Sóng ngầm cầm đồ (3)

Thứ năm, 19/12/2013 09:45

* BÀI CUỐI: CẦN SIẾT CHẶT CÔNG TÁC QUẢN LÝ

(Cadn.com.vn) - Thực tế hiện nay ai cũng thấy, cũng biết mặt trái của dịch vụ cầm đồ (DVCĐ), song việc cấp phép, quản lý thì còn khá nhiều lỏng lẻo và kẽ hở. Việc các DVCĐ “xé rào”, không tuân thủ quy định, là môi trường thuận lợi để các TNXH như trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản... phát sinh, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT. Chưa có con số thống kê bao nhiêu phần trăm tài sản trộm cắp tiêu thụ tại các DVCĐ, song có cung ắt có cầu, nếu tài sản trộm cắp không tìm đến DVCĐ thì sẽ không có đất để tồn tại.

Theo điều tra của chúng tôi, hiện nay toàn địa bàn TP Đà Nẵng có 278 cơ sở đăng ký kinh doanh DVCĐ phân bổ ở tất cả các quận, huyện. Nhiều  nhất trong số này là Q. Thanh Khê (75 cơ sở), Q. Sơn Trà (65), Q. Liên Chiểu (46), Q. Hải Châu (36), Q. Cẩm Lệ (24), Q. Ngũ Hành Sơn (22) và H. Hòa Vang (10). Theo phân cấp quản lý, các cơ sở này được UBND TP Đà Nẵng và UBND cấp quận, huyện cấp phép hoạt động, chịu sự giám sát, kiểm tra về ANTT của lực lượng CA.

Hằng năm, lực lượng CA cấp quận, huyện và thành phố thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở này và có hình thức xử lý những sai phạm. Cụ thể, năm 2013, qua kiểm tra 278 cơ sở DVCĐ đã phát hiện, lập biên bản xử phạt hành chính 35 trường hợp với số tiền 58 triệu đồng. Trong số này, các lỗi vi phạm chủ yếu là: Không có hợp đồng cầm cố, tài sản cầm cố không chính chủ hoặc giấy ủy quyền, không thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định về ANTT...

Tang vật thu giữ của đối tượng trộm cắp tài sản mang đến cắm tại tiệm cầm đồ.

Nhiều lần đi cùng lực lượng CA kiểm tra hoạt động kinh doanh cầm đồ tại Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy rằng, các chế tài áp dụng, quản lý đối với dịch vụ này còn khá lỏng lẻo. Cụ thể, DVCĐ được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, được quản lý theo Thông tư 33/2010/TT-BCA của Bộ CA và Nghị định 72/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Điều bất cập và kẽ hở là DVCĐ chưa có quy định mức lãi suất cho vay là bao nhiêu phần trăm. Chính vì lý do này mà các tiệm cho vay tùy theo thỏa thuận miệng với khách, chỉ ghi vào hợp đồng giá trị phần trăm thấp hoặc không ghi để đối phó với cơ quan chức năng. Cho vay lãi suất càng cao thì chủ tiệm càng lợi, thứ nhất là số tiền lời nhiều, thứ hai là khả năng khách sẽ không lấy lại tài sản thế chấp.

Một chủ tiệm có thâm niên trong nghề cầm đồ ở Đà Nẵng tiết lộ, thường những ai kẹt tiền rất dễ nhận biết, đó là họ đưa ra mức giá cho món hàng khá cao. Để “thử” khách thì chủ tiệm thường tỏ ý chê bai món hàng để ép giá xuống. Nếu khách vẫn nài nỉ thì sẽ biết ngay đó thường là người thua bài bạc hay cá độ đá bóng. Những trường hợp này khả năng đến lấy lại hàng rất ít vì bị ép lãi suất cao hơn rất nhiều số tiền nhận được. Số hàng này chủ tiệm sẽ thanh lý để thu hồi vốn. Và chính ở tâm lý này mà nhiều tiệm cầm đồ “ngoảnh mặt làm ngơ” khi có kẻ gian vào cầm xe máy hay laptop.

Tại điểm i, điều 6, chương 2, Thông tư 33/2010/TT-BCA có quy định cụ thể đối với DVCĐ là: Khi thực hiện DVCĐ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình CMND hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở. Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu. Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có phải thông báo ngay với cơ quan CA có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

Cơ quan CATP Đà Nẵng bắt giữ 2 đối tượng chuyện trộm cắp tài sản
mang đến cắm tại tiệm cầm đồ.

Quy định là vậy, song hầu hết các chủ tiệm cầm đồ đều tìm cách lách luật, nhất là việc xác định hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp, sau khi gây án, các đối tượng trộm cắp, cướp giật mang tài sản đến tiệm cầm đồ tiêu thụ. Mới đây, Đội Cảnh sát Chống cướp giật và các loại tội phạm khác thuộc Phòng CSBV&CĐ CATP Đà Nẵng bắt giữ Nguyễn Phước Tân (1997, trú Q. Liên Chiểu) và Nguyễn Văn Nhật (1996, trú, Q. Thanh Khê) gây ra hàng loạt vụ trộm, chiếm đoạt nhiều tài sản có giá trị như: ĐTDĐ, đồng hồ đeo tay, tiền...  Cả hai khai với cơ quan CA là sau khi đột kích vào 12 nhà dân lấy tài sản đã mang  2 ĐTDĐ đến hiệu cầm đồ Thành Đồng và Kim Linh  cầm được 1.270.000 đồng, 1 ĐTDĐ Iphone 3S đến tiệm cầm đồ Kim Tuyền cắm 1 triệu đồng. Khám xét tư trang, cơ quan CA thu giữ của Tân và Nhật 6 ĐTDĐ, 988.500 đồng, 12USD và 3 biên lai cầm đồ của Cửa hàng cầm đồ Kim Linh, Kim Tuyền và Thành Đồng.

Qua thực tế thu thập tư liệu cho loạt bài viết này, chúng tôi nhận thấy, DVCĐ đã và đang tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho xã hội. Đã đến lúc các cơ quan bảo vệ pháp luật có chế tài quy định cụ thể để dịch vụ này hoạt động đúng định hướng. Thêm nữa, lực lượng CA các cấp cũng phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát để hướng hoạt động cầm đồ theo lối tích cực, lành mạnh, đúng quy định pháp luật.

Phóng sự: Hà Dung - Nguyên Thảo