Tạo hành lang pháp lý để phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ ba, 29/04/2025 06:42

Ngày 28-4, tại Đà Nẵng, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức hội thảo về chính sách phát triển xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, những đề xuất cho dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại hội thảo.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại hội thảo.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, hiện tại các chính sách liên quan về lĩnh vực dân tộc được quy định trong hơn 100 luật và nghị quyết, tuy nhiên đến nay chưa có Luật riêng, quy định toàn diện trong việc bảo đảm an sinh xã hội, công bằng về phát triển đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc thù còn nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến các chính sách pháp luật về lĩnh vực này thiếu đồng bộ, còn khoảng trống nội dung quy định về lĩnh vực công tác dân tộc.

BS.TS Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng cho rằng, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là điều kiện thiết yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và công bằng xã hội. Với trên 14% dân số là người dân tộc thiểu số, cư trú tại hơn 50 tỉnh, thành và chiếm phần lớn diện tích địa lý miền núi – trung du – biên giới của cả nước, việc đảm bảo sức khỏe cho các cộng đồng này mang ý nghĩa chiến lược và toàn diện. Trên cơ sở phân tích thực trạng chính sách y tế dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, BS.TS Trần Tuấn đề xuất cần phát triển “mô hình sinh thái bản địa”, ứng dụng y học hiện đại và truyền thống, ứng dụng công nghệ số cùng chính sách y tế vùng dân tộc thiểu số; kiến nghị đưa nội dung chăm sóc sức khỏe dân tộc thiểu số vào một chương riêng trong Luật về lĩnh vực dân tộc để thể chế hóa quyền được chăm sóc sức khỏe công bằng và toàn diện cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đại biểu quốc hội chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa Xã hội Bùi Hoài Sơn cho biết, hệ thống chính sách trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đóng vai trò then chốt, góp phần tạo nền tảng tinh thần, nâng cao đời sống, khơi dậy nội lực và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trên thực tế hệ thống chính sách này vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai; chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh yêu cầu mới của sự phát triển bền vững, hội nhập và chuyển đổi số. Do đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, cụ thể hóa chính sách đặc thù; tăng cường phân cấp, trao quyền cho chính quyền địa phương và cộng đồng; đẩy mạnh đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực địa phương; huy động nguồn lực, xã hội, khuyến khích đầu tư bền vững; thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong bảo tồn và quảng bá văn hóa...

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, nhiều nội dung trong chính sách, pháp luật về lĩnh vực xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số thời gian qua có vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển toàn diện về con người, tinh thần, giữ gìn, bảo tồn văn hóa góp phần rất quan trọng trong việc bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số, biên giới còn nhiều khó khăn, đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng tán thành cho rằng, hiệu quả, chất lượng đầu tư, tốc độ phát triển của nhiều lĩnh vực liên quan đến đời sống, xã hội của đồng bào và ở vùng dân tộc thiểu số còn thấp; nhiều nơi hạ tầng về y tế, giáo dục, thông tin, văn hóa còn chưa bảo đảm ở mức tối thiểu; nhiều giá trị xã hội, văn hóa truyền thống quý báu của đồng bào các dân tộc chưa được bảo vệ và khai thác hiệu quả như một nguồn lực phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước… Nguyên nhân cơ bản đã được nhiều đại biểu đề cập đến là chúng ta còn thiếu những chính sách, pháp luật tổng thể, dài hạn quy định những nguyên tắc để tạo hành lang, cơ sở pháp lý điều chỉnh các quan hệ, nguyên tắc trong quản lý nhà nước, đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Do vậy, việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật về lĩnh vực dân tộc là cần thiết. Nếu không, khoảng cách phát triển giữa đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với mặt bằng chung của cả nước sẽ ngày càng dãn rộng; các giá trị văn hóa, tiềm năng to lớn trong vùng đồng bào sẽ có nguy cơ mai một, không được khai thác hiệu quả, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh cuộc cách mạng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hiện nay.

HẢI QUỲNH