Hội thảo quốc tế về an ninh Biển Đông: Phản bác “đường lưỡi bò” của Trung Quốc

Thứ tư, 22/06/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Sau hai ngày thảo luận, Hội thảo quốc tế về an ninh hàng hải Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức đã kết thúc vào ngày 21-6 (giờ địa phương) tại Washington, trong đó nhấn mạnh việc bác bỏ các lập luận của Trung Quốc, đặc biệt là “cơ sở lịch sử” của tuyên bố chủ quyền đường chữ U hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh.  

Khoảng 150 học giả, nhà nghiên cứu, quan chức ngoại giao và phóng viên báo chí đến từ nhiều nước trên thế giới đã tham gia hội thảo lần này. Trong phiên đầu tiên, giáo sư Tô Hạo - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế của Đại học Ngoại giao Trung Quốc; ông Termsak Chalermpalanupap - Giám đốc Ban An ninh chính trị thuộc Ban thư ký ASEAN và tiến sĩ Amer Latif của CSIS lần lượt đọc tham luận về chủ đề “Lợi ích và vị trí của các bên ở biển Đông”. Trong ngày 21-6, các đại biểu nghe tham luận và trao đổi về “Những diễn biến gần đây tại biển Đông”, “Đánh giá hiệu quả các cơ chế và cơ cấu tổ chức hàng hải ở biển Đông” và “Các đề xuất chính sách nhằm nâng cao an ninh hàng hải trong khu vực”.

Trước các đại biểu, ông Chalermpalanupap khẳng định quan điểm của ASEAN đối với vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua hợp tác và theo luật quốc tế. Ông cũng phản bác bài phát biểu trước đó của ông Tô Hạo về tuyên bố chủ quyền cũng như chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhiều học giả quốc tế cũng ngay lập tức bác bỏ các lập luận của học giả Trung Quốc, đặc biệt là “cơ sở lịch sử” của tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò”. Giáo sư Peter Dutton thuộc Đại học Hải quân Mỹ khẳng định: “Về quyền tài phán đối với các vùng biển, lịch sử không liên quan gì cả, mà phải tuân theo UNCLOS. Việc dùng lịch sử để giải thích chủ quyền làm xói mòn các quy tắc của UNCLOS”.

Tàu tuần tra Haixun 31 của Trung Quốc neo đậu tại Singapore
sau khi đi qua Biển Đông. 

Còn theo nhà nghiên cứu nổi tiếng, giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia, việc học giả Trung Quốc sử dụng “di sản lịch sử” để giải thích về tuyên bố chủ quyền một lần nữa bộc lộ việc thiếu cơ sở pháp lý theo luật quốc tế trong tuyên bố chủ quyền này. Cũng liên quan đến khía cạnh luật quốc tế, Giám đốc Ủy ban Pháp quyền Đại dương của Mỹ, Caitlyn Antrim khẳng định, tuyên bố “đường lưỡi bò” không có cơ sở theo luật quốc tế bởi cơ sở lịch sử là rất yếu và rất khó bảo vệ. Bà Antrim nói: “Tôi không hiểu Trung Quốc tuyên bố cái gì trong đường chữ U đó. Nếu họ tuyên bố chủ quyền với các đảo do đường ấy bao quanh, thì câu hỏi đặt ra là họ có chứng minh được chủ quyền với các đảo đó hay không.

Khi trả lời câu hỏi của học giả Trung Quốc về việc tại sao các sự kiện giữa tàu Trung Quốc và tàu thăm dò của Việt Nam lại xảy ra vào thời điểm này, tiến sĩ Trần Trường Thủy của Việt Nam nói: “Đây cũng là câu hỏi của chúng tôi. Tại sao tàu Trung Quốc lại cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam vào thời điểm ngay trước khi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị Shangri-la”. Tại hội thảo, ngoài các học giả còn có bài phát biểu của Thượng nghị sĩ John McCain, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia John Negroponte và một số quan chức của Mỹ. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã nêu đích danh Trung Quốc là nguyên nhân gây ra căng thẳng ở Biển Đông đồng thời khẳng định những tuyên bố chủ quyền của nước này là “không có cơ sở nào theo luật quốc tế”. Ông McCain cũng hoan nghênh mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc song cũng thẳng thắn lên án “hành vi hiếu chiến” và “những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ” của Bắc Kinh đã gây ra những căng thẳng gần đây trên Biển Đông.

Việt –Trung hoàn thành tuần tra chung vịnh Bắc Bộ
Chuyến tuần tra liên hợp thứ 11 giữa Hải quân Nhân dân Việt Nam và Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến hành trong hai ngày 19 và 20-6 trên vịnh Bắc Bộ đã hoàn thành. Với hơn 300 hải lý hành trình dọc theo đường ranh giới phân định trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, hai biên đội tàu của hải quân hai nước đã hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ được giao, qua đó củng cố trình độ phối hợp chuyên môn và tăng cường tình hữu nghị giữa hải quân, quân đội và nhân dân hai nước.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng kêu gọi Washington tăng cường hỗ trợ về quân sự và chính trị cho các quốc gia Đông Nam Á. Theo ông, Mỹ nên giúp ASEAN phát triển và triển khai một hệ thống cảnh báo sớm cũng như các tàu tuần tra tại các vùng biển đang tranh chấp. Nhà Trắng cũng nên chuyển hướng sang hoạt động ngoại giao để giúp các nước ASEAN giải quyết các tranh chấp của họ và “thành lập một mặt trận thống nhất hơn”. Cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam này cũng khẳng định: “Điều khiến tôi lo ngại là những tuyên bố đòi chủ quyền phi lý mà Trung Quốc đang đưa ra ở Biển Đông vì không có cơ sở nào theo luật quốc tế; và những hành động ngày càng quyết liệt mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm khẳng định quyền tự tuyên bố của họ, trong đó có cả những vùng biển thuộc phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của các nước ASEAN, cũng như hàng loạt vụ việc gần đây liên quan đến Việt Nam và Philippines”. Theo ông, cách hiểu của Trung Quốc về luật quốc tế sẽ làm xói mòn nguyên tắc lâu nay về tự do lưu thông hàng hải – vặn méo nó từ một khái niệm thúc đẩy đi lại mở sang một khái niệm hạn chế đi lại”.

Tuy nhiên, ngày 21-6, Trung Quốc cho biết, các tuyên bố chủ quyền của nước này tại Biển Đông không cản trở quyền đi lại của nước khác tại vùng biển tranh chấp này, đồng thời cam kết giải quyết hòa bình tranh cãi mới nhất về Biển Đông.

Trúc Linh