Sống sót và trở về sau 46 năm vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ
(Cadn.com.vn) - Người dân Quảng Ngãi không bao giờ quên vụ thảm sát kinh hoàng Khánh Giang - Trường Lệ (ở xã Hành Tín Đông, H. Nghĩa Hành) xảy ra ngày 17 và 18-4-1969: một đơn vị quân đội Mỹ mang tên Mãnh Hổ giết hại 64 người già, phụ nữ và trẻ em. Và 46 năm sau, điều kỳ diệu xảy ra, một người có tên trong danh sách bị sát hại đã sống sót và trở về, thêm nhân chứng tố cáo sự tàn ác do quân đội Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh.
Ký ức kinh hoàng
Những ngày qua, đôi chân của anh Nguyễn Sang (53 tuổi), không biết mệt mỏi khi suốt ngày dạo khắp 2 thôn Khánh Giang - Trường Lệ, vùng đất quê hương sau 46 năm tưởng chừng sẽ không tìm lại được. Cái tên Nguyễn Sang vẫn còn khắc rành rành trên bia tưởng niệm cùng 63 nạn nhân khác bị sát hại tại Khu di tích Khánh Giang - Trường Lệ. Câu chuyện Nguyễn Sang sống sót trở về trong vụ thảm sát 46 năm trước đã làm cho người dân trong xã tìm đến chia vui cùng gia đình. Thông qua chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài Truyền hình Việt Nam, anh Sang tìm được quê hương của mình sau 46 năm lưu lạc.
Ngồi bên bia tưởng niệm trong Khu di tích Khánh Giang - Trường Lệ, anh Sang kể lại. Một ngày kinh hoàng đó, lính Mỹ ùa vào ngôi làng của anh. Khi đó anh còn rất nhỏ, đang ở nhà với bà nội và em gái tên Liễu. Sau khi đốt phá nhà cửa, giết trâu bò, heo, lính Mỹ dồn dân, chủ yếu là người già và trẻ em vào một chỗ. Tầm 15 giờ, chúng bắt đầu nổ súng vào dân làng. Trong tiếng thét của mọi người, anh Sang thấy bà nội dang tay ôm lấy anh em anh, rồi sau đó mọi người đều ngã nhào xuống đất. Quá sợ hãi, cậu bé Sang ngất đi không hay biết gì nữa. Một lúc sau, Sang tỉnh lại, nhìn quanh đống xác người và nghe tiếng rên của bé Liễu do bị thương ở tay, máu ra nhiều. Cùng lúc đó, anh Sang thấy trong đống xác người có một người lớn tuổi hơn anh, thân hình cũng đầy máu - mà bây giờ anh nhớ lại là chị Nguyễn Thị Đa, cũng là một người làng sống sót được phát hiện ngay sau vụ thảm sát. Chị Đa, nói: “Này em, mình cùng chạy qua mé đồi lên núi Lớn, biết đâu sẽ có người lớn cứu”.
Dù muốn đi theo chị hàng xóm để trốn thoát nhưng vì thương bà nội và em Liễu nên Sang không đi. Cả đêm hôm đó, Sang nằm trong đống xác chết với em gái, còn bà nội Sang tắt thở ngay trong đêm.
Anh Sang (giữa) hội ngộ cùng người thân sau 46 năm. |
Sáng hôm sau, thấy Liễu khát nước nên Sang nhặt một mảnh sành từ bát vỡ đi tìm nước cho em. Khi Sang vừa lồm cồm định đứng dậy thì thấy bọn lính Mỹ lại kéo đến. Sang nhanh trí nằm xuống lại cạnh những xác chết nhưng bị bọn chúng phát hiện. Chúng nắm tay cậu bé đang vô cùng sợ hãi lôi lên rồi dẫn về căn cứ. Chiều hôm đó, chúng đưa Sang lên máy bay trực thăng về Sân bay Gò Hội dưới quận lỵ Đức Phổ rồi đưa vào Núi Vàng.
Khoảng 1 tuần sau, bọn Mỹ đưa Sang vào một cô nhi viện ở Đức Phổ. Vào cô nhi viện, anh được đặt tên là Lý Chí Hùng. Cô nhi viện này tồn tại được vài năm thì chuyển vào Vũng Tàu. Sau ngày giải phóng năm 1975, Sang được chuyển đến một cô nhi viện khác của một cha xứ người Pháp. Một năm sau, cha xứ về Pháp, cô nhi viện này tự tan rã. Từ đây, Sang bắt đầu cuộc đời lang thang. Cậu bé mồ côi đi ở cho các gia đình giàu có ở Ấp Đông, xã Hòa Long, TP Bà Rịa, hết chăn bò rồi làm thuê bốc vác cho nhiều ông chủ ở thôn. Thương chàng thanh niên mồ côi hiền lành, chăm chỉ mà tứ cố vô thân, một chủ nhà tốt bụng đã gả con gái cho anh, rồi cho đất cất nhà. Cuộc đời anh ấm áp hơn từ đó. Cho đến giờ vợ chồng anh đã có 2 con.
Đau đáu tìm quê
Anh Sang tâm sự: 46 năm thất lạc cũng là chừng ấy thời gian anh luôn khát khao, mong ước tìm lại được mẹ cha, quê hương nhưng trong ký ức của một đứa trẻ 8 tuổi không nhớ được nhiều, chỉ biết được là mình thoát chết trong một vụ thảm sát, nhớ tên bà, tên mẹ, tên cha và tên em gái. Qua xem truyền hình nói về vụ thảm sát Sơn Mỹ, năm 1989 anh đã tìm về xã Tịnh Khê, H. Sơn Tịnh, Quảng Ngãi để tìm mẹ nhưng không ai hay biết. Dù lặn lội gặp rất nhiều người ở địa phương này nhưng không ai biết những cái tên cha, mẹ, em gái của Sang. Sau khi tiêu tốn hết tiền lộ phí, Sơn lại quay về Vũng Tàu tiếp tục làm thuê để dành tiền cho cuộc đi tìm lần sau.
Cách đây 5 năm, xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài truyền hình Việt Nam, anh đã viết thư nhờ chương trình tìm kiếm hộ người thân. Thời gian cứ thế trôi qua trong nỗi khát khao mong đợi, cho đến một ngày, người của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” thông báo đã tìm được gốc gác, quê hương xứ sở và hẹn anh ngày gặp, anh có cảm giác tim mình muốn nổ tung lồng ngực.
Nhanh chóng thu xếp công việc, vợ chồng, con cái thuê xe xuống TPHCM để gặp người thân. Sau 46 năm lưu lạc, ngày 17-4-2015, Sang đã trở về quê hương… và điều khiến anh đau đớn nhất là mẹ anh đã mất cách đây 3 năm, đem theo nỗi nhớ thương khôn nguôi đứa con trai bé bỏng bị thất lạc từ năm 1969.
Anh Sang kể lại, sau khi Đài Truyền hình Việt Nam có chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đưa một số thông tin ít ỏi người thân của anh như cha tên Tặc, mẹ tên Thừa, em gái tên Liễu. Trong một vụ lính Mỹ xả súng vào dân thường, bà nội và em Liễu bị thương, anh bị lính Mỹ đưa đi. Tình cờ, chị Lê Tha Mân (chị con dì với anh Sang), đang sống ở TP HCM xem được thông tin từ chương trình. Vừa nghe tin này, chị Mân vội gọi điện cho người thân ở quê và ai nấy đều vui mừng xác định đây chính là Nguyễn Sang và họ đã lập tức liên hệ với chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”.
Bà Trần Thị Đa, một trong những người thoát trong vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ, người đã từng đi nhiều nước trên thế giới để tố cáo tội ác của giặc Mỹ kể lại: Ngày 16-4-1969, một đơn vị lính Mỹ (sau này được biết có tên gọi là Tiger Force - Mãnh Hổ) đổ quân vào xã Hành Tín Đông gây nên cuộc thảm sát kinh hoàng. Lúc này những người lớn, thanh niên ẩn trú trên núi, trong làng chỉ còn người già, trẻ con. Không ngờ, lính Mỹ tàn ác dồn người già, trẻ con trong làng sát hại. Sau khi bọn Mỹ rút quân, người dân tìm kiếm, xác định có 64 người dân vô tội bị sát hại.
Trong 64 người đó, một số thi thể nhận dạng được thì chôn riêng, những thi thể bị cháy đen, lẫn lộn, không nhận dạng được thì chôn thành những mộ tập thể. Đối với Sang, dân làng nghĩ rằng thi thể cậu bé nằm trong những ngôi mộ tập thể ấy và họ đã khắc tên cậu vào bia tưởng niệm. 46 năm sau, cậu bé năm xưa lại trở về để một lần nữa tố cáo tội ác do đế quốc Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam.
T. Sự