Sớm xử lý các vấn đề dân sinh cho dân đón Tết
Làm việc với các Tổ đại biểu và Thường trực HĐND quận, huyện chiều 20-1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu giám sát chặt việc xử lý các vấn đề dân sinh bức xúc để người dân được đón Tết vui tươi, đầm ấm.
Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Theo phản ánh của HĐND các quận, huyện hiện còn gần 100 kiến nghị của người dân đang được TP giải quyết, trong đó nổi bật về các lĩnh vực môi trường, giao thông, qui hoạch treo, xử lý chung cư xuống cấp… Ông Trần Văn Trường, Tổ đại biểu Hòa Vang cho biết, TP qui định phải làm cơ sở hạ tầng trước mới được tách thửa, xây dựng, nhưng ở Hòa Vang thoát nước thì thoát đi đâu, trong khi TP chưa đầu tư hệ thống thu gom nước thải. Tương tự về qui hoạch treo, vừa rồi TP có hủy bỏ một số qui hoạch, tuy nhiên cụ thể các dự án nào thì phải công khai cho dân biết. Hiện văn phòng 1 cấp của H. Hòa Vang trả lời vẫn còn những dự án đã 7-8 năm song vẫn trong qui hoạch, trong khi qui định sau 3 năm dự án không triển khai phải hủy qui hoạch. Đồng quan điểm, ông Cao Xuân Thắng, tổ đại biểu Sơn Trà cho biết, nhiều dự án quy hoạch treo kéo dài, TP đã có chủ trương, quận đã rà soát báo cáo lên, nhưng việc xử lý thì dẫm chân tại chỗ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người dân. Ông Thắng đề nghị TP phải xử lý dứt dạt, công khai cụ thể việc xử lý từng dự án treo. Ngoài ra, cũng liên quan tới việc đền bù đất nông nghiệp khi giải tỏa ở Sơn Trà, ông Thắng nói phải có cơ chế đặc thù, chứ tại Sơn Trà mặt bằng giá đất xung quanh rất cao, nhưng nếu cứ áp theo giá đền bù đất nông nghiệp thì dân không đồng thuận. Thực tế hầu hết các dự án ở Sơn Trà vừa qua đều phải cưỡng chế.
Một thực tại khác ở Đà Nẵng hiện nay là có nhiều khu dân cư hình thành trái phép trên đất nông nghiệp. Ông Thắng cho biết, các khu dân cư này đã tồn tại hàng chục năm, nhưng họ luôn sống thấp thỏm, nhà cửa tạm bợ vì không được cấp phép xây dựng. Để giải quyết vấn đề này, TP cần rà soát nếu không vướng qui hoạch thì nên hợp thức hóa để ổn định cuộc sống của người dân đồng thời có nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, tại Đà Nẵng còn nhiều khu vực mồ mả xen lẫn trong các khu dân cư, TP cần sớm di dời để tạo quỹ đất xây dựng các công trình công cộng. Đại biểu Võ Văn Thương tổ Hải Châu nói rằng, các quận trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê đã di dời xong, tuy nhiên Sơn Trà thì chưa thực hiện được. Trong khi Sơn Trà là quận trung tâm, đô thị văn minh, du lịch thì càng không để các khu vực mồ mả xen lẫn trong khu dân cư được. TP cần có giải pháp quyết liệt để xử lý trong năm 2021.
Đà Nẵng còn nhiều dự án đã triển khai nhưng chưa bàn giao, khớp nối qui hoạch. |
Lãnh đạo HĐND các quận huyện cũng phản ánh ý kiến của cử tri tại tất cả các khu vực TP xây dựng trạm trung chuyển rác đều phản đối. Đơn cử trạm trung chuyển rác tại đường Lê Thanh Nghị TP đã phê duyệt đầu tư hơn 173 tỷ đồng song người dân khu vực này đều phản đối với lý do rất gần 3 trường học, gần công viên, các cơ quan của TP… Trưởng Ban Đô thị Nguyễn Thành Tiến nói, qua giám sát thì qui trình lấy ý kiến nhân dân để xây dựng các trạm trung chuyển rác này chưa đảm bảo vì thế mới có chuyện trước đây thì đồng ý, giờ thì không. Ông Tiến cho rằng, các khu dân cư không nơi nào muốn TP xây trạm trung chuyển rác, vậy rác sẽ để đâu?. Cũng theo ông Tiến, với các trạm trung chuyển rác mà khoảng cách dưới 10km so với Khu liên hiệp xử lý rác Khánh Sơn (như trạm Cẩm Lệ) thì nên chở thẳng về Khánh Sơn, không nhất thiết phải đầu tư trạm. Liên quan tới việc di dời mồ mả xen lẫn trong khu dân cư, ông Tiến nói, TP có chủ trương thực hiện với Q. Hải Châu, Thanh Khê trước rồi mới tới các quận khác. Tuy nhiên, vấn đề di dời này hiện đang phức tạp. Thứ nhất là thiếu quỹ đất bố trí sau khi di dời, đồng thời các khu đất sau di dời mồ mả các quận cũng chưa đề xuất phương án cụ thể làm gì. Về các dự án treo, ông Tiến cho biết TP đã rà soát, có 58 dự án không đảm bảo, thời gian tới sẽ ra quyết định hủy, thông báo công khai từng dự án cho người dân. Riêng các vấn đề liên quan tới quyền lợi người dân trong các dự án treo này, như cấp phép tạm, xây dựng… TP đã thực hiện. Đặc biệt, với vấn đề hợp thức hóa các khu dân cư hình thành trái phép trên đất nông nghiệp từ nhiều năm nay, ông Tiến nói nếu thời gian trước 1-7-2004 thì TP đã cho hợp thức hóa theo qui định. Ngược lại với các nhà xây sau tháng 7-2004, muốn hợp thức hóa được thì phải đập hết đi, qui hoạch lại là khu dân cư. Vấn đề này TP đã có hướng xử lý và sẽ triển khai trong thời gian tới.
Một vấn đề “nóng” liên quan sát sườn tới cuộc sống của hàng ngàn hộ dân là giải quyết tiền nợ đất theo Nghị định 79 của Chính phủ. Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Minh Trung nói, ngày 28-2 là hạn cuối cùng để nộp tiền nợ đất. Tuy nhiên, hiện nay việc phổ biến, hướng dẫn đến từng hộ dân chưa quyết liệt, nhiều hộ dân còn nắm thông tin được gia hạ thêm 1 năm. Ông Trung khẳng định khó có thể gia hạn thêm 1 năm, và phải xác định ngày 28-2 là hạn cuối, Chủ tịch các phường xã cần phổ biến tới từng hộ dân theo phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà. “Có trường hợp ở Sơn Trà, nếu nộp đúng hạn chỉ hơn 150 triệu đồng, nhưng quá hạn thì phải nộp trên 3 tỷ đồng”- ông Trung dẫn chứng. Ngoài ra, ông Trung cũng cho biết một thực trạng khác, ở một số địa phương hiện không liên hệ được với chủ đất, đất trống để hàng chục năm nay.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu các Ban, Thường trực HĐND quận huyện tập trung giám sát chặt chẽ việc xử lý các vấn đề dân sinh bức xúc đã nêu. Trong đó, tập trung mạnh vào các vấn đề liên quan phục vụ cho người dân đón Tết, như an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, sửa chữa đường vỉa hè, an sinh xã hội... Ông Triết nói, năm nay dù kinh tế khó khăn song TP vẫn chi 52 tỷ đồng lo công tác an sinh xã hội dịp Tết cho người dân. Ngoài ra, với một số vấn đề bức xúc để tồn đọng kéo dài (98 vấn đề kiến nghị), ông Triết yêu cầu tiếp tục tăng cường giám sát, nhất là vấn đề đất nông nghiệp không sản xuất được, dự án treo, xây dựng trái phép. “Hiện nay còn gần 270 dự án trong các khu dân cư đã triển khai nhưng không bàn giao dự án, không khớp nối qui hoạch, dân bức xúc, không biết kiến nghị ai” – ông Triết nhấn mạnh.
HẢI QUỲNH