Số địa phương có tệ nạn ma túy gia tăng
(Cadn.com.vn) - Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại TPHCM, ngày 14-4, các đại biểu đã nghe Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ CA báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2011 – 2015.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, trong 5 chỉ tiêu chính của chương trình thì có 2 chỉ tiêu không đạt, đó là giảm người nghiện ma túy và giảm số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy.
Có 3.163 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Bộ CA, năm 2010, cả nước có 4.450 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy. Nhưng đến năm 2014, số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy chỉ còn 3.163. Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng sự gia tăng số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy là do hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn thấp (do thiếu cơ sở vật chất, kinh phí không đảm bảo), tỷ lệ tái nghiện cao. Công tác cai nghiện gặp khó khăn do vướng mắc trong việc tổ chức cai nghiện theo quy định mới. Việc phòng chống ma túy tại cơ sở chưa đạt yêu cầu do lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách làm công việc này còn thiếu, yếu về năng lực. Bên cạnh đó, sự gia tăng của số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy còn do sự biến động dân cư, cụ thể như việc nhiều người lao động.
Về việc gia tăng số người nghiện, theo Thượng tướng Lê Quý Vương, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, nguồn “cung” ma túy chưa được kiểm soát triệt để, ma túy vẫn còn sẵn có trên thị trường bất hợp pháp. Năm 2014, cả nước có hơn 204.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 42,7% so với năm 2010. “Đáng chú ý là ngoài việc tăng về số lượng thì thành phần người nghiện ma túy cũng đa dạng hơn, gồm cả học sinh, sinh viên, người mẫu, vận động viên, trí thức...; loại ma túy được sử dụng cũng phát sinh nhiều hình thức mới”, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết.
Theo dự kiến của Chính phủ, trong giai đoạn 2016 – 2020, nhiệm vụ phòng, chống ma túy sẽ được thực hiện thành Chương trình mục tiêu và giao Bộ CA chủ trì. Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, trên cơ sở tổng kết toàn diện việc thực hiện Chương trình, Bộ CA sẽ xây dựng báo cáo, trình Chính phủ thẩm định, phê duyệt nội dung của Chương trình giai đoạn 2016 – 2020. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị, Bộ CA cần cân nhắc trình Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy tiếp tục là Chương trình mục tiêu quốc gia hoặc nên lồng ghép với các mục tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Các bạn trẻ tham gia tuyên truyền phòng chống ma túy. |
Nợ bảo hiểm xã hội khoảng hơn 5.500 tỷ đồng
Chiều cùng ngày, các đại biểu tiếp tục nghe Bộ LĐ-TB&XH báo cáo và thảo luận về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 2014; về quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2014.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, đến hết năm 2014, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt gần 11,5 triệu người (tăng 5,16% so với năm 2013), đối tượng tự nguyện đạt hơn 196.000 người (tăng 16,8%), tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt hơn 9,2 triệu người (tăng 6,2%). Tổng số kết dư Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc là 305.799 tỷ đồng (tăng 24,7%), tự nguyện là 2.282 tỷ đồng (tăng 42,6%), bảo hiểm thất nghiệp là 41.550 tỷ đồng (tăng 30,4%). Việc tăng trưởng của Quỹ Bảo hiểm xã hội là đáng khích lệ, tuy nhiên, theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi đánh giá kết quả thực hiện cần phải sát thực tế hơn. Việc tăng số lượng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội phải đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế.
Tính đến nay, số lượng nợ bảo hiểm xã hội khoảng hơn 5.500 tỷ đồng, sau khi trừ số nợ khó đòi thì còn khoảng 4.000 tỷ đồng. Về vấn đề này, ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM cho rằng, đi đòi tiền nợ bảo hiểm xã hội rất khó khăn. Hiện nay, việc khởi kiện để đòi nợ không dễ dàng, chủ yếu do ngành bảo hiểm xã hội thực hiện. Ngay cả lực lượng Thanh tra Chính phủ và Thanh tra TPHCM cũng chỉ thu hồi được khoảng 65% số tiền nợ khi tiến hành thanh tra.
Để giải quyết tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bà Trương Thị Mai đề nghị, cần tích cực tiến hành khởi kiện để đòi quyền lợi cho người lao động. Ngành bảo hiểm có thể kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với công đoàn cùng các ngành chức năng để thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội. Trong đó, công đoàn phải tích cực hơn trong khởi kiện doanh nghiệp trốn nghĩa vụ nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động, không nên chờ người lao động ký tên rồi mới khởi kiện. Vụ nào liên quan đến hình sự thì kiến nghị cơ quan công an điều tra, xử lý. Việc nợ đọng tuy không gây vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội, nhưng lại ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động.
Mai Danh – TTXVN