Tại sao là "đường 10 đoạn"?
(Cadn.com.vn) - Câu hỏi khiến cộng đồng quốc tế đau đầu là tại sao Trung Quốc bất chấp tất cả, kể cả danh dự của một nước lớn, để tiếp tục khẳng định chủ quyền "đường 10 đoạn" (thay vì đường 9 đoạn như cũ) - hay còn gọi là "đường lưỡi bò" ở biển Đông.
Báo Diplomat có bài viết phân tích rõ ràng về vấn đề này. Trong đó, báo này nhấn mạnh, việc Trung Quốc phát hành bản đồ chính thức mới với "đường 10 đoạn" ở biển Đông là quá khiêu khích.
Tuy nhiên, theo báo này, động thái khiêu khích này của Bắc Kinh thực sự cũng không bằng những quyết định gần đây của Trung Quốc như: áp đặt Vùng xác định phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông hoặc di chuyển giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) ở biển Đông.
Nhưng tại thời điểm hiện tại, tấm bản đồ mới này là minh chứng rõ ràng nhất cho những tuyên bố chủ quyền đầy vô lý của Bắc Kinh. Nó gây quan ngại lớn cho các nước láng giềng của Trung Quốc ở biển Đông, thậm chí là cả Ấn Độ. Giới phân tích gọi đây là phương pháp tiếp cận"đường bản đồ".
Thật sự là như thế. Bằng cách xuất bản các bản đồ, Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền, sau đó thực thi tuyên bố ADIZ, thăm dò tài nguyên trắng trợn... Một sự tò mò là tại sao Bắc Kinh lại chuyển từ "đường 9 đoạn" thành "đường 10 đoạn" mà không phải là một đường nối dài liên tục?
Bắc Kinh có lợi gì khi duy trì "đường 10 đoạn" thay vì một dòng vẽ liên tục? Tuyên bố của Trung Quốc là có ý chứng minh rằng, 10 dấu gạch ngang đã được chính phủ Quốc Dân Đảng của Trung Hoa Dân Quốc sử dụng vào năm 1947. Bằng cách duy trì dấu gạch ngang, Bắc Kinh thực sự muốn chứng minh rằng, những tranh chấp hàng hải có thể hòa giải và có thể đàm phán với các quốc gia ở biển Đông khác.
Nhưng rõ ràng, đối với cả thế giới, các dấu gạch ngang này vẫn luôn chỉ là sự mơ hồ về tuyên bố chủ quyền. Mỹ bác bỏ bản đồ đứt đoạn của Trung Quốc, cho rằng, tuyên bố như vậy không có cơ sở trong luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc từng ký vào năm 1996.
Thanh Văn