Sớm “phủ sóng” vaccine COVID-19 cho trẻ em

Thứ hai, 08/11/2021 18:12

Trong tuần qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 chủ yếu tập trung vào các chuẩn bị cho việc tiêm vaccine cho trẻ em; sẵn sàng các điều kiện để học sinh sớm trở lại trường; ban hành hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch...

Khám sàng lọc cho học sinh trước khi tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Phi Nông

Khẩn trương triển khai công tác tiêm vaccine cho trẻ em

Đến sáng 7-11, dữ liệu tại Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cho thấy cả nước đã tiêm 88,5 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó hơn 28 triệu người tiêm đủ 2 liều vaccine.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi ở Việt Nam đã chính thức triển khai từ đầu tháng 11 trên toàn quốc. Hiện đã có một số địa phương tiến hành tiêm là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh... Một số địa phương khác đã lên kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ khi vaccine được phân bổ.

Bộ Y tế đang hướng tới độ vaccine bao phủ dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 100% trong quý 4-2021 và đầu năm 2022. Riêng về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em (dưới 18 tuổi), dựa trên khả năng cung ứng vaccine của nhà sản xuất, Bộ Y tế đang xây dựng Kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022 và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về việc mở rộng độ tuổi tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi: 3-11 tuổi, 12-15 tuổi, 16-17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho những nhóm tuổi này. Đồng thời, các tỉnh xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ 2 liều.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho 63 tỉnh, thành về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, trong đó có nội dung đảm bảo an toàn tiêm chủng. Đến nay, có 2 loại vaccine phòng COVID-19 được Việt Nam cấp phép có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna của Mỹ.

Bảo đảm an toàn khi cho học sinh trở lại trường

Liên quan đến nội dung cho trẻ em trở lại trường, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 3-11, các ý kiến cho rằng, không được đến lớp ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, phát triển tâm sinh lý của học sinh. Đây không chỉ là nhu cầu của học sinh, mà còn của gia đình, phụ huynh học sinh. Hiện nay, WHO khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi, chưa có khuyến nghị chính thức tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, không thể đợi tiêm hết vaccine hoặc hết ca nhiễm trong cộng đồng mới cho trẻ đi học trở lại.

“Đi học phải an toàn, kiểm soát được dịch, bảo vệ được sức khỏe cho các cháu và cộng đồng. Điều đó không có nghĩa tuyệt đối không có học sinh mắc COVID-19. Do đó, ngành Giáo dục phải hướng dẫn rất chi tiết về các quy định phòng, chống dịch trong lớp học, khi ra chơi, phương án xử lý khi có ca mắc trong trường học”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.

Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, khẩn trương có văn bản hướng dẫn cụ thể việc tổ chức cho học sinh các cấp đi học tập trung trở lại, trong đó lưu ý việc chỉ đạo bảo đảm an toàn trong các cơ sở giáo dục (bao gồm cập nhật trên cổng thông tin của Bộ), đồng thời phải tính đến tâm sinh lý của các cháu học sinh, sinh viên, của gia đình, lực lượng lao động liên quan khi dịch bệnh có thể kéo dài.

Các địa phương có số lượng học sinh lớn và đặc thù như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có phương án cho học sinh trở lại học tập. Ngày 31-10, Hà Nội ban hành quyết định cho học sinh trở lại học của 18 huyện, thị xã có cấp độ dịch 1 và 2, nhưng đến ngày 6-11 Hà Nội đã có văn bản mới tạm dừng việc đó và chỉ cho riêng học sinh huyện Ba Vì đi học trở lại, đây là trách nhiệm thuộc về địa phương tự quyết định.

T.H