KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ YẾN LAN:

Tác giả Bến My Lăng đầy mộng tưởng

Thứ tư, 02/03/2016 08:52

(Cadn.com.vn) - Lễ kỷ niệm 100 năm sinh của nhà thơ Yến Lan (2-3-1916-2-3-2016) được tổ chức ngày 1-3, tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật cùng đông đảo người yêu mến thơ Yến Lan.

Sự kiện là dịp ôn lại những kỷ niệm, tiếp tục tôn vinh những giá trị nhân văn, nghệ thuật của thơ Yến Lan; các cơ quan chức năng, có thẩm quyền thảo luận, thống nhất, đánh giá lại thân thế, sự nghiệp của nhà thơ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa mà thơ Yến Lan để lại.

Nhà thơ Yến Lan.

Yến Lan làm thơ từ chặng đầu của phong trào Thơ mới (1937), khi ấy ở Bình Định, nhóm "Bàn thành tứ hữu" (hoặc Tứ Linh) gồm Quách Tấn, Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên tích cực tham gia cách mạng và kháng chiến. Ông làm thơ theo luật Đường, thường được nhắc đến với những bài thơ nổi tiếng "Bến My Lăng", "Những ngọn đèn", vở kịch "Bóng giai nhân"...Yến Lan sáng tác ở cả hai thời kỳ trước và sau cách mạng tháng Tám, đã có cống hiến không nhỏ đối với nền thơ ca dân tộc. Ông là một nhà thơ có sức sáng tạo dẻo dai, bền bỉ. Tài năng của Yến Lan sớm nảy nở, sớm được khẳng định. Ông đã để lại một số lượng tác phẩm không nhỏ cho nền thi ca Việt Nam hiện đại. Đặc biệt, ông đạt được những thành tích đáng kể ở thể thơ tứ tuyệt với những tìm tòi, sáng tạo mới. Bên cạnh thơ ca, Yến Lan còn viết truyện ngắn, kịch, cải lương, thành lập hội kịch mang tên ông-Đoàn kịch Yến Lan. Truyện ngắn của ông liên tục được giới thiệu trên các tờ Tiểu thuyết thứ Bảy, Tiểu thuyết thứ Năm và nhiều tờ báo khác.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận: Yến Lan kế thừa được di sản văn hóa của nhiều thời đại. Yến Lan vừa dạy học, vừa viết văn. Cùng các thành viên nhóm "Tứ Linh", những tác phẩm của ông có dấu ấn của sự chuyên nghiệp. Yến Lan có thể viết bất cứ đề tài gì, cập nhật những vấn đề rất nóng của xã hội nhưng không bao giờ để mất sự rung động trong tâm hồn mình. Là nhà thơ tận tâm, tận lực, đức độ, Yến Lan cũng là một cán bộ biên tập mẫu mực, vô cùng nghiêm khắc trong nghề nghiệp. Ông là một con người mẫu mực, một nhân cách đáng kính của cả thế hệ văn nghệ sĩ ngày nay.

Nhà thơ Yến Lan (1916-1998) tên thật là Lâm Thanh Lang, sinh ra và lớn lên tại miền quê thuần nông của H. An Nhơn, tỉnh Bình Định. Sớm mồ côi mẹ, thơ ca trở thành người bạn gần gũi với ông ngay từ thủa nhỏ. Yến Lan sống bằng nghề dạy học, từng là ủy viên văn hóa cứu quốc tỉnh Bình Định, ủy viên văn hóa kháng chiến Nam Trung Bộ, Trưởng đoàn kịch "Kháng chiến"... Sau năm 1975, ông về sống và làm việc tại quê nhà.

Từ lúc sinh ra cho đến lúc trở về cát bụi hơn 80 năm cuộc đời, thì có đến gần 60 năm nhà thơ Yến Lan sinh sống trên đất Bình Định, để từ đó "hồn quê hương như suối nguồn chảy mãi" trong những tác phẩm thơ, văn của ông. Yến Lan là người yêu quê hương nên phần lớn những sáng tác, những bài thơ được đánh giá hay nhất của ông đều bắt nguồn từ những cảm hứng sáng tác của đất và người Bình Định như: Bến My Lăng; Chùm thơ về Bình Định (Bình Định 1935, Bình Định 1945, Bình Định 1947, Bình Định 1975...); Đi trong nắng mới, Lại về tỉnh nhỏ, Uống rượu với bạn đồng hương...  Những hình ảnh, sự kiện diễn ra trên quê hương trong thơ ông có vẻ đẹp lung linh của ngôn từ, của cảm xúc chất ngất. Chúng không chỉ theo ông suốt cuộc đời mà còn với nhiều thế hệ độc giả. Thậm chí đã có hiện tượng chuyển danh mà điển hình là nhiều người gọi Bến đò Trường Thi là bến My Lăng sau khi yêu thơ Yến Lan.

My Lan