Sóng cả không ngã tay chèo
(Cadn.com.vn) - Với ngư dân duyên hải miền Trung, đặc biệt là công dân thành phố biển Đà Nẵng, biển Đông là ngư trường truyền thống, là miếng cơm manh áo và nơi thể hiện tình yêu lao động, lòng yêu nước. Tục ngữ “sông sâu sóng cả chớ ngã tay chèo” tồn tại hàng ngàn đời nay, nhắc nhở hàng trăm thế hệ ngư dân quyết tâm vượt phong ba, bão táp bám biển. Và những ngày qua, tinh thần đó được phát huy hơn bao giờ hết, khi chủ quyền biển đảo bị xâm phạm, ngư dân miền Trung vẫn kiên cường cưỡi sóng vươn khơi...
Là thuyền trưởng tàu QNg 89649 vừa đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa trở về cập cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) để tiêu thụ, ngư dân Nguyễn Văn Huy (45 tuổi) không hề nao núng trước chuyến trở lại ngư trường này. Ông Huy kể, trong chuyến biển vừa qua, thuyền của ông có trên 10 ngư dân thường xuyên gặp các tàu tuần dương, hải quân, kiểm ngư của Trung Quốc có trang bị súng ống xua đuổi, uy hiếp nhưng ông cùng các thuyền viên vẫn bình tâm đánh bắt cá, không hề hoảng sợ. “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam, chúng tôi không lý do gì phải sợ mà bỏ ngư trường...”. Theo ông Huy, chuyến ra khơi vừa rồi tàu ông đánh bắt được 13 tấn cá, mực..., tính ra phải bù lỗ, thế nhưng ông sẽ không cho tàu nằm bờ mà tiếp tục vươn khơi.
Ông Nguyễn Hiền (ảnh): “Ngư dân chúng tôi cương quyết bám biển để giữ gìn chủ quyền biển đảo”. |
Tại bến đò Thuận Phước (Q.Sơn Trà), giữa trưa nắng gắt, ngư dân Trần Văn Tuấn, thuyền viên trên tàu ĐNa 94499 cùng các ngư dân khác nỗ lực khiêng máy móc vào bờ sửa chữa, tra dầu mỡ, chuẩn bị lương thực cho chuyến đi mới. Anh Tuấn quyết tâm: “Ngày trước ra Hoàng Sa thì chạy thẳng một mạch nhưng giờ phải đi vòng, hao tổn thời gian và nhiên liệu. Song dù thế nào đi nữa thì chúng tôi vẫn kiên trường bám biển, không để mất ngư trường truyền thống Hoàng Sa”.
Tương tự, thuyền viên Nguyễn Văn Mạnh, quê ở thôn Hòa Bình, xã Bình Minh (H. Thăng Bình, Quảng Nam) đi bạn trên tàu QNa 90159 cho biết, tàu phải đi vòng xuống phía Nam, quãng đường tăng thêm gần 10 hải lý cho hay, sau khi tiêu thụ hết cá, tàu của anh chuẩn bị dầu, lương thực, nhu yếu phẩm... sẽ tiếp tục thẳng tiến Hoàng Sa. Còn vợ anh Mạnh, chị Hoàng Thị Hà đang vá lưới để chuẩn bị cho chồng kịp chuyến biển tiếp theo. “Anh đi đánh cá, tôi ở nhà luôn bồn chồn, lo lắng, nhưng vẫn động viên anh bình tĩnh bám biển làm ăn. Vì mọi thứ trong gia đình đều nhờ cả vào anh...”, chị Hà nói.
Vừa cập bờ nhưng các thuyền viên tàu QNg 94499 nhanh chóng sửa chữa ngư cụ tiếp tục vươn khơi. |
Trong khi đó, trải qua hơn nửa tháng quần thảo giữa biển khơi, như khi cập bến ngư dân Nguyễn Hiền (53 tuổi) vẫn không kịp nghỉ ngơi mải miết kiểm tra lại con tàu của mình để chuẩn bị một hành trình mới. Đi vòng xung quanh con tàu vừa về bến, ông bảo: “Sau mỗi đợt đi biển về, chúng tôi phải nghỉ ngơi hai ba ngày, để kiểm tra lại máy móc, ngư cụ và các thiết bị thông tin liên lạc... Muốn vươn khơi, điều tất yếu nhất là phải chuẩn bị từ nhân lực đến vật lực”.
Từ khi còn là một đứa trẻ cởi trần theo cha đi biển, cho đến giờ đã hơn 40 năm trong nghề, ông Hiền luôn tâm niệm rằng đã là người ở vùng biển thì nhất định phải bám biển mà sống. Biển cả là một điều gì đó thiêng liêng lắm, nghĩa tình lắm cho dù không phải lúc nào cũng sóng yên gió lặng. “Ngày trước ông cha mình cũng đi biển, chả có phương tiện máy móc gì, nom sao, trông trời mà đi. Thế mà ngư trường nào cũng chinh phục được. Huống hồ bây giờ đội ngũ tàu thuyền của mình được trang bị phương tiện này, thiết bị nọ. Thử hỏi thuận lợi như vậy tại sao chúng tôi không quyết tâm bám trụ với đời biển chứ?”, ông Hiền so sánh.
Ngư dân P. Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà) tu sửa máy móc, chuẩn bị một chuyến ra khơi mới. |
Đang giữa trưa, cái nắng như thiêu đốt, ba bốn thanh niên lực lưỡng khiêng một phần máy móc của tàu ĐNa 90118-TS lên bờ để sửa chữa. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại, nhớt máy bám bê bết khắp mặt mũi. Chủ tàu là anh Nguyễn Xuân Tiến (38 tuổi, trú P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) cùng chị vợ là Hoàng Thị Hoa (37 tuổi) động viên: “Cố gắng lên anh em, phải hoàn thành gấp công việc để còn vươn khơi. Chỉ cần con trăng lặn là chúng ta xuất phát, đợt này đi dài ngày anh em phải chuẩn bị hết sức chu đáo nghe”. Quay sang nhóm phóng viên, anh Tiến giải thích: “Gia đình của tôi, cha ông của tôi đã bấy nhiêu đời đi biển. Vô lẽ bây giờ chỉ vì lý do đó mà chúng tôi không vươn khơi nữa sao? Trái lại chúng tôi phải tiếp tục đi biển, đi liên tục, không đi thì còn gì là dân đi biển nữa”.
Tìm đến những gia đình có người thân đang lênh đênh trên biển cả, ai ai cũng một lòng động viên chồng con vươn khơi, bởi họ vững tin rằng chồng con của mình đang thực hiện nghĩa vụ rất thiêng liêng, khẳng định chủ quyền biển đảo. Chị Nguyễn Thị Hương vợ của thuyền viên Nguyễn Văn Huy cho hay. Suốt thời gian đi biển, anh đã gặp biết bao nhiêu chuyện, qua biết bao nhiêu cơn giông bão nhưng chưa bao giờ chị thấy nao núng vì chị biết rằng đã sinh ra từ biển thì nhất thiết phải bám biển. Vì vậy, bây giờ không có lý do gì để cản chồng của mình vươn khơi cả.
Tại xóm biển P. Xuân Hòa (Q.Thanh Khê), giữa trưa nắng những người phụ nữ vẫn tập trung tại nhà bà Trần Thị Hiệp (51 tuổi), nghe chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam. Bà Hiệp giải thích: “ Theo dõi thời sự suốt. Từ hôm ông nhà tôi đi đến nay tôi không bỏ sót một bản tin nào. Chồng con ra khơi, ai không lo lắng. Nhưng đã là phận biển nếu bỏ biển là có tội. Đói nghèo cũng bám biển mà giàu có cũng nhờ biển”. Bà Hiệp kể, chồng bà Hiệp là ngư dân Nguyễn Văn Dòn (52 tuổi) một ngư dân được nhiều người biết đến khi tập thể tàu cá của ông được trên khen thưởng vì có công cứu vớt những người gặp nạn, đó là đợt cứu 4 ngư dân người Trung Quốc vào năm 2008.
Câu chuyện biển cả kéo từng tốp phụ nữ lân cận kéo đến. Họ là những người vợ, người mẹ có chồng con, có người quen, có xóm giềng đang kiên cường bám biển. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng trăm ánh mắt đều có chung một niềm tự hào vì người thân của mình đã góp một phần không nhỏ vì chủ quyền biển đảo của đất nước. Ôi, những người dân rất đỗi hiền lành của xứ sở biển cả, thường ngày là chị buôn cá, bà nội trợ, phơi mực, chài lưới cục mịch, giản dị, mau nước mắt; nhưng khi sóng gió đến lại dậy lên ý chí “kiên cường- bất khuất- trung hậu- đảm đang”...
Văn Tuân- Đức Tú