Tấn công khủng bố rúng động nước Anh
(Cadn.com.vn) - 3 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công "liên quan đến Hồi giáo" ở trung tâm London, Anh vào ngày 22-3, khi kẻ tấn công lao xe vào người đi bộ trên cầu, sau đó đâm một cảnh sát bên ngoài Tòa nhà Quốc hội trước khi bị bắn chết. Đây là cuộc tấn công chết người nhiều nhất ở Anh kể từ năm 2005.
Vụ việc xảy ra lúc 14 giờ 40, kẻ tấn công đã đâm xe dọc theo vỉa hè trên cầu Westminster, một tuyến giao thông bận rộn, cũng là điểm du lịch nổi tiếng ở London. Sau đó, kẻ tấn công đâm xe vào lan can bên ngoài Tòa nhà Quốc hội, dùng dao đâm một cảnh sát và cố gắng vào tòa nhà. Các sĩ quan vũ trang đã bắn chết y.
Nạn nhân gồm một sĩ quan cảnh sát bảo vệ Quốc hội, 1 phụ nữ khoảng 40 tuổi và một người đàn ông khoảng 50 tuổi. Viên cảnh sát được xác định là Keith Palmer, có 15 năm công tác trong lực lượng Cảnh sát London. Nạn nhân nữ được xác định là Aysha Frade, 43 tuổi, giáo viên người Tây Ban Nha, đã sống ở London trong nhiều năm cùng với chồng. Khoảng 40 người bị thương, trong đó có 5 du khách Hàn Quốc, 2 người Romania, 1 người Bồ Đào Nha và 3 học sinh người Pháp. 29 người được điều trị tại bệnh viện, 7 trong số đó đang trong tình trạng nguy kịch.
Cảnh sát chĩa súng vào kẻ tấn công. Ảnh: CNN |
Ngay sau vụ tấn công, Tòa nhà Quốc hội nhanh chóng bị phong tỏa, các nghị sĩ và nhân viên được yêu cầu ở yên trong tòa nhà vài giờ sau đó. Cảnh sát đã chặn một khu vực rộng lớn quanh Tòa nhà Quốc hội, đóng cửa cây cầu và trạm tàu điện ngầm gần nhất.
Thủ tướng Theresa May, người đang có mặt trong Quốc hội lúc xảy ra tấn công, an toàn rời khỏi tòa nhà. Bà đã chủ tọa cuộc họp ủy ban khẩn cấp của chính phủ ngay sau đó, mô tả cuộc tấn công là "bệnh hoạn và đồi trụy" và khẳng định rằng Anh sẽ duy trì cảnh báo đe dọa khủng bố ở mức "nghiêm trọng". Một phát ngôn viên cảnh sát cho biết, sẽ tăng cường lực lượng tuần tra ở London và kêu gọi công chúng cảnh giác.
Hàng trăm các nhà điều tra đã làm việc suốt đêm, tập trung vào động cơ, kế hoạch của kẻ tấn công. Một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân được tổ chức tối 23-3 ở Quảng trường Trafalgar.
IS nhận trách nhiệm
Hãng tin Amaq của nhóm IS sau đó cho biết nhóm này đứng sau vụ tấn công này. Người đứng đầu cơ quan chống khủng bố Anh Mark Rowley cho biết, cảnh sát đã bắt giữ 7 người và lục soát 6 địa điểm. Các cuộc điều tra vẫn tiếp tục ở London, Birmingham và nhiều khu vực khác của đất nước. Ông Rowley cũng tiết lộ rằng, cảnh sát đã biết danh tính của kẻ tấn công, tuy nhiên từ chối cung cấp thông tin chi tiết. Một quan chức Anh cho rằng, vụ tấn công "lấy cảm hứng hoặc sao chép" các vụ khủng bố của IS, nhưng chính quyền "vẫn đang điều tra".
Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon đang "nỗ lực xác định những người có liên quan. "Cảnh sát phải giả định rằng kẻ tấn công có thể đã được hỗ trợ, và có thể có những người khác cùng tham gia", ông cho biết.
Thế giới lên án vụ tấn công
Các nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ chia buồn với Anh. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện thoại cho Thủ tướng Anh, tái khẳng định cam kết hỗ trợ London "ứng phó với cuộc tấn công". Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã kịch liệt lên án vụ tấn công, đồng thời bày tỏ lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Berlin quyết tâm ủng hộ Anh trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tại New York, cảnh sát thành phố đã tăng cường an ninh tại "các địa điểm nhạy cảm ở Anh", gồm Lãnh sự quán Anh và Phái bộ Anh tại LHQ. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết nước này sẽ tăng cường an ninh xung quanh trụ sở quốc hội ở Canberra. "Australia đứng cùng người dân Anh trong cuộc chiến chống khủng bố. Chúng tôi cảm thông với những nạn nhân của vụ tấn công", ông nói. Canada cũng đã tăng cường an ninh tại nhiều địa điểm, đặc biệt là khu vực xung quanh trụ sở Quốc hội. Nga đã gửi lời chia buồn đến các nạn nhân trong vụ tấn công, đồng thời nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần chung tay hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.
An Bình
(Theo CNN, AFP)