Sức ép giá "đô"

Thứ năm, 07/05/2015 08:26

(Cadn.com.vn) - Tỷ giá USD lại tăng mạnh trong 3 ngày sau lễ. Biên độ cho phép điều chỉnh không quá 2% trong năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dường như đã trở nên "chật chội" trước sức ép giảm giá VND để đẩy mạnh xuất khẩu. Liệu NHNN có điều chỉnh tăng tỷ giá thêm một lần nữa?

So với trước lễ, tỷ giá ngân hàng BIDV ngày 6-5 tăng 30 đồng, niêm yết mức 21.630 – 21.670 VND/USD. Tại Vietinbank, tỷ giá tăng 25 đồng, lên 21.620 – 21.670 VND/USD. Vietcombank giữ mức 21.610 – 21.670 VND/USD. Tỷ giá của Sacombank và Eximbank hiện ở mức 21.610 – 21.673 VND/USD. Tỷ giá của DongABank là 21.613 – 21.673 VND/USD, tại Agribank là 21.600 – 21.670 VND/USD. Ngoài chợ “đen”, tỷ giá USD “nhảy múa” liên tục, hiện đã vọt lên đến 21.800 VND/USD. Trong khi đó, tại Sở giao dịch NHNN, tỷ giá vẫn duy trì ở mức 21.350 – 21.600 VND/USD, thấp hơn so với các ngân hàng thương mại.

Một giám đốc một ngân hàng thừa nhận, diễn biến thị trường đang rất phức tạp, tỷ giá đã kịch trần biên độ cho phép (+1%) là 21.673 đồng/USD. Đây cũng là mức NHNN phải bán ra để can thiệp. Tuy nhiên diễn biến thị trường cho thấy cơ quan quản lý đã không bán  ra trong khi “cầu” vẫn còn lớn, thị trường ngoại hối đang “căng như dây đàn”.

Trước sức ép tăng tỷ giá VND/USD, hầu hết giới chuyên gia đều khuyến cáo NHNN nên tiếp tục phá giá VND với mục tiêu không chỉ là hỗ trợ xuất khẩu mà cả “chặn” tâm lý kỳ vọng găm trữ USD của giới đầu cơ cũng như hạn chế nhập siêu. Tuy nhiên, trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân diễn ra tại Vinh (Nghệ An) hôm 22-4, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định quan điểm của NHNN là việc điều hành tỉ giá cần đứng trên bình diện toàn nền kinh tế, không thể chỉ xem xét xuất khẩu hay nhập khẩu.

Theo báo cáo vĩ mô vừa được công bố của ngân hàng HSBC, ngoại hối Việt Nam đang ở mức 36 tỷ USD. Nguồn dự trữ khá lớn này đủ để can thiệp thị trường, đảm bảo tỷ giá không tăng quá 2% như cam kết. Tuy nhiên, do tình hình thế giới thay đổi (sự lên giá mạnh của USD so với nhiều đồng tiền khác) có thể khiến NHNN thay đổi mục tiêu ban đầu. Trước mắt, NHNN có thể sử dụng nốt dư địa 1% (đầu năm đã điều chỉnh 1%) còn lại trong quý II/2014, đồng thời tiếp tục điều chỉnh thêm trong những tháng cuối năm trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của kinh tế vĩ mô.

Khác với quan điểm của NHNN, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tỷ giá giữ ổn định có lợi cho kinh tế vỹ mô vì khi đó giá hàng hóa nhập khẩu sẽ không bị tăng lên nhưng NHNN sẽ phải đối mặt với áp lực đầu cơ găm giữ tỷ giá. “Neo” tỷ giá lúc này chỉ tạo thuận lợi cho giới đầu cơ, giới buôn USD tự do lẫn ngân hàng đều không bỏ qua cơ hội  “găm” giữ ngoại tệ để bán ra kiếm lời. Đây chính là thời điểm NHNN phải chịu nhiều áp lực. Nếu cố giữ, chắc chắn NHNN phải bỏ ra một khoản chi phí đáng kể. Ông Hiếu khuyến cáo, điều chỉnh tỷ giá USD lúc này là hợp lý. Nếu không muốn sốc, NHNN nên điều chỉnh 0,5% và điều chỉnh 3% cả năm mới đủ.

Theo dự đoán, lãi suất năm nay sẽ khó giảm sâu do mặt bằng lãi suất hiện đang phù hợp với CPI ( 4-5%), kinh tế dần phục hồi, nhu cầu tín  dụng tăng cao, lãi suất VND cần được giữ ổn định để không ảnh hưởng đến tỷ giá. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến NHNN có thể sẽ sớm thực hiện phá giá nhẹ tiền tệ (khoảng 2-3%) để hỗ trợ xuất khẩu. Việc điều chỉnh tỷ giá theo hướng “phá vỡ cam kết” trước đây của NHNN là điều thị trường mong đợi. Vấn đề còn lại, thời điểm nào, NHNN có thể tuyên bố điều chỉnh tăng tỷ giá USD một cách phù hợp nhất?

Văn Khoa