Sớm ổn định cuộc sống, học tập sau lũ
Ngày 31-10, tại vùng "rốn lũ" huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), nước bắt đầu rút dần. Với phương châm "nước rút đến đâu, khắc phục đến đó", người dân, chính quyền địa phương, các đơn vị, trường học… bắt đầu công việc khắc phục hậu quả ngập lụt.
Nước rút cũng là thời điểm người dân địa phương bắt đầu tranh thủ vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa. Anh Nguyễn Xuân Thủy (xã Liên Thủy) cho hay, gia đình anh nước vào nhà gây ngập lụt gần 2m, từ hôm qua đến nay, nước bắt đầu rút dần, anh và các thành viên trong gia đình đang phải tất bật, dọn dẹp nhà cửa, tranh thủ nước lụt để lau rửa bàn ghế, giường tủ, đồ đạc; đặc biệt là đẩy lượng phù sa ra khỏi nhà, sân. Bởi, nếu không thực hiện nhanh và không có nước, thì bùn non sẽ kết lại quá khô, sau này dọn dẹp rất khó khăn. Anh Nguyễn Văn Thuần (xã An Thủy) cũng cho hay, nước lũ vào nhà gây ngập hơn 1m. Tận dụng khi nước rút, cả gia đình anh đã xắn tay vào dọn dẹp nhà cửa, thu xếp lại đồ đạc, sớm ổn định cuộc sống.
Ông Dương Đức Phố - Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy cho biết, địa phương có hơn 1.600 hộ dân bị ngập lụt, có nhiều nơi ngập sâu từ 1m trở lên. Tuy nhiên, với kinh nghiệm "sống chung với lũ" hàng chục năm qua, người dân địa phương đã rất chủ động trong công tác khắc phục hậu quả sau bão lụt. "Sau lụt, địa phương vẫn còn nhiều bộn bề, ngổn ngang và thiệt hại, nhưng bà con sẽ cố gắng khắc phục để trở lại với cuộc sống bình thường. Chính quyền, các tổ chức đoàn thể và lực lượng vũ trang sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cùng nhân dân; đặc biệt là các hộ gia đình neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người già và các trường học…", ông Phố thông tin.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn cho hay, chính quyền đang khẩn trương chỉ đạo dọn dẹp vệ sinh với phương châm "nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó"; khắc phục những đoạn đường giao thông bị sạt lở, cầu cống bị hư hỏng bảo đảm cho các phương tiện lưu thông thông suốt, an toàn; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, xác động vật chết, nước sinh hoạt; bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh... "Các cơ quan, đơn vị phân công cán bộ về tận cơ sở, thôn, bản, tổ dân phố để kiểm tra, nắm tình hình thiệt hại do bão số 6 và ngập lụt gây ra; kịp thời thăm hỏi, động viên các gia đình có người mất, những gia đình bị thiệt hại nặng; tổ chức tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ kịp thời, đúng đối tượng; triển khai vệ sinh môi trường trên các tuyến đường...", ông Sơn chia sẻ thêm.
Cũng tranh thủ lúc nước bắt đầu rút, các thầy cô, học sinh, phụ huynh cùng vượt lũ đến trường dọn bùn non, lau chùi phòng học, để đón học sinh đi học trở lại. Trong đợt mưa lũ này, toàn tỉnh Quảng Bình có trên 125 trường học chìm trong "biển nước". Trong đó, có trường ngập sâu trên 2m. Dù đã chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó nhưng trang thiết bị, sách vở, dụng cụ học tập tại nhiều trường học vẫn hư hỏng do nước lũ. Hiện, nhiều trường học vẫn bị bao phủ bởi nước lũ.
Cùng với lực lượng tại chỗ, lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình đã điều động hàng ngàn cán bộ chiến sĩ cùng nhiều phương tiện cơ động tham gia hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy khắc phục hậu quả lũ lụt. Lực lượng hỗ trợ nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ; đặc biệt là giúp đỡ các trường học trên địa bàn bị ngập lụt, tiến hành lau dọn bàn ghế, đồ dùng dạy học, tẩy rửa bùn non trong nhà và ngoài sân trường… với mong muốn các trường học sớm đón học sinh trở lại trường.
Thông tin từ Phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy, địa phương này mới chỉ có 6/81 trường học triển khai hoạt động dạy học trở lại. Cô Bùi Thị Dung- Phó Hiệu trưởng Trường mầm non An Thủy (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy) bộc bạch: “Những ngày lũ dâng, nhà các giáo viên trong trường đều bị ngập. Nhưng cán bộ, giáo viên ai nấy đều gác lại việc nhà để thay nhau tới trường trực lũ, chủ động dọn vệ sinh khi nước rút để giảm bớt công việc sau lũ. Chúng tôi chỉ mong lũ rút nhanh để các con sớm trở lại học tập bình thường”. Thầy Nguyễn Văn Vững- Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy chia sẻ: Việc di chuyển trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sách vở và chằng chống trường lớp trước lũ phần nào giúp giảm thiểu những hậu quả do mưa lũ gây ra. Hiện, nhiều trường học trên địa bàn vẫn bị ngập nước. Để sớm đưa học sinh quay trở lại trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đều thực hiện chung phương châm "nước rút đến đâu, dọn đến đó".
Tại huyện Quảng Ninh, nhiều trường học cũng chịu hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra. Thầy Võ Thái Hòa- Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quảng Ninh cho biết: "Nhiều trường học trên địa bàn còn ngập nước, học sinh một số xã vẫn chưa thể tới trường. Sau khi lũ rút, nhà trường dọn dẹp, báo cáo để chúng tôi kiểm tra, đánh giá tình hình mới đón học sinh trở lại trường học một cách an toàn".
Thêm 2 trường hợp tử vong do lũ, nâng tổng số người thiệt mạng và mất tích lên 7 người Ngày 31-10, 2 bé trai song sinh là V.V.Q và V.V.T (2022, trú xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) tử vong do ngã xuống sân nhà ngập nước lũ. Theo đó, khoảng 4 giờ cùng ngày, do người thân đang lau dọn nhà cửa, hai bé ra trước nhà chơi và không may rơi xuống nước. Đến khoảng 5 giờ sáng, người nhà phát hiện ra 2 bé đã đuối nước tại khu vực bị ngập khoảng 0,4m, ngay trước sân nhà. |
XUÂN SƠN
Dòng sự kiện:Phòng chống thiên tai
Bão Usagi tiến đến gần biển Đông, giật cấp 13
Quảng Nam kiến nghị đầu tư xây dựng nơi tập kết vật chất và bãi đáp trực thăng tại Nam Trà My
Nỗi lo lũ quét của thầy trò trường vùng cao Nghệ An
Bão Yinxing suy yếu, bão Toraji tiến gần biển Đông có sức gió giật cấp 15
Chủ động hướng dẫn phương tiện tàu thuyền neo đậu phòng tránh bão số 7