Tai nạn giao thông – gánh nặng của mỗi gia đình và toàn xã hội
(Cadn.com.vn) - Hàng năm, đúng vào thời điểm này, triệu triệu người dân trên khắp hành tinh lại nhắc nhớ nhau hướng về sự kiện “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”. Ở Việt Nam, mỗi ngày cả nước trung bình có gần 30 người tử vong vì TNGT và làm cho gần 70 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời... Vào “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” (ngày Chủ nhật giữa tháng 11), là dịp để mỗi người trong chúng ta nhìn lại bức tranh toàn cảnh về nỗi đau dai dẳng do TNGT để lại, từ đó có những nhận thức và hành động thiết thực góp phần cùng cộng đồng làm giảm TNGT...
Đại tá Nguyễn Văn Chính – Phó Giám đốc CATP tặng quà và động viên |
Nỗi đau dai dẳng
Một trong những hoạt động hưởng ứng kỷ niệm “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT”, trong 2 ngày 13 và 14-11, Ban ATGT TP Đà Nẵng, lãnh đạo CATP đã đến thăm hỏi, trao quà cho các nạn nhân bị TNGT có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Âu Cơ (tổ 57C, P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu), không khí gia đình anh Lê Văn Quang quạnh quẽ hơn từ sau vụ TNGT năm 2012 khiến anh Quang tử vong, để lại đứa con nhỏ nay vừa tròn 6 tuổi. Trong căn nhà chật hẹp, mẹ anh xúc động từng hồi khi kể về người con dâu vô tâm đã bỏ đi từ sau khi chồng mất, đứa trẻ mồ côi cha nay chỉ còn biết nương tựa vào bà nội. “Giờ nó (con dâu) đi đâu không ai biết, bỏ cháu lại một mình, tôi giận đó nhưng thương cháu nên cố gắng chăm bẵm cho đến khi khôn lớn. Cháu tôi đã không khác gì mồ côi cả cha lẫn mẹ, tôi không nuôi dưỡng thì cháu còn biết bấu víu vào ai”–mẹ anh Quang nghẹn ngào.
Có đi mới thấy, mỗi gia đình có nạn nhân tử vong do TNGT là một hoàn cảnh ngặt nghèo khác nhau. Tại thôn Nhơn Thọ 1, xã Hòa Phước, H. Hòa Vang, căn nhà của chị Bùi Thị Thuận vẫn còn nghi ngút khói nhang, chiếc bàn thờ còn mới toanh cùng bức di ảnh người quá cố mới 31 tuổi khiến ai nấy cũng xót xa, thương cảm. Chạy lăng xăng cười đùa quanh nhà, đứa con trai chưa đầy 4 tuổi vẫn chưa nhận thức được nỗi đau mất mẹ, khiến ai nhìn thấy cũng nhói lòng. Bé gái nhỏ chỉ vừa 2 tháng tuổi sốt li bì mấy hôm nay. Thấy đoàn đến nhà thăm hỏi, mẹ chị Thuận chỉ biết ngồi thụp xuống mà khóc ngất lên, không nói được lời nào. Nỗi đau vẫn luôn hiện hữu trong lòng người ở lại– trong dáng vẻ người chồng, trong tiếng nấc mẹ già, trong ánh mắt con thơ...
Hiện trường một vụ TNGT trên đường Điện Biên Phủ, Đà Nẵng. |
Tăng cường công tác đảm bảo ATGT
Nhìn những gia đình đang phải đối mặt với nỗi đau do TNGT gây ra mới nhận ra được ý nghĩa của việc chấp hành nghiêm chỉnh Luật ATGT. Theo Đại tá Nguyễn Văn Chính–Phó Giám đốc CATP, TNGT không chỉ để lại gánh nặng cho người thân, gia đình nạn nhân mà còn là gánh nặng đối với toàn xã hội. Thấu hiểu nỗi mất mát to lớn ấy, Ban ATGT đã trao tặng 3 triệu đồng cho mỗi gia đình nạn nhân bị TNGT có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố, động viên, khích lệ họ vươn lên trong cuộc sống. Hoạt động này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo các cấp đối với gia đình nạn nhân, đồng thời cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho xã hội, đừng vì nhanh một phút để rồi phải chậm cả đời.
Nhằm kéo giảm TNGT, ngay từ đầu 2015, Chính phủ, Ủy Ban ATGT quốc gia đã đặt ra mục tiêu phấn đấu và yêu cầu mỗi địa phương phải kéo giảm cả 3 tiêu chí về TNGT (số vụ, số người chết và người bị thương) so với năm trước. Ở Đà Nẵng, Ban ATGT, chủ công là lực lượng CSGT đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp đảm bảo TTATGT từ khâu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến công tác TTKS, xử lý vi phạm, nhất là các lỗi trực tiếp gây ra TNGT. Nhờ thực hiện tốt các chuyên đề, tình hình TTATGT trên địa bàn được duy trì ổn định, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, đua xe trái phép; ý thức của người điều khiển phương tiện được nâng lên đáng kể. Tính đến giữa tháng 11, kết quả đảm bảo TTATGT cũng đã có tín hiệu tốt, TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Song, theo Đại tá Lê Ngọc–Trưởng phòng CSGT CATP, số vụ, số người bị thương có giảm sâu, nhưng số người chết lại giảm rất ít.
Bên cạnh kết quả tích cực, Đại tá Lê Ngọc cũng chia sẻ những trăn trở, rằng vẫn còn một số bộ phận người dân ý thức rất kém khi tham gia giao thông. Tính từ đầu năm 2015 đến 31-10, lực lượng CSGT đã xử lý 9.000 trường hợp đi không đúng làn, hơn 3.500 trường hợp vi phạm lỗi không đội MBH, vượt đèn đỏ, 2.200 trường hợp đi ngược chiều và hàng trăm trường hợp xe quá tải. Theo lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115, trong số những ca cấp cứu nạn nhân gặp TNGT bị chấn thương sọ não thì có tới gần 70% là người điều khiển phương tiện không đội MBH. Ở một phương diện khác, theo ông Nguyễn Hương, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng, chất lượng xe cơ giới khi tham gia giao thông không đảm bảo các tiêu chí an toàn cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Qua kiểm định lần 1 tại các cơ sở đăng kiểm thì các cụm hệ thống chủ yếu như hệ thống phanh, hệ thống điện, đèn và hệ thống lái đều không đạt tiêu chuẩn chung từ 20-trên 40%. Đây là những cụm, hệ thống gây mất an toàn cao khi tham gia giao thông và hay để xảy ra những vụ TNGT đáng tiếc.
Có lẽ, mỗi người Việt Nam cần phải nhận thức sâu sắc về tác hại khôn lường của tai họa này đến toàn bộ tiến trình vươn lên của dân tộc, đến sự phát triển lành mạnh của giống nòi, đồng thời dũng cảm và chân thành nhìn thẳng vào sự thật để có nhận thức một cách sâu sắc, rằng trong nỗi đau TNGT có lỗi và trách nhiệm của từng cá nhân, của cả cộng đồng và xã hội.
Thảo Vy