng thời vượt qua 250 đối thủ trên cả nước, xuất sắc giành giải Ứng dụng của Giải thưởng Holcim Prize 2015.

Nguyễn Thị Hà và Đào Thị Phượng bên máy sấy bánh tráng do nhóm chế tạo.

Với phương pháp tận dụng nhiệt thải, hệ thống sử dụng phần năng lượng dư thừa từ khói thải đi qua bộ trao đổi nhiệt (calorifer) gia nhiệt cho không khí. Từ đó, khí nóng sẽ được quạt hút vào buồng sấy, trao đổi nhiệt ẩm với bánh tráng, sấy khô rồi thoát ra ngoài. Bằng cách làm này, đề tài mà nhóm thực hiện đã giảm thiểu một lượng lớn khí thải thoát ra ngoài môi trường. Bánh sau khi sấy sẽ đạt được độ ẩm cần thiết cho việc bảo quản, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

So với phương pháp sấy bánh truyền thống bằng củi, than hầm, tro trấu, mùn cưa…, máy sấy bánh tráng tận dụng nhiệt thải tiết kiệm hơn hẳn do không tốn chi phí nhiên liệu, giảm nhân công làm việc, không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế việc tiếp xúc với khói độc. Theo mẫu thiết kế ban đầu, máy có thể làm việc với hiệu suất 30 kg bánh/ngày, tương đương với 3 kg/giờ/mẻ sấy.

"Tính cả chi phí nhiên liệu, nhân công và hao tổn vì không phơi được bánh tráng ngày mưa, các hộ tốn khoảng 15 triệu đồng/năm cho việc sấy bánh tráng. Trong khi đó, máy sấy bánh tráng sử dụng hệ thống sấy carolifer chỉ tiêu tốn 369.000 đồng/năm để vận hành quạt (một bộ phận của máy sấy). Với vốn đầu tư khoảng 20 triệu đồng, chỉ sau 1,5 năm, các hộ dân làm bánh sẽ hoàn vốn", Đào Thị Phượng chia sẻ.

Để chế tạo và lắp ráp thành công hệ thống máy sấy, nhóm sinh viên đã gặp không ít khó khăn và nhiều lần thất bại do đây là thiết bị mẫu, phải chỉnh sửa từng chi tiết mới hoàn thiện được như bây giờ. Ngoài mối bận tâm về kinh phí, thời gian nghiên cứu cũng như kỹ năng thực hành thì địa điểm khảo sát khá xa (H. Đại Lộc) cũng khiến nhóm 4 sinh viên vất vả. Vì xa, các thành viên trong nhóm không thể có được bánh tráng mới ra lò để tiến hành thí nghiệm nên đành phải mua lá mì về thực hành sấy. Sấy xong, các bạn lại đem đi nướng ăn kẻo… bỏ thì phí!

Đặc biệt, trong nhóm có 2 bạn nữ, do đó việc bắt tay vào hàn, cắt kim loại cũng còn nhiều bỡ ngỡ. Nhắc đến đây, Phượng bật cười, cho biết: "Những ngày đến xưởng lắp ráp máy, 2 đứa con gái tụi em bị phồng rộp tay và đen da hết. Riêng bạn Quyền, do hàn kim loại chưa quen nên bị đau mắt hột hết mấy ngày. May mắn là nhờ có sự chỉ dẫn của các thầy ở xưởng nên dần dà tụi em đã có thể tự làm và hạn chế những tổn thương ở da, tay".

Bánh tráng được sấy bằng máy sấy tận dụng nhiệt thải đảm bảo chất lượng và vệ sinh. 

Để có được thành công ngày hôm nay, cùng với tinh thần làm việc không mệt mỏi, nhóm sinh viên đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn từ phía lãnh đạo nhà trường, các thầy cô trong khoa, trong xưởng chế tạo và sự hướng dẫn tận tình của Thạc sỹ Mã Phước Hoàng - giảng viên Khoa Công nghệ Nhiệt - Điện lạnh. "Hệ thống sấy mà các bạn sinh viên làm ra mang tính thực tế cao, gần gũi với bà con nông dân, đem lại lợi ích kinh tế cao, đồng thời cải thiện được điều kiện làm việc, bánh làm ra cũng ngon hơn. Việc các bạn đạt giải Holcim Prize khiến tôi rất mừng vì phần nào hỗ trợ được các bạn trong việc ứng dụng hệ thống vào thực tiễn", thầy Hoàng nhận xét.

Với công sức lao động nhiệt thành và hăng say, giải Ứng dụng Holcim Prize 2015 đã đem về cho các bạn số tiền thưởng 70 triệu đồng cùng 200 triệu đồng để triển khai dự án trong thực tiễn. "Tụi em đang lên kế hoạch để đưa máy sấy này ra ngoài thị trường với thiết kế đẹp hơn, chăm chút hơn để đảm bảo cả chất lượng và thẩm mỹ. Máy sấy được lắp ráp và vận hành khá đơn giản nên hy vọng trong tương lai, tụi em sẽ đưa được máy về ứng dụng tại vùng quê Đại Lộc cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước đang làm nghề bánh tráng", Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Mong rằng, dự định của nhóm sinh viên sẽ sớm thành hiện thực, sớm đưa máy về từng hộ gia đình làm bánh tráng, giải quyết nỗi lo sấy bánh ngày mưa cho bà con cũng như hạn chế việc sấy bánh thải khí ra môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Thảo Vy