Tài năng đàn bầu của cô bé lớp 1

Thứ ba, 01/11/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Chưa từng học qua trường lớp âm nhạc nào nhưng những ca khúc dưới bàn tay nhỏ bé vẫn rung lên đều đặn, có cao độ, trường độ, luyến láy khiến người nghe phải thán phục. Đó là “nghệ nhân” nhí Ngô Hoàng Anh (6 tuổi) ở xã Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An.

Về xóm Phượng Lịch, xã Diễn Hoa hỏi đường về nhà Hoàng Anh, nhiều người bảo cứ đi tới con đường kia hễ nghe thấy tiếng đàn bầu là nhà cháu đó. Đúng như chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi vừa đặt chân tới ngõ đã nghe tiếng đàn bầu vang thánh thót. Thấy có khách đến, bé Hoàng Anh dừng chơi đàn rồi nhanh miệng chào hỏi: “Các chú tìm ai đó! Bố cháu đi làm bên Lào chưa về, mẹ cháu đi làm ngoài đồng cũng chưa về. Ở nhà cháu bây chừ có ông nội nữa thôi”. Tôi bảo: “Bây giờ chú muốn gặp cháu, nghe cháu đánh đàn bầu đây”. Hoàng Anh nhanh nhảu: “Các bài nhạc cháu đánh cũng không nhớ hết nữa. Hay cháu đánh cho các chú nghe bài “Việt Nam quê hương tôi” nhé!”.

Nói đoạn, cô bé liền ngồi vào đàn rồi dùng thanh tre nhỏ như cây tăm khảy đàn. Bàn tay nhỏ bé liên hồi chạy qua chạy lại trên dây đàn và ca khúc “Việt Nam quê hương tôi” bắt đầu ngân lên. Nếu không tận mắt chứng kiến Hoàng Anh đánh đàn chắc khó ai tin được những thanh âm xao xuyến lòng người đó là từ đôi tay của cô bé mới học lớp 1 và chưa học qua trường lớp âm nhạc nào. Một số người cho rằng, đần bầu là loại nhạc cụ khó chơi và để có được thanh âm như của Hoàng Anh thì bắt buộc phải được đào tạo bài bản từ 3 đến 4 năm. Ông Ngô Khắc Duy, ông nội Hoàng Anh (ngày xưa là nhạc công trong Đội tuyên truyền văn hóa “Tiếng hát át tiếng bom” của Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An, hiện là thành viên Câu lạc bộ ca trù Diễn Châu), cho biết: “Khi cháu còn bé, tôi vẫn thường chơi đàn cho cháu nghe, thấy cháu thích và tò mò nên tôi mang đàn ra dạy cháu cho vui. Không ngờ chỉ dẫn tới đâu cháu biết tới đó và thể hiện hay hơn sức tưởng tượng”.

 Bé Ngô Hoàng Anh say sưa chơi đàn.

Đối với người được học nhạc, để chơi đúng một bản nhạc thì điều cần thiết là phải đọc bản nhạc và hiểu được cao độ, trường độ... Nhưng đối với Hoàng Anh, do không đọc được bản nhạc nên mọi âm vần đều phải dựa vào đôi tai. Khi chúng tôi hỏi làm sao biết được là mình chơi đúng nhạc, cô bé nhí nhảnh: “Cháu thường mở đĩa ghi âm bài hát và nghe rồi đánh theo”. Nói rồi Hoàng Anh vừa cầm cây kim khảy đàn vừa giải thích: “Chú biết không, khi ta khảy nốt Sol và kéo cần trở lại thì được nốt Fa, Mi, Rê. Còn đẩy cần ra thì được nốt La và Si. Nhiều nốt không có trên đàn mô chú ạ, mà phải biết điều chỉnh nốt thông qua cách khảy và rung cần...”.

Ông Ngô Khắc Duy tự hào về cô cháu gái: “Liên hoan văn nghệ nào của xã, huyện, tỉnh cháu cũng được mời tham dự. Hôm 22-9-2011 vừa qua, cháu đi thi “Tiếng hát dân ca tỉnh Nghệ An” tại TP Vinh đoạt giải nhất. Cháu còn tham dự cuộc thi “Tiếng hát Làng Sen” và cũng đạt thành tích cao”.

Như muốn cho chúng tôi nghe ngón đàn điêu luyện, bé Hoàng Anh đánh bài “Quảng Bình quê ta ơi” thánh thót rồi chia sẻ: “Bài ni cháu mới tập hôm qua chú ạ. Chú thấy cháu đánh có hay không? Mấy thầy giáo ngoài trường bảo cháu về tập thêm bài “Trống cơm” để biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Cháu tìm đĩa về nghe bài hát rồi tập đấy!”. Khi được hỏi về ước mơ sau này sẽ làm gì? “Sau này lớn lên cháu muốn làm nhạc sĩ”, bé Hoàng Anh trả lời. Nói đoạn Hoàng Anh lại chạy đến bên chiếc đàn bầu tiếp tục học đánh bài mới.

Với năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, nếu Hoàng Anh được gia đình và nhà trường quan tâm đầu tư đúng hướng, có thể tài năng chơi đàn bầu của Hoàng Anh sẽ còn hứa hẹn phát triển hơn nữa.

Thế Đan