Tấm lòng cho đi, nụ cười ở lại...
(Cadn.com.vn) - Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tây Nguyên đầy nắng, gió chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (trú nhà số 03A-Đinh Tiên Hoàng, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) thấu hiểu nỗi vất vả, cơ cực của người lao động. Nhằm đồng hành, chia sẻ những khó khăn ấy, chị Thảo đã lập nên một tủ quần, áo dành riêng cho người nghèo với châm ngôn giản dị: "Tấm lòng cho đi, nụ cười ở lại"...
Chúng tôi đến nhà số 03A- Đinh Tiên Hoàng vào lúc chị Thảo đang lựa chọn những bộ quần, áo cho một người dân. Thấy chúng tôi chụp ảnh, người phụ nữ với nước da đen sạm, mặt đầy tàn nhang, cười để lộ rõ hàm răng trắng muốt phản chiếu từ khuôn mặt: "Cảm ơn, cảm ơn,...".
Tiếp chúng tôi với ánh mắt cười hiền, chị Thảo bộc bạch: "Mình đã có những chuyến đi làm thiện nguyện, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn ở vùng sâu, vùng xa... Thấy nhiều em nhỏ mặc áo quần rách bươm, đôi chân trần đến lớp nhìn thương lắm...". Theo chị Thảo, gia đình chị chỉ kinh doanh nhỏ lẻ, thế nhưng đã hơn 10 năm nay, chị luôn tham gia các hoạt động từ thiện, ở đâu có tổ chức là chị xin được đóng góp một ít phần quà nhỏ để nhằm thúc đẩy các phong trào, công tác từ thiện.
"Sau nhiều chuyến đi công tác đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhiều đêm tôi không ngủ được, trong đầu lúc nào cũng suy nghĩ, mình phải làm một cái gì đó thật riêng biệt, lâu dài... Một hôm đi công tác tại TPHCM tôi thấy họ có những bữa cơm từ thiện, ổ bánh mỳ... nghĩ suy mãi tôi mới quyết định làm tủ đồ dành cho người nghèo như hiện tại", chị Thảo chia sẻ về tủ đồ thiện nguyện. Nghĩ rằng làm những bữa cơm, hay những ổ bánh mỳ như ở các thành phố khác về lâu về dài rất khó thực hiện, chị trích 2,5 triệu đồng để đóng tủ đựng đồ. Sau khi có tủ, chị Thảo nhờ những mối quan hệ quen biết cũng như lên trang facebook kêu gọi sự ủng hộ của các Mạnh Thường Quân. "Thời gian đầu rất chật vật, khó khăn vì thiếu nguồn ủng hộ. Sau hơn 2 năm hoạt động (đầu năm 2016 đến nay), tủ đồ "dành cho người nghèo" của chị Thảo đã có nhiều người biết đến và ủng hộ. Theo chị Thảo, không chỉ những nhà hảo tâm trong tỉnh, mà từ các tỉnh khác như TPHCM, Vũng Tàu, Đồng Nai, cũng đã liên hệ và sẵn sàng hỗ trợ, quần áo, giày dép cũ cho tủ đồ từ thiện của chị.
Một người dân phấn khởi, khi được chị Thảo trao những bộ đồ vừa chọn cho gia đình mình. |
Bà Nguyễn Thị Sen, bán vé số, đến từ tỉnh Phú Yên tâm sự, nhà bà làm ruộng, nhưng do không đủ tiền để lo trang trải việc học hành của 2 đứa con đang theo học trong TPHCM, bà lên Đắc Lắc bán vé số dạo. "Tui lên đây hơn 1 năm nay. Mỗi khi đi bán vé ngang qua đây là tui ghé vô xem có cái áo, cái quần nào vừa là lấy về mặc. Cũ họ mới mình mà con...", bà Sen nhoẻn cười. Cũng theo bà Sen, "đội quân" bán vé số như bà gần 20 người đều đến Phú Yên. Khi biết có tủ đồ thiện nguyện này, bà mách tai cho nhiều chị em cùng đến... "Có tủ đồ của cô Thảo, việc chi tiền "mua sắm" quần áo của tụi tui bớt hẳn. Từ đó, chắt bóp dành dụm để gửi về lo cho con ở dưới quê ăn học...", bà Hòa, một đồng nghiệp của bà Sen tâm sự.
Sau khi đi vào hoạt động, tủ đồ của chị Thảo đã đến tay rất nhiều học sinh cũng như bà con ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắc Lắc. Thế nhưng, để hoạt động ngày càng hiệu quả, cũng như nắm bắt được những khó khăn của từng địa phương là rất khó khăn. "Tôi đang xây dựng kế hoạch là mỗi huyện của tỉnh Đắc Lắc phải có một tủ đồ dành cho người nghèo. Tuy nhiên, khi triển khai còn gặp một số vướng mắc. Cái quan trọng đầu tiên nhất là vấn đề con người, hiện rất khó khăn trong việc tìm kiếm những người sẵn sàng đứng ra làm công tác thiện nguyện tại các huyện đó...", chị Thảo tâm sự.
Một chú xe ôm (nhân vật xin được giấu tên) chia sẻ: "Nếu ở đời ai cũng biết yêu thương, cũng biết chia sẻ như cô Thảo thì hay biết mấy... Những người chạy xe ôm như tui, hay những anh thợ hồ, chị lao công quét rác, những người lao động nghèo khổ... giắt lưng từng đồng để lo cho con cái ăn học, khỏi mặc rách rưới là sướng rồi. Mong sao có nhiều người như cô Thảo, để những người nghèo lại có những niềm vui nho nhỏ. Để khi đông về ai cũng có một manh áo sưởi ấm tâm hồn".
Ngọc Giang