Tạo sức bật mới cho hàng Việt
(Cadn.com.vn) - Thị trường khởi sắc, doanh số của các đơn vị SXKD hàng Việt không ngừng tăng lên trong những tháng qua. Đây là tín hiệu lạc quan của kinh tế, chứng tỏ nền sản xuất đang phục hồi. Có nhiều nguyên nhân, song đáng kể nhất là tâm lý người tiêu dùng đã thay đổi khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt” đã “thấm”, trách nhiệm của nhà sản xuất về chất lượng hàng Việt đã tăng lên, quy trình phân phối đã được cải tiến...
Sức mua tăng
Ông Lê Viết Tươi - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, tổng mức tiêu thụ hàng hóa của thành phố trong 8 tháng qua đạt hơn 40,4 ngàn tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Đây là con số tăng ấn tượng, nhất là các tháng gần đây, trong đó sự tăng tốc của hàng Việt rất đáng mừng. Lý giải về sức mua tăng, ông Tươi cho rằng, do đây là thời điểm các DN tập trung khuyến mãi mạnh để kích cầu.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương TP cũng tích cực tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, nổi bật là Hội chợ EWEC với phần đông các thương hiệu Việt góp mặt. Tại các chợ lớn của TP như chợ Cồn, chợ Hàn, Hòa Khánh... Sở cũng chỉ đạo tổ chức các chương trình kích cầu, giảm giá, nhất là dịp lễ 2-9. Ngoài ra, ông Tươi cũng đánh giá cao vai trò kích cầu tiêu dùng của các siêu thị lớn trên địa bàn TP như Co.opmart, BigC, Nguyễn Kim, LotteMart...
Nổi bật trong đó là Co.opmart với chương trình “Tự hào hàng Việt”, một chương trình khuyến mãi lớn nhất từ trước đến nay với tổng kinh phí hơn 150 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2012. “Tự hào Hàng Việt 2013” diễn ra từ ngày 28-8 đến 24-9 với hơn 2.000 sản phẩm được giảm giá đến 50%; lần đầu tiên khách hàng nhận được quyền lợi kép: vừa được tặng phiếu mua hàng, vừa được nhận điểm thưởng vào tài khoản cùng nhiều hoạt động khác.
Năm nay, các thương hiệu Việt uy tín như Vinamilk, Tường An, Nam Dương, Safoco, đường Tây Ninh, đường Biên Hòa, Liên Thành, cà-phê Trung Nguyên, Xuân Hồng, yến sào Khánh Hòa, Mỹ Hảo, Việt Thy, Nhà Bè, Thắng Lợi, Kim Hằng, Vifon... tham gia “Tự hào hàng Việt” đã đầu tư đáng kể về kiểu dáng, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là đưa ra giá cả hợp lý. Theo lãnh đạo Co.opmart Đà Nẵng, khi triển khai chương trình này, mỗi ngày có khoảng 4.000 lượt khách tới siêu thị, tăng gấp đôi ngày thường, doanh số bán hàng cũng tăng 1,5 lần.
Đại diện các thương hiệu Việt nổi tiếng tại Đà Nẵng như Vinamilk, Vissan, Hòa Thọ, BQ… cho biết doanh số đều tăng mạnh trong thời gian qua. Ông Phan Hải - Giám đốc Cty giày BQ cho biết, chỉ tính 2 tháng đầu quý III, doanh số của đơn vị đã tăng gần 30%. Điều đó minh chứng cho sức mua đang tăng trở lại, đồng thời khẳng định hàng Việt đã tạo được lòng tin, làm thay đổi tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng. Ông Hải nói: Những con số đó chứng tỏ chiến lược tập trung vào chất lượng sản phẩm, chăm lo đến quyền lợi khách hàng của chúng tôi từ vài năm trước đã phát huy hiệu quả. Khi sản phẩm Việt đã có lòng tin, được người tiêu dùng chọn lựa giữa “rừng” hàng ngoại đang cạnh tranh khốc liệt, thì đó là động lực lớn để DN quyết giữ cho được chất lượng thương hiệu.
Tháng Tự hào hàng Việt với 2.000 sản phẩm giảm giá đến 50% tại Co.opmart Đà Nẵng. |
Cần liên kết nhiều hơn
Mừng vì hàng Việt đã tăng tốc, khẳng định được chỗ đứng, song để thực sự bám rễ sâu trong thị trường nội địa, theo ông Lê Viết Tươi, điều quan trọng nhất hiện nay là sự liên kết để chuẩn hóa kênh phân phối của các DN. Ông Tươi nói, ở TP thì tạm yên tâm với kênh hơn 50 siêu thị lớn nhỏ cùng hàng chục chợ lớn. Song, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng ven, nơi có số lượng lớn người tiêu dùng mới là việc khó. Hiện nay kênh phân phối hàng về nông thôn còn tự phát, nên nhiều khi hàng hóa kém chất lượng, giá cao vẫn bị đẩy về đây, từ đó làm mất thương hiệu của hàng Việt nói chung.
Vì thế, việc các siêu thị tham gia mở các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, vùng ven rất quan trọng. Về việc này, ngành Công Thương đánh giá cao siêu thị Co.opmart với các phiên chợ hàng Việt đều đặn hằng tháng, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương. Chính việc đưa các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, vùng ven của Co.opmart đã giúp người tiêu dùng được tiếp cận hàng Việt chất lượng, giá phù hợp, góp phần lớn vào quảng bá hàng Việt, tạo lòng tin cho người dùng.
Một lý do khác để hàng Việt có thể bám rễ sâu đó là sự liên kết của các DN sản xuất và nhà phân phối. Ông Phan Hải nói, trong bối cảnh hiện nay, một nhà sản xuất dù mạnh mấy cũng cần liên kết với đơn vị phân phối mới có thể phát triển. Chẳng hạn BQ khi đưa vào Co.opmart thì sẽ giảm được chi phí trong quá trình phân phối. Ngược lại, Co.opmart nhờ liên kết với nhiều nhà sản xuất sẽ có nguồn hàng ổn định, sẽ nhận được nhiều cam kết giảm giá từ các nhà sản xuất. Như vậy sự liên kết qua lại ở đây không chỉ hai bên có lợi mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ các chương trình khuyến mãi, giảm giá liên tục của siêu thị.
Đơn cử như trong chương trình “Tự hào hàng Việt 2013”, Saigon Co.op đã liên kết và huy động sự tham gia của hơn 600 nhà cung cấp, nhờ vậy tại 63 siêu thị Co.opmart trên toàn quốc, hơn 60 cửa hàng Co.op Food có hơn 2000 sản phẩm được giảm giá tới 50%. Nhìn về những chương trình siêu khuyến mãi thế này, bên cạnh việc tri ân, chăm sóc khách hàng thì ý nghĩa lớn hơn đó là sự cổ vũ mạnh mẽ cho hàng Việt. Bởi vì, hàng Việt đang chiếm đến hơn 90% cơ cấu hàng hóa của Co.opmart cũng như của các siêu thị, trung tâm thương mại khác trên địa bàn TP.
“Thời và thế” của hàng Việt đã đến. Vấn đề cốt yếu là DN, nhà phân phối phải biết nắm bắt để tạo sức bật mới.
Hải Hậu