Tác nghiệp trên... giường bệnh

Thứ sáu, 21/06/2019 13:00

Đầu năm 2017, không may tôi bị tai nạn phải nằm bệnh viện điều trị dài ngày. Đó là quãng thời gian không thể nào quên đối với cuộc đời tôi. Có những lúc nằm trên giường bệnh tôi thầm nghĩ, tương lai, sự nghiệp của mình coi như chấm hết. Thế nhưng, nhờ sự động viên của gia đình, đồng nghiệp, bạn bè..., đặc biệt là niềm yêu nghề, tôi đã cố gắng chống chọi với những cơn đau sau khi trải qua nhiều lần phẫu thuật. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã cố gắng tác nghiệp trên...  giường bệnh mỗi khi có thể để có những bài viết phục vụ bạn đọc.

Tác giả trong một lần tác nghiệp chung với Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam.

1. Sau khi được điều trị ở khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đà Nẵng, tôi được chuyển sang Khoa Bỏng - Tạo hình để tiếp tục điều trị. Tại đây, vào một buổi chiều ngày 25-6-2017, khoa tiếp nhận một bệnh nhân nam vào nhập viện. Người này được bác sĩ bố trí nằm cùng phòng với tôi. Khi vào, toàn thân người này bỏng nặng, da bị bong ra từng mảng do cháy. Tiếp theo đó, các CBCS CAH Hòa Vang và Phòng CSHS CATP Đà Nẵng có mặt tại phòng bệnh để nắm bắt tình hình và giám sát bệnh nhân trên. Ngay sau đó, một còng số 8 và một sợi dây xích cũng được đeo vào tay và chân nam bệnh nhân. Thấy có điều bất thường đối với bệnh nhân này, tôi âm thầm quan sát, theo dõi.

Đêm hôm đó, 3 đồng chí CA mặc đồ thường phục được cấp trên giao nhiệm vụ canh gác bệnh nhân trên. Họ nằm phía ngoài ngay cửa chính của phòng bệnh. Cả đêm, lâu lâu thức giấc tôi lại thấy họ ngồi đó dán mắt nhìn vào bên trong buồng bệnh, hầu như họ không ngủ để canh chừng thanh niên kia. Thỉnh thoảng, thanh niên đi vệ sinh hay cần lấy gì thì họ thay gia đình có mặt kịp thời đáp ứng. Cũng trong đêm, đọc báo trên mạng tôi được biết ở xã Hòa Sơn (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) mới xảy ra vụ cháy nhà khiến hai người thương vong. Qua nội dung thông tin đăng tải, tôi nhận định nam bệnh nhân này chính là nhân vật trong vụ việc trên. Nhưng tại sao bệnh nhân lại được CA canh giữ cẩn trọng, đó là nội dung tôi muốn biết nên tiếp tục theo dõi...

Thời gian cứ thế trôi, đến ngày thứ 2, khi tinh thần bệnh nhân trên đã tương đối ổn định, những CBCS bắt đầu lấy lời khai vụ việc. Do nằm kế bên giường nam bệnh nhân nên tôi có điều kiện để nghe những câu hỏi của điều tra viên cũng như lời khai của đối tượng. Lúc này, dù vẫn đang nằm trên giường bệnh điều trị nhưng tôi vẫn cố gắng "tác nghiệp". Với những gì thu thập được, sau đó tôi đã viết bài "Vụ cháy nhà, 2 người thương vong tại Đà Nẵng: Người trong cuộc khai gì?". Nội dung bài viết thể hiện: "Vụ cháy chiều 25-6-2017, tại nhà ông Ngô Duy Lâm (1960, trú An Ngãi Tây 1, xã Hòa Sơn, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) khiến chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (1996, trú H. Hưng Yên, Nghệ An) tử vong tại chỗ, con trai ông Lâm là Ngô Duy Vinh (1996) bị thương. Xung quanh vụ cháy "bất thường" trên, dư luận đặc biệt quan tâm, nhiều người cho rằng nạn nhân Oanh khi chết đang mang thai, người lại cho rằng nguyên nhân vụ cháy có thể do Ngô Duy Vinh chủ động gây ra vì mâu thuẫn giữa 2 bên...

Với nội dung đầy đủ, chính xác, bài viết trên đăng trên Báo Công an TP Đà Nẵng - nơi tôi công tác được độc giả đánh giá cao vì tính "độc quyền" cũng như thông tin nhanh chóng, kịp thời...

 Tác giả trên đường tác nghiệp ở những cung đường miền núi Quảng Nam.

2. Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, tôi được ra viện về địa phương để tiếp tục điều trị phục hồi chức năng sau chấn thương. Trong thời gian điều trị phục hồi chức năng tại Quảng Nam, tôi nhận được thông tin từ người dân phản ánh vụ phá rừng quy mô lớn, kéo dài xảy ra tại xã Tiên Lãnh (H. Tiên Phước, Quảng Nam) khiến người dân bức xúc. Lúc này, dù rất muốn lên hiện trường để tác nghiệp nhưng sức khỏe tôi chưa cho phép. Nhưng đây được xem là thông tin độc quyền, chỉ người dân báo cho mình tôi nên tôi phải có trách nhiệm giữ kín nguồn tin; đồng thời phải cố gắng làm sao phải có bài viết để đưa vụ việc ra ánh sáng. Nhưng hiện tại sức khỏe không cho phép, vậy mình phải làm sao đây? Tôi thầm nghĩ và nảy ra ý định nhờ một đứa em quen biết lên hiện trường "tác nghiệp" thay tôi.

Theo chỉ dẫn của tôi, cộng tác viên (CTV) bất đắc dĩ trên liên hệ với người báo tin dẫn vào hiện trường thu thập thông tin, chứng cứ để viết bài. Sau 2 ngày băng rừng vượt suối, CTV trên trở về Tam Kỳ và vội chạy tới bệnh viện - nơi tôi đang điều trị phục hồi chức năng hồ hởi khoe những tư liệu và hình ảnh vụ phá rừng được xem là quy mô lớn nhất Quảng Nam trong những năm gần đây. Tư liệu, hình ảnh đã có, nhưng làm sao để thể hiện thành bài viết đó là điều CTV trên chưa thể làm được vì chưa lần nào viết báo. Vậy là tôi bảo CTV cứ viết ra những gì mình thấy được qua chuyến thâm nhập thực tế hiện trường, kết hợp với những thông tin tôi khai thác thêm từ người dân địa phương, sau gần 2 ngày phối hợp ở bệnh viện, cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành tác phẩm 2 kỳ với nội dung "Ai đứng sau vụ phá rừng Tiên Lãnh".

Tác phẩm trên được đăng tải trên Báo Công an TP Đà Nẵng đã gây xôn xao dư luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi nắm được thông tin trên đã có công văn chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ... Với vụ phá rừng trên, sau đó 3 đối tượng liên quan bị khởi tố, bắt giam. Và cũng với tác phẩm này, chúng tôi được Giải ba của giải thưởng báo chí tỉnh Quảng Nam năm 2018. Riêng đối với CTV trên, sau đó vì thấy yêu nghề báo nên cũng đã theo đuổi với nghề và hiện tại đã trở thành một P.V chính thức.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc mà tôi tác nghiệp trong thời gian nằm trên giường bệnh. Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cánh mạng Việt Nam, nhắc lại những câu chuyện ấy như một lời chia sẻ về công việc của những người làm báo nói chung và cá nhân tôi nói riêng. Qua đó để mình có động lực hơn với nghề báo, cũng như thể hiện niềm đam mê, ước muốn, khát vọng luôn được mang những tác phẩm hay, độc đáo... phục vụ cho độc giả thân yêu, quý mến.

TRẦN TÂN