“Tam nông” khởi sắc

Thứ ba, 30/07/2013 11:03

(Cadn.com.vn) - Sáng 29-7, đoàn công tác của Bộ Công Thương do ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn đầu đã có cuộc làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết và các sở, ngành liên quan về nội dung thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp (NN), nông dân, nông thôn (NT).

XÂY DỰNG NỀN NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ SINH THÁI

Ông Lê Công Hồ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho biết, nhằm đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NT mới theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng, trong đó đến năm 2015 có 50% số xã đạt chuẩn NT mới, TP đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về phát triển NN, nông dân, NT toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở NT. Do vậy, qua 5 năm thực hiện NQ T.Ư 7 (khóa X), tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất NN giai đoạn 2009-2013 ước tăng bình quân 3,02%. Cơ cấu kinh tế trong NN chuyển dịch theo hướng phát triển các loại cây trồng, con vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao để từng bước hình thành nền NN đô thị sinh thái. Hiện đã quy hoạch hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn; vùng lúa giống tại xã Hòa Tiến; vùng trồng hoa tại xã Hòa Liên, Hòa Phước; vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại xã Hòa Khương, Hòa Phong; vùng sản xuất nấm ăn tại Hòa Tiến, đặc biệt là vùng sản xuất rau an toàn tại La Hường đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap... Giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn H. Hòa Vang giai đoạn 2009-2012 tăng bình quân 20,4%/năm. Chính điều đó đã tạo nên diện mạo mới trong sản xuất NN của TP.

  Ngư dân Đà Nẵng đóng mới tàu đánh bắt xa bờ.

Ông Hồ cũng đã thông báo với đoàn về việc TP đã ban hành chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ nên dù tình hình khai thác gặp nhiều khó khăn nhưng ngư dân vẫn mạnh dạn đầu tư, phát triển tàu công suất lớn để vươn khơi, góp phần phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chỉ trong 2 năm (2012-2013) đã có 9 tàu đóng mới, công suất từ 400CV trở lên được TP hỗ trợ kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Đã hình thành 1 tổ, đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển 4 chiếc, trong đó có 1 tàu dịch vụ hậu cần công suất lên đến 1.160CV, là một trong những tàu cá có công suất lớn nhất khu vực miền Trung. Vấn đề kết cấu hạ tầng KT-XH NN, NT; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và giải quyết các vấn đề xã hội cho chương trình “Tam nông” cũng được đặc biệt coi trọng. TP đã huy động từ nguồn ngân sách để đầu tư cho nội dung này giai đoạn 2009-2013 lên đến trên 1.000 tỷ đồng. Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách hỗ trợ, năm 2012, TP còn huy động thêm các nguồn lực khác ngoài vốn ngân sách từ công sức đóng góp của người dân, các doanh nghiệp, tổ chức và CBCC với tổng kinh phí trên 245,5 tỷ đồng (năm 2011 huy động được 153,8 tỷ đồng).

HƯỚNG ĐẾN NHỮNG MỤC TIÊU MỚI

Mục tiêu đến năm 2015 trên hành trình thực hiện chương trình “Tam nông” được TP Đà Nẵng xác định: Giá trị sản xuất thủy sản nông lâm tăng bình quân 3-3,5%/năm; phấn đấu hoàn thành 6/11 xã đạt tiêu chí NT mới gồm Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương; thu nhập bình quân đầu người ở NT đạt 22-25 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua các lớp đào tạo đạt 45-50%. Phấn đấu giảm số hộ nghèo bình quân mỗi năm 2-2,5% (tương đương 3.500-4.500 hộ), đến cuối năm 2015 không còn hộ nghèo theo chuẩn mới của TP. Hình thành 3-4 vùng chuyên canh sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao. Nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ, phấn đấu đến cuối năm 2015, đội tàu khai thác xa bờ TP đạt 250 chiếc (công suất từ 90CV trở lên); phấn đấu trồng rừng hằng năm từ 350-450ha/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 45-46%/năm...

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ngắn hạn đến năm 2015 cũng như mục tiêu đến năm 2020 trong việc thực hiện NQ T.Ư 7 (khóa X) về NN, nông dân, NT, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã trao đổi với đoàn công tác nhiều vấn đề liên quan, trong đó có cả những hạn chế. Đó là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện chương trình NT mới ở một số địa phương còn lúng túng, năng lực tổ chức thực hiện tại một số cơ sở, nhất là cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ NT còn ở quy mô nhỏ, thiếu sản phẩm chủ lực, khả năng cạnh tranh còn yếu, chưa có sự liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp. Việc phát triển các làng nghề truyền thống còn hạn chế, chưa tạo được thế mạnh của vùng, làng nghề; kết cấu hạ tầng NT chưa được đầu tư đồng bộ. Một điều nữa là mặc dù thu nhập bình quân đầu người tăng lên, song mức sống người dân khu vực NT còn thấp và chênh lệch khá lớn so với khu vực thành thị.

TP Đà Nẵng cũng đề xuất, kiến nghị T.Ư cần tiếp tục đầu tư cho TP trong xây dựng kết cấu hạ tầng để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai; củng cố đê sông, đê biển, trồng rừng phòng hộ ven biển, khu vực đầu nguồn, xung yếu... Tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong phòng chống thiên tai, dự báo bão lũ, chú trọng công tác đảm bảo an toàn thông tin liên lạc cho các tàu khai thác trên biển. Đầu tư và bổ sung nguồn vốn để đảm bảo tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan đến NN, NT và các dự án ngân sách T.Ư hỗ trợ có mục tiêu để đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng NN, NT trên địa bàn thành phố...

Phương Kiếm