Tăk Rối mơ một cây cầu

Thứ tư, 18/03/2015 10:50

(Cadn.com.vn) - Không có đường đi, mỗi khi muốn ra vào nóc, người dân làng Tăk Rối (xã Trà Tập, H. Nam Trà My, Quảng Nam) phải bơi qua sông hoặc dìu nhau ngồi trên những chiếc ruột xe ô-tô lênh đênh trên sóng nước,  chông chênh, nguy hiểm...

Cả làng vượt sông

Cách TT Tăk Pỏ khoảng 5 km, bến sông Tranh trên đường ĐT616 (đoạn qua xã Trà Mai, H. Nam Trà My) đìu hiu vắng khách. Thỉnh thoảng, từng tốp người đi lao động xuống bến vội vàng cởi áo bơi qua sông. Nhiều thanh niên không muốn áo quần ướt nên nhờ đám bạn đưa qua sông bằng "con đò độc"- đó là một chiếc ruột ô-tô bơm đầy hơi. "Bên này sông là thôn 1, xã Trà Mai (H. Nam Trà My), nhưng bên kia sông là thôn 4, xã Trà Tập. Cả dãy rừng dài bên đó đều là của xã Trà Tập, dòng sông này là ranh giới hai xã. Làng ở trên đỉnh núi bên kia sông mà mình đi đường nhìn thấy đó là làng Tăk Rối"- em Huỳnh Thế Huy (17 tuổi), nhà bên bến sông cho chúng tôi biết.

Hồ Văn Tim chuẩn bị "con đò" để đưa em gái sang sông.

Sau khi giữ trạng thái cân bằng trên ruột ô-tô bằng cách bỏ những thanh cây nhỏ bắc ngang, Hồ Thị Hang (21 tuổi, làng Tăk Rối) ôm chặt ba-lô ngồi trên ruột xe để người anh đưa sang sông. "Ngày nào mình cũng qua lại bằng cách này. Cả làng ni từ già đến trẻ, đi làm, xuống huyện hay đi học tất cả đều vượt sông. Mình đi làm thuê bên xã Trà Mai nên mỗi ngày phải 4 lần vượt sông như thế này"- Hang tâm sự trước khi qua sông về làng. Hang cho biết, làng hiện còn sống phụ thuộc vào rừng như săn bắn động vật, bứt mây, lấy mật ong. Đò ngang cách trở nên hành trình tìm cái chữ cũng rất lận đận. Hầu hết học sinh từ lớp 6 trở lên ở làng đều phải vượt sông mới đến điểm trường học, do Tăk Rối chỉ có mỗi điểm trường tiểu học...Người dân làng Tăk Rối, hầu như nhà nào cũng sắm cho mình một chiếc ruột xe để làm phương tiện qua lại sông. Lòng sông Tranh sâu, chảy xiết, rộng hơn 70m nhưng chỉ mất vài phút ngồi trên "con đò" bằng ruột xe, người anh đã đưa Hang sang đến phía bên kia bờ sông. Đưa em gái sang sông xong, Hồ Văn Tim (23 tuổi) lại "bắt được vị khách" trong nóc muốn qua sông nên phải làm người "lái đò" bất đắc dĩ lần thứ hai. Trò chuyện với chúng tôi, Tim cho biết: Cả làng nhiều nhà có phương tiện này để giúp người dân, cán bộ giáo viên qua lại nhưng không lấy tiền. Mùa này nước cạn, thuận lợi cho việc bơi qua lại chứ vào mùa lũ, tai nạn rớt xuống sông dẫn đến tử nạn xảy ra thường xuyên.

Hồ Thị Hang trao đổi với P.V trước khi vượt sông.

Kể về những cái chết thương tâm trên đoạn sông này, Tim nhớ lại: Cách đây vài năm, trong lúc qua nóc dạy học, một giáo viên tiểu học đã bị chết đuối. Năm học 2013-2014, hai nữ sinh Tăk Rối cùng học lớp 8 là Hồ Thị Hưng và Hồ Thị Thơ đã bỏ mạng trong lúc vượt sông đi học. Hay tháng 10-2013, ông Hồ Văn Tiến (49 tuổi, nóc Tăk Rối) cũng bỏ mạng khi bơi qua đoạn sông này. "Còn người rơi xuống sông được cứu vớt kịp thời nhiều lắm. Người lạ ai qua đây cũng sợ, nhưng mình thì quen rồi. Chỉ sợ ngày bão lũ thôi. Mình nghe cán bộ xã nói Trung ương sắp làm cầu qua nóc mình rồi, nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy khởi công"-Tim chép miệng...

Hồ Thị Hang ngồi trên ruột xe để anh trai đưa sang sông về nóc.

Mơ một cây cầu

Ông Lê Ngọc Kích - Phó Chủ tịch UBND H. Nam Trà My cho biết, dự án đầu tư cầu treo qua sông Tranh đoạn thôn 4, xã Trà Tập đã được khảo sát, phê duyệt vốn. Đây là công trình nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia năm nay do Bộ GTVT đầu tư. Dự kiến trong năm nay, công trình sẽ được khởi công xây dựng.

Sang sông về đến nóc, hai anh em Tim phải đi bộ tiếp gần 30 phút. Những nóc nhà nơi đây nằm lưng chừng đồi, lọt thỏm giữa 4 bề rừng già. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Máo-Trưởng nóc Tăk Rối cho biết: Tăk Rối có hơn 30 hộ đều là đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong. Nguyên thủy làng nằm trên đỉnh núi cao, nhưng bây giờ đã dịch chuyển xuống lưng chừng núi vài trăm mét. Người dân nơi đây bao đời vẫn sống dựa vào rừng với nghề nương rẫy và săn bắt. Gần đây, nhiều thanh niên trong nóc đi học rồi tìm việc bên ngoài nên nhu cầu qua lại sông ngày một nhiều. "Cũng có một con đường đất từ nóc lên xã, huyện, nhưng đường xa, nhỏ, nguy hiểm nên nhiều người không đi. Vào mùa mưa lũ, vì công việc nên nhiều người bất chấp hiểm nguy phải vượt sông. Lâu nay, người dân ai cũng mong có một cây cầu để dễ qua lại, tránh những cái chết thương tâm nhưng đến nay đó vẫn mãi là niềm mong ước thôi..."- ông Máo tâm sự. Còn ông Nguyễn Thanh Lũy - Bí thư Đảng ủy xã Trà Tập thông tin, thôn 4 xã Trà Tập có 6 nóc, với hơn 76% là hộ nghèo, 10% hộ cận nghèo; trong đó nóc Tăk Rối xa xôi nghèo khó nhất. Lâu nay, các giải pháp giảm nghèo cho đồng bào phía bên kia sườn núi luôn rơi vào bế tắc. Nhiều hộ nghèo ở Tăk Rối được hỗ trợ bò giống, trồng cây chuối mốc, rau lủi để cải thiện đời sống, song nguồn lực đầu tư hạn hẹp, nhiều nóc vẫn chưa có dấu hiệu tích cực trong giảm nghèo...

Nóc Tăk Rối nằm lọt thỏm giữa những khu rừng già.

Chiều tà, những nóc nhà ở Tăk Rối bắt đầu lên khói, chúng tôi rời làng trong nỗi niềm âu lo, trăn trở cho những phận người lầm lũi nơi đây. Ước mong một cây cầu bắc qua sông Tranh của người dân bao đời vẫn luôn thôi thúc, và với chúng tôi lúc này cũng vậy. Chỉ có cây cầu mới có thể giúp đồng bào nơi đây xích lại gần hơn với thế giới bên ngoài, giúp họ thay đổi phương thức làm ăn, vươn lên thoát nghèo...

Bão Bình