Sống thon thót trong những căn nhà chờ sập (Kỳ cuối: Nan giải bài toán di dời - tái định cư)
Dù thành phố đã có nhiều chủ trương hợp lý, Sở Xây dựng, UBND quận Hải Châu, Thanh Khê đã quyết liệt trong công tác vận động nhưng việc giải bài toán di dời - tái định cư cho các hộ dân đang sống trong những khu tập thể xuống cấp vẫn chưa thể dứt điểm. Làm sao để giải quyết hài hòa quyền lợi của người dân và không làm trái các quy định của nhà nước vẫn còn là câu chuyện nan giải.
Trần nhà một khu chung cư bị tách ra, lòi sắt dầm nghiêm trọng nhưng không dám chuyển về căn hộ tái định cư hơn 30m2. |
Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thực trạng là các khu tập thể có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, không chỉ ảnh hưởng tới người dân, mà còn nhếch nhác, mất mĩ quan đô thị. Tại đây không đảm bảo các yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy, rất nguy hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra. Chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân ra khỏi các khu tập thể xuống cấp rất được UBND TP Đà Nẵng quan tâm, ban hành nhiều văn bản với chủ trương, điều kiện hợp lý nhưng một số hộ chưa chấp hành, đòi hỏi quyền lợi không phù hợp. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những vướng mắc, bất cập trong thực tế đã ảnh hưởng đến tiến độ giải bài toán này.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Trưởng Phòng Quản lý nhà, Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà (Sở Xây dựng TP Đà Nẵng) cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 25 khu tập thể đã có kết quả kiểm định cấp nguy hiểm của cơ quan chức năng. Hiện đã di dời được khu số 10 Trần Bình Trọng với 12 hộ và K30 Bạch Đằng với 8 hộ. Còn lại 23 khu tập thể với tổng số 140 hộ dân chưa di dời. Theo bà Nguyệt, các hộ còn lại không đồng ý nhận bố trí thuê chung cư với lý do cả đời họ đã ở chung cư, có nguyện vọng được có mảnh đất để ổn định cuộc sống, cho con cái sau này. Đối với các hộ mặt tiền tầng trệt các khu chung cư cũ, hầu hết các hộ đề nghị bố trí đất tại quận Hải Châu, Thanh Khê gần trung tâm thành phố. Ngoài mức hỗ trợ đền bù theo quy định, các hộ còn đề nghị hỗ trợ thêm để có sinh kế cho cuộc sống mới. Một số hộ khác xin được mua lại khu tập thể xuống cấp và cam kết cải tạo, xây dựng lại theo quy hoạch của UBND thành phố.
Đề cập đến những bất cập tại khu chung cư tái định cư 201 Đống Đa, bà Nguyệt cho rằng, đây là khu chung cư thuộc sở hữu nhà nước được xây dựng mới nhất, được trang bị hệ thống thang máy, hệ thống báo cháy hiện đại. UBND thành phố có chủ trương sử dụng khu chung cư này dùng để bố trí các hộ giải tỏa Trung tâm Thương mại chợ Cồn và các khu tập thể xuống cấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Diện tích căn hộ tại 201 Đống Đa là khoảng 31m2.
Riêng các hộ đã nhận đất theo diện chính sách nhưng đã bán đi và vẫn còn ở trong chung cư cũ, hiện nay Hội đồng Bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư Q. Hải Châu đang vận động thuyết phục các hộ di dời, bố trí thuê (thuê tạm) tại chung cư 201 Đống Đa. "Hiện nay, việc di dời các khu tập thể xuống cấp do Hội đồng Bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư 2 quận Hải Châu, Thanh Khê thực hiện. Trong trường hợp các hộ không thống nhất, Hội đồng sẽ xử lý hành chính theo chủ trương của UBND thành phố", bà Nguyệt cho hay.
Một trong 25 khu chung cư xuống cấp cần di dời của Đà Nẵng. |
Lý giải về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận động di dời, bà Nguyệt cho biết, theo Điều 118 của Luật Đất đai năm 2013, việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân đều phải thông qua đấu giá. Cạnh đó, việc này cũng phải tuân thủ Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Cụ thể, Khoản 2, Điều 14 của Nghị định này quy định: khi thu hồi nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thì được thuê nhà ở tại nơi tái định cư, trường hợp không có nhà tái định cư để bối trí thì được hỗ trợ bằng tiền để tự lo chỗ ở mới, mức hỗ trợ bằng 60% giá trị đất và 60% giá trị nhà đang thuê. "Vì vậy, việc bố trí đất tái định cư cho các hộ đang sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước là không đúng quy định theo Luật Đất đai năm 2013", bà Nguyệt lý giải.
Về phương án giải bài toán này, Trưởng phòng Quản lý nhà - Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà cho hay, mới đây nhất, vào ngày 22-8, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành công văn số 5739/UBND-SXD giao UBND Q. Hải Châu tiếp tục vận động người dân di dời các hộ dân tại 8 Khu tập thể xuống cấp có cấp nguy hiểm là cấp D và ký hợp đồng thuê tại chung cư 201 Đống Đa theo chủ trương. Trường hợp các hộ không chấp hành thì giao UBND Q. Hải Châu thực hiện cưỡng chế hành chính theo quy định.
Phóng sự: Công Khanh
* Danh sách 23 khu tập thể xuống cấp còn lại cần di dời của thành phố Đà Nẵng gồm:50-52 Lê Lai, 52 Trần Quốc Toản, 87 Lê Lai, 05 Nguyễn Thái Học, 80 Hùng Vương, 37 Yên Bái, K340 Phan Châu Trinh, 42 Trần Kế Xương, 03 Nguyễn Thái Học, 57 Hùng Vương, 35 Hoàng Diệu, 158B Lê Lợi, 76 Trần Phú, 67 (69A cũ) Trần Phú, 28-30 Hùng Vương, 22 Lý Thái Tổ, 48 Lý Thái Tổ, 09 Trần Phú, 346-348 Phan Châu Trinh,104 Lý Thái Tổ, 110 Lý Thái Tổ, 110 Ông Ích Khiêm, 324 Hùng Vương, 25 Hùng Vương. |