Tản mạn cầu Nguyễn Văn Trỗi
(Cadn.com.vn) - Đã hơn một năm, kể từ ngày cầu Trần Thị Lý được khánh thành và đưa vào sử dụng có cảm giác cầu Nguyễn Văn Trỗi dường như "mất hút" trong sự quên lãng. Đến bao giờ cầu Nguyễn Văn Trỗi trở thành cầu đi bộ như dự định?
Còn nhớ, khi TP Đà Nẵng dự định dỡ bỏ hai cây cầu Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý để xây dựng một cây cầu mới hiện đại và thuận tiện hơn, người dân Đà Nẵng ai cũng mừng, nhưng cùng với đó là sự luyến tiếc chiếc cầu Nguyễn Văn Trỗi-cây cầu gắn bó với biết bao kỷ niệm với vùng đất Đà thành, bắt nhịp cho bao cuộc đời của người Đà Nẵng và nó như là chứng nhân cho sự phát triển. Vì thế mà nhiều người mong muốn thành phố giữ lại cây cầu. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng là một trong những người đó.
Sợ cầu sẽ bị tháo rời ông đưa ra ý tưởng biến cầu Nguyễn Văn Trỗi thành cầu đi bộ, trở thành không gian sống của nghệ thuật mà tất cả người Đà Nẵng đều có thể tham gia. Ông Hạng ví nó như "nàng Lọ Lem" giữa những cây cầu khác trên sông Hàn, mộc mạc, đơn sơ nhưng lại lưu giữ nét đáng yêu, chân quê. Điều lo lắng của những người tâm huyết với cầu Nguyễn Văn Trỗi cuối cùng cũng được giải tỏa khi thành phố quyết định giữ lại nó. Và thế là, nhiều phương án cải tạo, nâng cấp cây cầu được đưa ra, từ việc sửa chữa nâng nhịp cầu, biến cầu thành nơi trưng bày, phục vụ tham quan, du lịch... mọi việc sẽ hoàn thành trong năm 2013.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi vẫn chưa trở thành cầu đi bộ. |
Thế nhưng, đến tận bây giờ cầu Nguyễn Văn Trỗi vẫn thế. Đường dẫn lên cầu bị thu hẹp, nên rất khó cho người dân muốn lưu thông. Ban đêm, cầu Nguyễn Văn Trỗi khuất lấp sau ánh hào quang của cầu Trần Thị Lý. Nhìn cảnh đó nhiều người không khỏi chạnh lòng cho "nàng Lọ Lem" trên sông Hàn. Trước đây, để thi công cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi kịp vào sử dụng vào ngày 29-3-2013, đơn vị tư vấn kiến nghị phân thành hai giai đoạn. Giai đoạn một, tiến hành tháo bỏ các khung thép và lưới B40 quanh một số trụ cầu.
Thay thế hệ lan can mềm bằng hệ lan can có tính mỹ quan cao cho cầu bộ hành. Sơn lại kết cấu khung giàn thép màu vàng đặc trưng của cầu. Thiết kế lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Giai đoạn hai, sẽ tiến hành mở rộng phần phía cảng Sông Thu, cải tạo cầu cảng thành bến thuyền du lịch, làm lại việc chuyển màu mặt cầu phân biệt phần đi bộ và phần đi xe đạp. Lắp đặt hệ thống kích thủy lực hoặc kích cơ khí để nâng nhịp thông thuyền và thi công hoàn chỉnh nút hai đầu cầu theo đồ án thiết kế được phê duyệt...
Cầu Nguyễn Văn Trỗi đã được sơn mới và chuẩn bị cho nâng nhịp cầu số 9. |
Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Huỳnh Đắc Đạt-Phó Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính TP Đà Nẵng cho biết, việc cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi đã thực hiện được nhiều việc như sơn và phủ lại mặt cầu, chia mặt cầu làm 3 làn. "Công việc tiếp theo là nâng nhịp cầu số 9 (đoạn giữa cầu) để nâng chiều cao cây cầu cho tàu thuyền du lịch dễ dàng đi qua, làm lan can cầu.
Vào ngày 14-2 chúng tôi đã mở gói thầu nâng nhịp cầu để các đơn vị có đủ khả năng tham gia đấu thầu. Còn đường dẫn lên cầu, lúc nào Tổng Công ty Sông Thu di dời, bàn giao mặt bằng thì chúng tôi sẽ tiến hành làm ngay. Sau khi chọn được đơn vị thi công nâng nhịp cầu, vào tháng 4 sẽ khởi công thực hiện và đến tháng 11 sẽ hoàn thành. Trong năm 2014, sẽ hoàn thành cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi"- ông Đạt nói.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi được Hãng thầu xây dựng RMK của Mỹ xây dựng, gồm 14 nhịp giàn thép Poni có tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m, không có lề dành cho người đi bộ. Năm 1978, cầu được dỡ bỏ mặt cầu bằng gỗ, thay bằng kết cấu bê-tông cốt thép. Năm 1996, mặt cầu lại được thay bằng các tấm thép để giảm trọng lượng. Cùng với cầu Long Hồ, dẫn từ TP Cam Ranh vào sân bay Cam Ranh - Khánh Hòa, cầu Nguyễn Văn Trỗi là một trong những cây cầu có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam. |
Kỹ sư Mai Triệu Quang - Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng EEC, đơn vị được giao thiết kế và cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi cho biết khi hoàn thành cầu sẽ trở thành điểm tham quan thú vị. Bố trí các không gian như quầy lưu niệm bán các đặc sản địa phương như mỹ nghệ đá Non Nước, gỗ Kim Bồng, trưng bày thông tin về các cầu ở Đà Nẵng, nhà vệ sinh công cộng, ghế đá, bãi để xe đạp cho thuê; tạo không gian cho các hoạt động nghệ thuật như vẽ chân dung đường phố, âm nhạc đường phố, sinh hoạt văn hóa của trẻ em, người già, các lễ hội trăng rằm, điểm xem pháo hoa trên Sông Hàn...
Thiết kế cho phép người đi bộ, người đi xe đạp và xe đẩy người tàn tật có thể lên được cầu. Phía đông cầu sẽ bố trí bãi đỗ xe ở dưới gầm cầu, còn phía tây cầu sẽ bố trí bãi đỗ xe chính phía bên công viên Bắc tượng đài, gần lối đi qua phía gầm cầu để lên cầu đi bộ...
Người Đà Nẵng ai cũng mong chờ ngày cầu Nguyễn Văn Trỗi cải tạo xong, bởi đó không chỉ là một cây cầu ghi dấu những bước chân của đoàn quân giải phóng TP trong ngày 29-3, chứa đựng một trời ký ức về Đà Nẵng thời chưa xa. Và hơn hết cầu Nguyễn Văn Trỗi là chứng nhân cho sự phát triển của Đà Nẵng. Vì thế, người Đà Nẵng mong sớm được rảo bước trên chiếc cầu lịch sử này.
Hoàng Anh