Sự ích kỷ lạc lõng

Thứ hai, 02/12/2013 10:08

(Cadn.com.vn) - Những năm qua, TP Đà Nẵng luôn được biết đến như một hiện tượng, điểm sáng của cả nước bởi sự chuyển mình thay đổi diện mạo, phát triển đô thị văn minh, hiện đại và đậm tính nhân văn về chính sách an sinh xã hội. Làm nên dấu ấn đó, bên cạnh chủ trương, chính sách quyết liệt, sáng tạo, phù hợp thực tiễn của các cấp Đảng bộ, chính quyền, còn có sự cổ vũ to lớn, đồng thuận, đồng tâm chung tay góp sức của mỗi người dân thành phố. Trên con tàu chở đầy kỳ vọng, niềm tự hào của gần một triệu người dân ấy, đáng tiếc lại có những người chỉ vì sự ích kỷ, chăm chăm thu vén lợi ích cá nhân đã cố tình quay lưng lại, thậm chí, nhân danh quyền tự do dân chủ để khiếu kiện và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, tạo hình ảnh xấu trong mắt cộng đồng, gây mất ANTT trên địa bàn.

Phạm Văn Hạ (1954, quê Ninh Bình, hiện trú tổ 57, P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) là một trong những người cá biệt như vậy. Với mục đích chỉnh trang đô thị, xây dựng khu công viên văn hóa tâm linh, xử lý ô nhiễm môi trường do sản xuất, UBND TP phê duyệt đề án quy hoạch và triển khai dự án làng đá mỹ nghệ Non Nước. Đây là dự án, công trình trọng điểm của thành phố được ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ trong năm 2013. Ngày 17-10-2010, UBND Q. Ngũ Hành Sơn có quyết định thu hồi đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án.

Đến nay, đã có 221/222 hộ dân nằm trong vùng dự án đã đồng thuận thực hiện bàn giao mặt bằng, trong khi chỉ mỗi hộ ông Hạ và vợ là Trần Thị Lợi lại cố tình không chấp hành. Vợ chồng ông Hạ kiên quyết nhiều lần cản trở, ngăn không cho đơn vị chức năng tiến hành kiểm định, đo đạc, xác minh mốc giới 2.646,4m2 đất của ông Hạ và bà Lợi đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)  và 849,5m2 đất lấn chiếm, nằm ngoài GCNQSDĐ. Mặc dù các đơn, thư khiếu nại của ông Hạ đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật nhưng ông vẫn bất chấp đúng sai, vì lợi ích cá nhân đi ngược lại lợi ích cộng đồng, cố tình khiếu nại kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án và gây mất ANTT địa bàn.

Tương tự, đối với dự án khu phố chợ Hòa Hải mở rộng. Ngày 16-7-2010, UBND TP có quyết định thu hồi hơn 2.026m2 đất tại thửa số 83, tờ bản đồ 112 do UBND P. Hòa Hải quản lý, trong đó, có 7 hộ đang sử dụng để sản xuất. Nhận thức đây là chủ trương đúng đắn của thành phố, 6 hộ dân sử dụng phần đất nói trên đã chấp hành, nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng, chỉ có hộ bà Trần Thị Lợi (sử dụng 470m2) là không chấp hành. Dù đã được UBND TP giải quyết theo đúng quy định Luật Khiếu nại, tố cáo, kể cả đền bù thỏa đáng nhưng ông Hạ (đại diện cho bà Lợi) vẫn tiếp tục khởi kiện đến TAND TP và TAND Tối cao tại Đà Nẵng. Qua các phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, cả hai cấp tòa đều tuyên đơn khởi kiện của ông Hạ không có cơ sở và bác kháng cáo.

Trong tổng số 222 hộ dân vùng dự án làng đá mỹ nghệ Non Nước,
duy nhất hộ ông Hạ-bà Lợi cản trở, không chịu di dời giải tỏa.

Trước việc ông Hạ liên tục khiếu nại, khiếu kiện, các cơ quan thẩm quyền từ thành phố đến quận sử dụng đồng bộ các biện pháp từ giải quyết nội dung khiếu nại đúng luật cho đến vận động, thuyết phục, kể cả đưa ra kiểm điểm trước dân và xử lý vi phạm theo pháp luật, song ông Hạ vẫn bất chấp, cực đoan, ngoan cố không chấp hành chủ trương chính sách giải tỏa đền bù. Nghiêm trọng hơn, ông Hạ còn có những hành động chống đối ngày càng phức tạp, mất ANTT.

Từ tháng 8-2011, ông Hạ còn lôi kéo, xúi giục các hộ dân trong diện giải tỏa đền bù trên địa bàn quận làm đơn khiếu nại, tố cáo. Ông Hạ tự soạn thảo các đơn khiếu nại tố cáo nhiều trường hợp, sau đó in sao nhiều bản, đưa họ ký tên, điểm chỉ rồi gửi đến các cơ quan từ T.Ư đến địa phương, đồng thời, lôi kéo, xúi giục ông Lê Văn Dũng, bà Huỳnh Thị Thanh ra Hà Nội tụ tập khiếu kiện. Nghiêm trọng hơn, ông Hạ còn tiến hành treo cái gọi là “Giấy ủy quyền của nhân dân” (kích thước 60x90cm) ủy quyền cho đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó, có chữ ký của ông Hạ và 13 người khác làm nhiều người dân hiếu kỳ tụ tập đến xem gây phức tạp ANTT. Hành vi trên đã bị chính quyền xử lý…

“Cùng hội cùng thuyền” với ông Hạ là ông Đỗ Đình Dũ (1959, trú Hòa Phước, H. Hòa Vang, Đà Nẵng). Báo Công an TP Đà Nẵng cũng từng vạch trần, lên án những “chiêu trò” của ông Dũ trước công luận khiến nhiều người dân bức xúc, phản ứng. Ông Dũ không chỉ khiếu kiện nhiều lần, có tính chất quá khích, mà còn viết đơn kiến nghị tập thể, hướng dẫn cho những người trong gia đình làm đơn khiếu nại tố cáo vượt cấp. Cụ thể, UBNDTP và UBND Q. Cẩm Lệ đã ra nhiều Quyết định số 5020, 1060, 1061, 1062, 1063 về việc thu hồi đất đối với các hộ dân trong vùng dự án giao Sở Xây dựng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dự án Khu D- Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.

Triển khai dự án, UBND Q. Cẩm Lệ và H. Hòa Vang đã tổ chức đối thoại dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình ĐBGT đúng quy định và được hầu hết người dân đồng tình ủng hộ, nghiêm chỉnh chấp hành. Riêng hộ bà Hồ Thị Chơi (mẹ ruột ông Dũ) và bản thân ông, UBND quận đến các Sở, bàn, ngành liên quan nhiều lần đối thoại, vận động, thuyết phục với tinh thần cầu thị, đảm bảo lợi ích cộng đồng, đảm bảo quyền, lợi ích của công dân, cũng như ban hành các văn bản, quyết định giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền nhưng hộ bà Chơi và ông Dũ vẫn nhất quyết không hợp tác, không tôn trọng chính quyền (nhiều lần mời nhưng không dự họp, gửi văn bản không ký nhận, có thái độ, lời lẽ xem thường, thách đố lãnh đạo các cấp tại buổi đối thoại của Chủ tịch TP, lấy biên bản buổi đối thoại để tẩu tán…).

Ông Dũ và hộ bà Chơi cố tình gửi đơn thư khiếu nại, khiếu kiện khắp nơi, không cho kiểm định, cản trở khiến dự án chậm trễ tiến độ, gây tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong khu vực. Chưa hết, ông Dũ liên tục gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo (KN, TC) với nội dung không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm đến các cán bộ có thẩm quyền mà trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không thể trích dẫn hết được. Đặc biệt, ông cũng chứng tỏ “bản lĩnh, am hiểu pháp luật” bằng hành vi kích động, xúi giục và hướng dẫn nhiều người khác viết đơn thư KN, TC, kể cả KN, TC vượt cấp, không đúng pháp luật và gửi đơn khởi kiện ra TAND quận, TAND TP nhưng đều bị bác vì không có cơ sở.

Đỗ Đình Dũ vung tay quát nạt, tại buổi tiếp công dân của Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến.

Câu kết với Đỗ Đình Dũ còn có ông Nguyễn Văn Bình (1961, trú Q. Thanh Khê, Đà Nẵng). “Cao thủ” hơn, ông Bình còn là một trong những đối tượng kích động, thường xuyên viết đơn KN, TC thuê. Đơn cử, ngày 13-8-2002, TAND TPĐN xử phúc thẩm vụ tranh chấp trong việc phân chia thừa kế ngôi nhà 486-Trần Cao Vân (Đà Nẵng). Bản án có hiệu lực, ông Bình không đồng ý, tiếp tục khiếu kiện và có những hành vi như: Dùng vỏ chai bia tự đập vào đầu gây thương tích, tự xích cổ ngồi trước nhà gây cản trở việc thi hành án.

Cũng thể hiện bản chất tráo trở, gian dối, ông Bình rất nhiều lần gửi đơn thư tố cáo sai phạm pháp luật, vi phạm đạo đức... đối với các cán bộ Nhà nước thuộc các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn, song tất cả đều không có căn cứ. Quái lạ hơn, ngày 10-8-2013, dù không được ai ủy quyền nhưng ông Bình vẫn gửi đơn tố cáo đến Ủy ban MTTQVN TP, nội dung có liên quan đến Bản án số 97/2012/DS-PT ngày 28-9-2012 về việc “Tranh chấp thừa kế” của TAND TP. Nhận đơn của MTTQVN TP, Ban Nội chính Thành ủy đã có buổi làm việc và chính ông Bình đã thừa nhận việc viết đơn là hoàn toàn tự ý của ông. Đáng nói là những hành vi sai trái của ông Bình đến nay vẫn chưa bị xử lý theo pháp luật?

Đông đảo người dân bức xúc, lên án hành vi sai trái của Đỗ Đình Dũ.

Không phải đến bây giờ mà từ lâu công luận, người dân đã tỏ rõ sự bất bình, lên án kịch liệt những hành vi ngược ngạo, vi phạm pháp luật mang tính hệ thống của những trường hợp cá biệt như ông Hạ, ông Dũ, ông Bình. Dường như ai cũng ngán ngẫm trước những hành vi đi ngược lại với mong mỏi, lợi ích chính đáng của chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố. Chẳng nói gì chuyện máu xương của bao thế hệ đã đổ xuống, chỉ hơn 10 năm qua, vì mục tiêu chung phát triển TP, hơn 100.000 hộ dân đã đồng thuận đồng lòng cùng các cấp chính quyền, tự nguyện hy sinh những quyền lợi riêng tư của mình, rời bỏ nơi sinh sống thiêng liêng để di dời nhường đất cho thành phố đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị để có một Đà Nẵng văn minh, hiện đại, hấp dẫn và đáng sống như ngày nay.

Hơn ai hết, mỗi người dân đều hiểu, tự hào là một viên gạch, cùng chung tay góp sức xây dựng và phát triển Đà Nẵng và cũng chính họ sẽ thụ hưởng thành quả ngay trên mảnh đất mình sinh sống, như chính khẳng định của đồng chí Trần Thọ- Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP trong các cuộc tiếp xúc cử tri: “Cái gì chỉ cần một chút có lợi cho dân thì làm”. Mà nói chi xa, ngay chính những người dân chất phác, đôn hậu Hòa Phước tâm sự trong buổi đưa ông Dũ kiểm điểm trước dân: “Xã hội tôn trọng quyền tự do dân chủ, quyền khiếu kiện của công dân nhưng không phải vì thế mà lợi dụng để làm điều vi phạm pháp luật, gây mất đoàn kết, phức tạp ANCT, TTATXH trên địa bàn. Phải biết nhận ra sai trái để tu chỉnh, sửa chữa, đừng để cái sai của mình trở thành nỗi lo cho toàn xã hội và đóng góp sức mình xây dựng quê hương đất nước, xây dựng thành phố”. Có lẽ, bản thân ông Dũ, ông Hạ, ông Bình cũng đủ nhận thức để nhận ra cái ý tứ trong câu nói bộc trực mà chân tình, thẳng thắn ấy, đừng để phải lạc lõng, hổ thẹn với chính đồng bào, trên chính mảnh đất quê hương, bổn xứ mình sinh sống.

Quang Sang