Sóng gió vẫn khuấy đảo Vịnh Persian

Thứ ba, 16/07/2019 10:08

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt ngày 15-7 đánh giá các hành động của Iran “gây bất ổn nghiêm trọng”, nhưng bày tỏ mong muốn giảm căng thẳng ở Vịnh Persian.

Tàu tuần tra Royal Marine được nhìn thấy bên cạnh siêu tàu chở dầu Grace 1 của Iran trên lãnh thổ Gibraltar của Anh.   Ảnh: AP

Các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đang tìm cách giảm căng thẳng ở Vịnh Persian và kêu gọi Iran kiên định với thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), bất chấp việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt.

3 cường quốc Châu Âu chủ chốt là Pháp, Anh và Đức kêu gọi đối thoại và chấm dứt sự leo thang liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Tehran và Mỹ.

Vẫn chưa quá muộn

Trong tuyên bố ngày 15-7, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi Châu Âu phải đoàn kết trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời cho rằng, Tehran nên đảo ngược quyết định không tuân thủ một số điều khoản trong thỏa thuận lịch sử này. Phát biểu với báo giới tại cuộc họp của các ngoại trưởng Châu Âu ở Brussels (Bỉ), ông Le Drian nhận định, quyết định của Iran về hạn chế tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã ký với các cường quốc thế giới mà Mỹ tuyên bố rút khỏi hồi năm ngoái, là một “sự phản ứng tiêu cực đối với một quyết định tồi”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho rằng, vẫn còn thời gian để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân bất chấp Mỹ - hiện là đồng minh thân cận nhất của Anh - tuyên bố không đồng ý với cách thức xử lý cuộc khủng hoảng Iran. Ông Hunt đánh giá các hành động của Iran “gây bất ổn nghiêm trọng”, nhưng bày tỏ mong muốn giảm căng thẳng ở Vịnh Persian. Tại Hà Lan, Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok cũng cho rằng: “Vẫn chưa quá muộn, nhưng Iran phải thực sự kiên định với những nghĩa vụ của nước này”. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 13-7, ông Hunt cho biết, tàu chở dầu Grace 1 sẽ được thả sau khi có những đảm bảo về điểm đến của tàu này.

Tại cuộc họp thường kỳ hàng tháng, ngoại trưởng các nước thành viên EU cũng tăng cường ủng hộ hệ thống trao đổi trực tiếp thương mại giữa khối này với Tehran và đối phó hiệu quả các biện pháp trừng phạt của Washington.

Iran ra điều kiện đàm phán

Trong khi EU đang loay hoay tìm đường đi, Iran tiếp tục gia tăng áp lực lên các cường quốc này. Người phát ngôn Cơ quan hạt nhân Iran, ông Behrouz Kamalvandi ngày 15-7 cảnh báo Iran sẽ quay trở lại tình hình trước khi Tehran ký thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới, nếu các quốc gia Châu Âu không thực thi các nghĩa vụ của mình. Iran nhấn mạnh, các quốc gia Châu Âu phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo các lợi ích kinh tế mà Iran được nhận lại để đổi lấy việc hạn chế phát triển chương trình hạt nhân của mình theo thỏa thuận đã ký.

Quốc gia Hồi giáo cũng kiên quyết trong việc từ chối đàm phán với Mỹ. Căng thẳng tăng cao giữa hai đối thủ lâu năm kể từ năm ngoái khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt từng được dỡ bỏ theo thỏa thuận đối với Tehran. Đáp lại các đòn trừng phạt của Mỹ, đặc biệt nhằm vào nguồn thu nước ngoài chính của Iran từ hoạt động xuất khẩu dầu thô, Tehran hồi tháng 5 tuyên bố sẽ ngừng tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận. Bất chấp cảnh báo từ các nước Châu Âu tham gia ký thỏa thuận về việc tiếp tục tuân thủ đầy đủ JCPOA, Tehran dự trữ thêm uranium được làm giàu ở mức thấp nhiều hơn cho phép và bắt đầu làm giàu uranium tới độ tinh khiết cao hơn giới hạn 3,67% theo JCPOA.

Trong động thái mới nhất, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 15-7 tuyên bố Tehran sẵn sàng đàm phán với Mỹ nếu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và quay trở lại với JCPOA.  “Chúng tôi vẫn luôn tin tưởng vào đàm phán... Nếu họ dỡ bỏ trừng phạt, ngừng gây sức ép về kinh tế và quay trở lại thỏa thuận, chúng tôi sẵn sàng đàm phán với Mỹ ngay trong hôm nay, ngay lúc này và ở bất cứ đâu”, Tổng thống Rouhani nêu rõ.

KHẢ ANH