Sóng trước chưa qua…

Thứ năm, 15/11/2018 13:05

Cuối cùng, sau 872 ngày kể từ khi Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, các nhà đàm phán của hai bên đã đạt được một dự thảo thỏa thuận.

Theo kênh truyền hình RTE của Ireland, Anh và EU đã nhất trí về một văn kiện về vấn đề biên giới giữa Anh và Ireland hậu Brexit. Văn bản này bao gồm một “chốt chặn” sẽ được thiết lập dưới dạng một thỏa thuận thuế quan tạm thời trên toàn vương quốc này. Thỏa thuận chứa đựng những điều khoản đặc biệt đối với Bắc Ireland, theo đó đi sâu vào các vấn đề thuế quan và phù hợp với các luật lệ của thị trường đơn nhất, hơn là với phần còn lại của nước Anh. Văn bản này cũng sẽ bao gồm một cơ chế xem xét lại.

Đây được coi là bước đột phá lớn trong suốt nhiều năm đàm phán giữa hai bên, và chính nó phần nào giảm gánh nặng to lớn cho Thủ tướng Theresa May – nhà lãnh đạo đã nỗ lực hết sức để tránh một kịch bản Brexit “không thỏa thuận”- tức là Brexit cứng với hệ quả chắc chắn là sẽ vô cùng rối loạn. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, nhiệm vụ của bà May giờ đây đã dần kết thúc, mà nó còn lớn hơn rất nhiều. Bởi thực tế cho thấy, chính dự thảo thỏa thuận trên đã đẩy Thủ tướng May vào một trận chiến nguy hiểm đối với Brexit, vốn có thể định hình sự thịnh vượng của đất nước bà cho các thế hệ mai sau.

Nhiệm vụ trước mắt của bà là thuyết phục các thành viên Nội các “ban phước lành” cho thỏa thuận này. Nhưng thật không may cho bà May, đó mới là vấn đề đau đầu nhất. Nội các của bà bắt đầu nhóm họp vào chiều 14-11 (giờ địa phương) để bàn về dự thảo thỏa thuận này. Nhưng vấn đề là, bà May cũng không thể nắm chắc sự ủng hộ từ những tiếng nói cứng rắn với Brexit trong Nội các.

Bởi từ lâu, ai cũng thấy rõ vấn đề lớn nhất mà Thủ tướng May có thể phải đối mặt là thực tế chính trị ở London. Rất ít thành viên Nội các ủng hộ kế hoạch Brexit của bà. Vì vậy, cơ hội để Nội các của bà thông qua dự thảo thỏa thuận này gần như không nhiều. Và nếu thất bại, bà có khả năng phải trở về Brussels để đàm phán lại. Và thậm chí đã có những dự đoán vị nữ thủ tướng này phải ra đi vì sự quay lưng hay nổi giận của Nội các với dự thảo thỏa thuận trên. Ưu tiên của đảng Lao động đối lập là hạ gục chính phủ của bà May và buộc đi đến một cuộc bầu cử, vì vậy đảng này hầu như bỏ phiếu chống lại thỏa thuận này.

Sau đó là có đảng Dân chủ Liên hiệp Bắc Ireland (DUP), vốn hiện có 10 nghị sĩ ủng hộ chính phủ của bà May. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tiên, DUP đã kiên quyết bất kỳ thỏa thuận nào làm suy yếu vị trí của Bắc Ireland như một phần của Vương quốc Anh sẽ dẫn đến việc họ bỏ phiếu chống lại Thủ tướng May.

THANH VĂN