Sống thon thót trong những căn nhà chờ sập (Kỳ 2: Ở thì nơm nớp, đi thì không xong?)
Biết ở là nguy hiểm, biết chủ trương của thành phố là đúng, nhưng trong số hàng trăm hộ dân đã sống trong các chung cư, nhà tập thể xuống cấp mấy chục năm thì chỉ mới có hơn chục hộ dân di dời đến một chung cư mà thành phố mới xây dựng để tiếp nhận, bố trí tái định cư tại 201 Đống Đa. Nguyên nhân khiến họ cố bám trụ vẫn là sinh kế và bất cập rất lớn trong sinh hoạt tại nơi ở mới.
Khu chung cư 201 Đống Đa dùng để bố trí cho các hộ cần di dời, tái định cư có 108 căn hộ nhưng hiện tại chỉ mới có hơn chục hộ về ở. |
Một trong những lý do khiến phần lớn trong tổng số 140 hộ dân tại các khu chung cư, nhà tập thể xuống cấp chây ì trong việc di dời khỏi những căn nhà nguy hiểm để nhận đất tái định cư vào thời điểm trước đây là công ăn việc làm của người lớn, chuyện học hành của con cái, khám chữa bệnh của người già. Vào thời điểm cách đây 5 năm, nhiều hộ được bố trí mua đất theo giá nhà nước ở khu vực Hòa Xuân (Cẩm Lệ) hay Hòa Minh (Liên Chiểu), nhưng do thấy đường đi lại quá xa, bất tiện nhiều thứ nên các hộ không nhận đất. Một số khác thì không huy động đủ tiền để mua, còn nữa thì có số mua xong rồi lại bán đi vì nhiều mục đích. Bây giờ ngoảnh lại, giá đất ở những nơi trước đây họ từ chối đã tăng chóng mặt, dân cư đông đúc thì cơ hội đã qua đi. Có người đã kiến tạo được cuộc sống mới trong khi đa phần bám trụ trong tiếc nuối. Bà Phạm Thị Hương - hộ dân sống tại khu tập thể 340 Phan Châu Trinh tâm sự: "Cũng vì quá túng bấn, nợ nần lãi suất vay mua nhiều quá mà tôi phải bán. Hồi đó được mua lô đất ở Hòa Minh, nhà nước hỗ trợ, mình vay ngân hàng một ít thôi. Nhưng cộng với bệnh tật thường xuyên nên rồi phải bán đi. Biết ở trong nhà xuống cấp ri nguy hiểm lắm, nhưng không biết làm sao".
Đã bao năm thấm thía cái cảnh nắng thì nóng như miệng lò, mưa thì thấm dột, nhưng lại không được phép cải tạo, chị Ngô Thị Thúy Minh (khu nhà tập thể 52 Lê Lai) nói cũng ngán lắm việc lén lén lút lút che đậy, ngăn nhà, chống thấm. Nhưng 60m2 sàn cũng đủ co kéo chuyện ăn ở, vệ sinh, dù rằng con cái có chuyện gì vui cũng chẳng dám chạy nhảy trong căn nhà "nguy hiểm cấp độ D". Gia đình chị vừa thuộc diện thoát nghèo, được tuyên dương trong việc làm ăn, cải thiện kinh tế gia đình. Vui đó nhưng cũng lo đó, cơ quan chức năng nói sẽ xử lý kiểm định, di dời gia đình khỏi căn hộ nguy hiểm trước mùa mưa năm nay, nhưng giờ sắp hết năm rồi cũng chưa có ai tới kiểm định, đánh giá lại. Gần đây, Sở Xây dựng, UBND Q. Hải Châu đưa đi xem căn hộ thuộc chung cư 201 Đống Đa dùng để bố trí tái định cư cho các hộ dân di dời khỏi các khu nhà xuống cấp, chị tá hỏa vì "căn hộ" chỉ hơn 30m2, bước vô thấy cái bếp và cái toilet và căn phòng trống trơn, giống như một cái phòng cho thuê không hơn không kém. "Tôi nghĩ không ra 8 con người trong gia đình tôi mà về đó thì ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ như răng. Nói cho có trước có sau, chúng tôi cũng ủng hộ chủ trương thành phố, nhưng mà đến một nơi mà những điều tối thiểu như vệ sinh cá nhân cũng khó thì làm sao mà ở", chị Minh tâm sự. Cùng quan điểm với chị Minh, ông T. một người dân đang sinh sống tại khu nhà tập thể 80 Hùng Vương cho rằng, hầu hết người dân đồng tình với chủ trương của thành phố. Tuy nhiên bố trí tái định cư cho các đối tượng liên quan cần có sự hợp lý để người dân có môi trường sống, sinh kế tốt hơn. Việc di dời từ một nơi xuống cấp về một nơi chật chội cũng là lý do khiến nhiều người thấy không thỏa đáng nên chủ trương này kéo dài trong một thời gian mà chưa xong.
Khu chung cư 12 tầng có 108 căn hộ nhưng tầng hầm để xe chỉ chứa được khoảng hơn 100 xe máy. Nếu ở đủ, mỗi hộ chỉ có 2 xe máy thôi thì sẽ "vỡ trận". |
Vào tầng hầm chung cư 201 Đống Đa, chưa kịp dựng xe thì tôi bị bảo vệ nhắc nhở là nếu đi thăm người thân thì lần sau tìm nơi khác để xe, vì nhà xe quá nhỏ. Quá ngạc nhiên vì tòa nhà 12 tầng với 108 căn hộ nhưng mới chỉ tiếp nhận trên dưới 10 hộ giải tỏa, di dời về đây đã sợ chật nhà để xe. Giả dụ người ta đồng ý về đây hết, trung bình mỗi nhà có khoảng 2 chiếc xe máy thì để vào đâu?
-Anh hỏi tôi, giờ tôi hỏi ai? Tòa nhà như cái hình thang, cổng ra rộng được có mấy mét, nhà xe chưa bằng cái vườn biệt thự người ta thì xe máy để vào đâu làm răng tôi biết được", một hộ dân là cán bộ hưu trí được bố trí tái định cư tại đây bực dọc, yêu cầu giấu tên.
Theo người này, gia đình ông thuộc diện tái định cư tại chỗ, được thành phố bố trí thuê lại căn hộ 53m2 với giá hơn 2 triệu đồng/tháng. Số căn có diện tích như thế này không nhiều. Chung cư hơn 100 căn hộ nhưng hầu hết chỉ khoảng 31-35m2, nhìn chỉ ngang một phòng trọ bình thường. Với hơn 50m2, nhiều gia đình có 2-3 thế hệ cũng đã quá khó khăn trong việc bố trí phòng ốc ngủ, co kéo cho phòng khách, bếp, khu vệ sinh, nhiều gia đình phải có người ngủ ở phòng khách. Còn lại, những hộ đã nhận phòng có diện tích chỉ hơn 30m2 thì nhìn rất cám cảnh. Khi ông dẫn chúng tôi tới một gia đình sống trong căn hộ trong diện này, chủ nhà yêu cầu không được chụp ảnh vì trông không giống một căn hộ. Bước chân vào là đụng ngay chiếc võng cho đứa trẻ nhỏ nằm gần bếp, cạnh nhà vệ sinh; dưới nền nhà là một đứa trẻ khác đang tuổi ăn tuổi lớn. Thêm vài bước chân, chủ nhà ngăn đôi một diện tích sàn để chế thành 2 "phòng ngủ" cho 1 người già và 1 cặp vợ chồng , mỗi phòng khoảng 5m2. Nói không ngoa, phía bên này thở thôi thì bên kia cũng nghe thấy, co trở cũng phải dè chừng. Nhưng phải chấp nhận chứ chẳng lẽ để cái phòng trống trơn rồi mỗi người ngủ một góc? Gia đình có 3 thế hệ với 5 người "cựa quậy" trong căn phòng hơn 30m2. Chúng tôi hỏi chuyện thì chủ nhà phất tay, bảo nhìn như thế là thấy hết rồi, khỏi cần nói nữa. Các hộ gia đình đã chuyển về đây ở khi được hỏi thì hầu hết mong cơ quan chức năng sớm khắc phục bất cập quá lớn này, mà phương án khả dĩ nhất là cứ biến 2 phòng liền kề có diện tích hơn 30m2 thành một căn hộ thì mới có thể đảm bảo được sinh hoạt tối thiểu cho người dân.
Gia đình chị Minh có 3 thế hệ với 8 người ở trong nhà tập thể 60m2 xuống cấp nhưng không dám chuyển về căn hộ tái định cư hơn 30m2. |
Được biết, khu chung cư này do Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng tư vấn lập dự án và thiết kế kỹ thuật thi công; Cty CP Hòa Phước làm nhà thầu xây lắp. Tổng gói thầu công trình gần 46 tỷ đồng với tổng diện tích sàn 5.910m2, gồm 12 tầng với 108 căn hộ. Trong đó, mỗi tầng có 10 căn, riêng tầng 2 có 8 căn. Mỗi tầng có 2 căn diện tích 55m2, còn lại chỉ hơn 30m2. Vào năm 2016, qua kiểm tra thực tế tại hiện trường thi công của chung cư này, Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng nhận thấy có khá nhiều bất cập trong thiết kế như lối đi hành lang quá nhỏ, các căn hộ loại 35m2 quá chật, công năng sử dụng không phù hợp, không có cách ngăn giữa phòng ngủ và phòng khách gây bất tiện trong sinh hoạt. Cạnh đó vị trí cửa chính của các căn hộ đối diện bố trí đụng nhau chưa hợp lý, khu vực nhà để xe nhỏ không đảm bảo nhu cầu sử dụng. Lãnh đạo Ban Đô thị lúc đó đã đề nghị lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng nghiên cứu khắc phục những bất cập này nhưng cho đến nay, người dân khi nhận căn hộ tái định cư vẫn dở khóc dở cười.
"Nói thật với anh, đây có lẽ là sai lầm từ khi thiết kế, từng được Ban Đô thị của HĐND thành phố ghi nhận ngay từ ban đầu nhưng không hiểu sao gạo vẫn nấu thành cơm. Thời gian qua thành phố quá nhiều việc nên chúng tôi chưa kiến nghị, nhưng rồi đây phải có tiếng nói để chính quyền và ngành chức năng xem xét lại nhiều vấn đề đối với chung cư này, nơi mà lãnh đạo đã đặt nhiều kỳ vọng trong việc bố trí tái định cư cho người dân khi giải tỏa các khu nhà ổ chuột", một vị hưu trí sống tại đây tâm sự.
C.K
Kỳ cuối: Nan giải bài toán di dời - tái định cư