SINH VIÊN TRUNG QUỐC - mục tiêu của các vụ “bắt cóc ảo”

Thứ tư, 29/07/2020 22:59

Các sinh viên Trung Quốc tại Australia đang bị các băng đảng tội phạm cưỡng chế để giả mạo các vụ bắt cóc chính họ như một phần của hoạt động tống tiền toàn cầu nhắm vào những người dễ bị tổn thương ở nước ngoài.

Các nạn nhân được lệnh chụp ảnh mình bị trói và bịt mắt, sau đó những bức ảnh này được bọn lừa đảo
gửi đến gia đình của họ ở nước ngoài để đòi tiền chuộc. 
Ảnh: CNN

Trong tuyên bố hôm 27-7, cảnh sát Australia cho biết, 8 sinh viên ở bang New South Wales (NSW) trở thành mục tiêu trong các vụ "bắt cóc ảo" trong năm nay, và người thân của họ ở quê nhà đã phải trả tổng cộng 3,2 triệu AUD (2,3 triệu USD) tiền chuộc.

Trong một trường hợp, cha của một sinh viên Trung Quốc 22 tuổi ở Sydney đã trả hơn 1,4 triệu USD sau khi được gửi một đoạn băng cho thấy con gái mình bị trói ở một địa điểm không xác định. Một gia đình khác ở Trung Quốc trả hơn 14.000 USD sau khi nhận được đoạn băng con gái 22 tuổi của họ bị trói và bịt mắt thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat. Tuy nhiên, cô gái này đã được cảnh sát NSW tìm thấy trong một phòng khách sạn và vẫn an toàn.

“Bắt cóc ảo” là gì?

Đây là cách thức hoạt động của trò lừa đảo này: Đầu tiên, những kẻ lừa đảo thực hiện các cuộc gọi đến các số ngẫu nhiên, thường nói bằng tiếng Trung. Điều này hoạt động như một bộ lọc: người Australia không hiểu tiếng Trung thường cúp máy, trong khi sinh viên Trung Quốc sẽ trả lời bằng tiếng Trung. Sau đó, những kẻ lừa đảo tự xưng là một cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc, chẳng hạn như một thành viên của đại sứ quán hoặc cảnh sát Trung Quốc. Kẻ lừa đảo cho biết nạn nhân có liên quan đến một hành vi phạm tội ở Trung Quốc và cảnh báo nạn nhân rằng họ phải đối mặt với việc dẫn độ về nước để đối mặt với các cáo buộc hình sự tại tòa án, hoặc thậm chí đe dọa rằng gia đình họ sẽ chịu các hình phạt hình sự nếu họ không hợp tác.

Tiến sĩ Lennon Chang, Giảng viên cao cấp về Tội phạm học tại Đại học Monash của Australia cho biết, những kẻ lừa đảo thường sử dụng công nghệ để che giấu vị trí thực tế của chúng và lập trình số máy chủ, vì vậy cuộc gọi đến có vẻ như là từ chính quyền Trung Quốc. Nếu nạn nhân tra cứu số điện thoại của người gọi, họ sẽ thấy khớp với số của cảnh sát Trung Quốc hoặc đại sứ quán. Theo tuyên bố của cảnh sát NSW, vụ lừa đảo sau đó có thể tiếp tục theo hai cách. Nạn nhân bị đe dọa hoặc ép buộc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng nước ngoài. Hoặc nạn nhân bị thuyết phục giả mạo rằng họ đang bị bắt cóc, và sau đó gia đình của họ sẽ bị tống tiền. Trong trường hợp này, những kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân ngừng liên lạc với gia đình và bạn bè và thuê một phòng khách sạn để đảm bảo sự an toàn của chính họ. Nạn nhân được yêu cầu chụp ảnh mình bị trói và bị bịt mắt sau đó những bức ảnh này được gửi đến gia đình nạn nhân ở nước ngoài.

Khi không thể liên lạc với con của mình ở Australia, gia đình nạn nhân sẽ gửi tiền chuộc để đổi lấy việc trả tự do cho con họ. Kẻ lừa đảo tiếp tục đưa ra các mối đe dọa và đòi tiền chuộc cho đến khi chúng không thể nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào nữa. Đến lúc đó, gia đình nạn nhân mới báo cáo vụ việc với cảnh sát. Kết quả là cảnh sát phát hiện nạn nhân vẫn an toàn ở nhà hoặc trong khách sạn.

Tại sao sinh viên Trung Quốc trở thành mục tiêu?

Các vụ lừa đảo như vậy xảy ra ở nhiều tiểu bang trên khắp Australia như Victoria và Queensland, nhắm vào những sinh viên nước ngoài nhạy cảm, trẻ tuổi, thiếu che chở. "Sinh viên quốc tế là nhóm dễ bị tổn thương bởi vì họ không có sự hỗ trợ thực sự ở đất nước này", Tiến sĩ Chang nói. “Nếu bạn là một người Australia gốc Hoa và ai đó nói với bạn rằng bạn có liên quan đến tội phạm có tổ chức ở Trung Quốc, bạn sẽ bảo họ biến đi. Nhưng nếu bạn là một sinh viên quốc tế đến từ Trung Quốc, bạn có thể lo lắng về gia đình, tình hình của bạn khi trở về quê hương", ông nói thêm.

Trong số các sinh viên quốc tế, sinh viên Trung Quốc được cho là dễ bị tổn thương. Có khoảng 165.000 sinh viên Trung Quốc tại Australia trong năm nay, mặc dù con số này có thể thấp hơn do đại dịch Covid19. Sinh viên Trung Quốc "có xu hướng tuân theo chính quyền... có xu hướng tin rằng chính phủ luôn làm điều đúng đắn. Vì vậy, khi nạn nhân nhận được cuộc gọi như thế, họ có xu hướng làm theo hướng dẫn từ “người của đại sứ quán”, ông Chang cho biết. Các nạn nhân sẽ không báo cáo vụ việc do xấu hổ.

Cảnh sát NSW cho biết họ đang phối hợp với chính phủ tiểu bang và Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia để điều tra và cảnh báo cộng đồng về những trò lừa đảo này.

Lan rộng khắp thế giới

Hình thức lừa đảo này xảy ra trong nhiều năm đang ngày càng gia tăng. "Những vụ bắt cóc ảo... đã phát triển đáng kể trong thập kỷ qua bởi các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia", Giám đốc điều hành của Cty thám tử Florida, Darren Bennett, cho biết.

Năm ngoái, đã có 1.172 báo cáo về các vụ lừa đảo qua điện thoại mạo danh "chính quyền Trung Quốc" trên khắp Australia. Không rõ có bao nhiêu vụ trong số này là các vụ bắt cóc giả hoặc gửi tiền vào tài khoản ở nước ngoài, và liệu tất cả có thành công hay không. Các nhà chức trách cho biết những kẻ lừa đảo chủ yếu nhắm vào các sinh viên Trung Quốc, nhưng bọn chúng cũng đã thử với các nạn nhân là người không nói tiếng Anh. Theo cảnh sát bang NSW, các vụ lừa đảo năm 2019 giúp bọn chúng kiếm được 2 triệu AUD (1,43 triệu USD). Năm 2018, cảnh sát liên bang cho biết đã có gần 1.700 cuộc gọi lừa đảo được báo cáo, dẫn đến thiệt hại gần 1,2 triệu AUD (855.000 USD).

Các vụ lừa đảo tương tự cũng xảy ra ở Mỹ, nhắm vào sinh viên Trung Quốc và các nhóm thiểu số khác. Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Chicago hồi năm 2018 đã cảnh báo rằng, những kẻ lừa đảo tinh vi thậm chí đã đột nhập vào đường dây điện thoại của cơ quan này, gọi điện hoặc để lại tin nhắn thoại cho các nạn nhân. Các loại tội phạm này rất khó điều tra do bọn chúng sử dụng các ứng dụng nhắn tin được mã hóa, các kỹ thuật để thay đổi số điện thoại, và lập các tài khoản nước ngoài.

AN BÌNH