Tác động nào cho OPEC?
Tuyên bố của Qatar rút khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn đang gây sốc cho thị trường dầu mỏ toàn cầu, trong bối cảnh giá dầu mỏ trên thị trường thế giới trong những ngày qua giảm xuống dưới 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 14 tháng qua.
Quyết định chấm dứt 57 năm thành viên của mình ở OPEC sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2019, được đưa ra ngay trước cuộc họp giữa OPEC và các đồng minh để tái cấu trúc chính sách dầu mỏ toàn cầu. Doha tuyên bố, quyết định của họ không có nghĩa là họ sẽ thoát khỏi việc kinh doanh dầu mỏ, nhưng vấn đề này được kiểm soát bởi một tổ chức của chính họ. Dù Doha cho biết sẽ vẫn tham dự cuộc họp sắp tới của OPEC, diễn ra vào ngày 6 và 7-12 tại Vienna, Áo, nhưng vụ việc vẫn đang gây lo ngại cho các nhà đầu tư về nguy cơ thiếu ổn định về hoạch định chính sách trong thị trường dầu mỏ toàn cầu, trong bối cảnh ngành này đối mặt với tình trạng thừa cung và thiếu cầu khiến giá dầu giảm suốt giá 2 tháng qua.
Thứ nhất, quyết định của Qatar đưa ra vào thời điểm OPEC cần tìm ra một thỏa thuận trước sự hoài nghi của thị trường về khả năng kiểm soát sản lượng của tổ chức này. Tất nhiên, những quốc gia nhỏ hơn thuộc OPEC đóng vai trò tương đối bị động trong việc đưa ra quyết sách của tổ chức này và “Qatar cũng có thể nhận thấy nước này không thu được gì nhiều từ vai trò thành viên”. Nhưng mọi việc xảy ra trong bối cảnh này chắc chắn sẽ khiến OPEC gặp nhiều khó khăn vì sự bất ổn cao và giá giảm mạnh trong 60 ngày qua sẽ tác động lâu dài lên các giao dịch dầu mỏ.
Thứ hai, động thái của Doha còn phơi bày sự rạn nứt sâu sắc giữa nước này và các nước láng giềng Vùng Vịnh kể từ tháng 6-2017 khi Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và một vài nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Thứ ba, việc rời khỏi OPEC làm gia tăng quan ngại rằng Saudi Arabia, Nga, và Mỹ - ba nhà sản xuất dầu mỏ hàng dầu thế giới - sẽ giành thêm quyền kiểm soát trong việc đưa ra quyết sách dầu mỏ toàn cầu, khi địa chính trị đã trở thành một trong những lực đẩy chính phía sau giá dầu.
Quyết định của Doha sẽ không gây ra một tác động đáng kể lên giá dầu vì sản lượng của nước này chỉ chiếm 2% tổng sản lượng của OPEC. Nhưng dù sao khi OPEC đang rung lắc như thế này, nguy cơ giá dầu nhảy múa theo là chuyện khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, Qatar hiện là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới và động thái mới nhất của Doha cho thấy quốc gia Vùng Vịnh nhỏ bé này đang tìm kiếm địa vị thống trị trong thị trường LNG toàn cầu. Trong bức tranh địa chính trị phức tạp bên trong OPEC, và sự tập trung vào dầu mỏ, lập trường của Qatar không phải là điều gây bất ngờ, nhưng sẽ khiến OPEC khốn đốn hơn.
THANH VĂN