Tập trung gỡ vướng về mặt bằng, thủ tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

Thứ sáu, 01/03/2024 08:07
Nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khâu thực hiện thủ tục, giải phóng mặt bằng đã được kiến nghị tại Hội nghị đánh giá kết quả giải ngân đầu tư công năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của Đà Nẵng hôm 29-2.
Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan đang cần 663 lô đất tái định cư tại Hòa Vang nhưng không có.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Cam kết khởi công 38 công trình mới

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm cho biết, năm 2023 Đà Nẵng giải ngân vốn đầu tư công đạt 6.558 tỷ đồng/7.947 tỷ đồng (bằng 82,52% kế hoạch giao). Nguyên nhân giải ngân không đạt kế hoạch đề ra do nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu chuẩn bị đầu tư cũng như công tác thi công xây dựng. Chẳng hạn trong giải phóng mặt bằng (GPMB) còn chậm, vốn đền bù chỉ đạt 773 tỷ đồng (bằng 55,5% so với kế hoạch). Việc GPMB chậm kéo theo giải ngân vốn xây lắp các công trình chậm. Theo bà Tâm, vướng mắc trong khâu GPMB chủ yếu là do giá đất thực tế tăng cao so với giá bồi thường, tiền bồi thường thấp không đủ nộp tiền đất. Các địa phương xây dựng phương án đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư (TĐC) cho các hộ giải tỏa ở một số dự án chưa phù hợp thực tế, chưa được sự đồng thuận cao của các hộ dân trong dự án, phải rà soát điều chỉnh bổ sung. Việc quản lý xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp trước đây chưa nghiêm dẫn đến hiện nay thực hiện giải tỏa, bố trí TĐC gặp vướng mắc, khó tháo gỡ. Nhiều hồ sơ giải tỏa đền bù của những dự án cũ được lập trong những năm trước đây chưa đảm bảo trình tự thủ tục theo quy định dẫn đến hiện nay các địa phương thực hiện xử lý hành chính đối với hộ dân không chấp hành bị vướng mắc, phải rà soát bổ sung hoặc phải lập lại hồ sơ làm kéo dài thời gian và phát sinh kinh phí...

Ngoài ra, nguyên nhân khác ảnh hưởng tiến độ giải ngân theo bà Tâm do các tháng đầu năm, các chủ đầu tư, quản lý dự án gặp nhiều khó khăn về giá nguyên nhiên vật liệu, giá xăng dầu tăng, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng theo thời điểm. Trong đó, vật liệu đá hộc các loại trên địa bàn thành phố khan hiếm do các mỏ chưa được nâng công suất khai thác, ảnh hưởng tiến độ thi công, giải ngân các dự án lớn, như dự án Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Chưa kể, một số dự án hạ tầng kỹ thuật do vướng giải tỏa kéo dài nhiều năm, nhà thầu thi công không còn đảm bảo về năng lực để tiếp tục thực hiện nên tiến độ công trình bị đình trệ. Năng lực, kinh nghiệm của một số nhà thầu vẫn chưa đáp ứng theo yêu cầu thực tế của dự án. Một số công trình trong quá trình thi công phát sinh những vấn đề về kỹ thuật, phát sinh chi phí đền bù giải tỏa phải thực hiện điều chỉnh dự án.

Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh phát biểu tại hội nghị.

Kế hoach vốn đầu tư công năm 2024 của Đà Nẵng là 8.881 tỷ đồng (hiện đã phân bổ chi tiết hơn 7.293 tỷ đồng). Thành phố đặt mục tiêu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch, hoàn thành đưa vào sử dụng 40 công trình, khởi công 38 công trình mới. Để đạt được mục tiêu này, theo bà Tâm, Hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện cần chủ động nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố các giải pháp khả thi và phù hợp thực tiễn để tháo gỡ được đối với các trường hợp đền bù giải tỏa hiện đang còn vướng mắc. Đồng thời, khảo sát, xây dựng phương án đền bù TĐC dự án mới đảm bảo phù hợp thực tế. Với các chủ đầu tư dự án cần thực hiện nghiêm túc việc xử lý, xử phạt, chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định đối với các trường hợp vi phạm của các nhà thầu. Rà soát kỹ về năng lực kinh nghiệm thực tế của các nhà thầu trong công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm thực tế phù hợp với thông tin cung cấp trong hồ sơ dự thầu và hồ sơ yêu cầu.

Gỡ vướng mặt bằng từ gốc

Ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, Hòa Vang đang GPMB triển khai nhiều dự án mới, thiếu đất TĐC. Trong khi đó, những dự án cũ, trước đây hiện vẫn đang nợ hơn 500 lô đất TĐC của người dân. Ông Tôn nói, dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan đang cần 663 lô, dự án nâng cấp quốc lộ 14B đang cần 553 lô, dự án cầu Quảng Đà cần 143 lô, tuy nhiên nguồn đất TĐC trên địa bàn không có. Thành phố có chủ trương hoán đổi đất TĐC về Cẩm Lệ nhưng người dân không đồng thuận, muốn TĐC tại chỗ. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ GPMB, tiến độ giải ngân, cần khẩn trương xây dựng 2 khu TĐC mới để bố trí cho người dân.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giải ngân đầu tư công.

Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, công tác GPMB năm 2023 chỉ hoàn thành 42/202 dự án, bố trí TĐC cho 562 hộ với tổng số 747 lô. Trong công tác giải tỏa đền bù, thành phố đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho quận huyện về thu hồi đất, hỗ trợ thêm, thẩm định, phê duyệt kế hoạch tái định cư tổng thể cũng như ủy quyền quyết định giá đất bồi thường và TĐC. Quyết định 25 của thành phố cũng đã tập trung điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới nhiều cơ chế, chính sách trong GPMB, như hỗ trợ suất TĐC tối thiểu, hỗ trợ trượt giá nhà và vật kiến trúc, nâng mức hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm…Tuy nhiên, tiến độ GPMB vẫn vướng do 8 nguyên nhân ảnh hưởng. Cụ thể là các nguyên nhân về quy hoạch, về phát sinh quá nhiều hồ sơ giải tỏa làm tăng tổng mức đầu tư, thiếu vốn chi trả bồi thường giải tỏa, trượt giá nhà cửa vật kiết trúc đối với các dự án theo quy định trước đây, thiếu địa điểm và quỹ đất TĐC…

Để triển khai GPMB không ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công trong năm 2024, ông Chương kiến nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo thực hiện việc rà soát, xác định cụ thể các dự án đã chậm tiến độ trên 3 năm xuất phát nguyên nhân do thiếu quyết liệt, ngại va chạm (không thực hiện việc cưỡng chế đối với những trường hợp đã đủ điều kiện thực hiện cưỡng chế) để thực hiện việc thay đổi lãnh đạo phụ trách dự án (từ cấp lãnh đạo ủy ban quận huyện đến các Phòng chuyên môn) và điều chuyển vị trí lãnh đạo các Ban GPMB để xảy ra tình trạng chậm trễ trong công tác tham mưu. Bên cạnh đó, ông Chương cũng đề xuất cho phép Sở TN&MT thông qua Trung tâm phát triển quỹ đất được thành lập Tổ công tác xử lý nhanh với số lượng khoảng 20 người thông qua hình thức tuyển dụng lao động để tập trung rà soát các điểm nghẽn trong công tác GPMB các dự án động lực, trọng điểm; hoàn thiện chính sách theo quy định mới của Luật đất đai và những vấn đề phát sinh từ thực tiễn; đảm bảo lực lượng phối hợp các quận huyện tháo gỡ, xử lý nhanh các vướng mắc phát sinh.

Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan đang cần 663 lô đất tái định cư tại Hòa Vang nhưng không có.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, các BQL dự án khẩn trương phân bổ số vốn 1.687 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024. Đối với các công trình không thể chuyển sang năm 2025, ông Chinh yêu cầu phải tập trung giải ngân dứt điểm 100% trong năm 2024, vì không còn đường lùi. Thành phố sẽ hoàn thành thủ tục phân cấp trong GPMB về cho các địa phương trong quý I-2024, đồng thời đề nghị các chủ đầu tư, quận huyện gửi tổng hợp khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai giải ngân đầu tư công về cho UBND TP để tổng hợp xử lý.

Tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu phải có kế hoạch cụ thể, xác định rõ thời gian và trách nhiệm của các sở ngành, các BQL dự án về cam kết sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 40 công trình, khởi công mới 38 công trình (theo danh mục) trong năm 2024. Về đề xuất thành lập tổ công tác gồm 20 người của Sở Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Thành ủy giao cho Ban cán sự Đảng UBND TP trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, trong đó phải có đủ căn cứ việc thành lập, nội dung cụ thể. Ban cán sự Đảng UBND TP cũng phải có báo cáo về nguồn nguyên vật liệu khoáng sản đảm bảo yêu cầu khai thác, quản lý, sử dụng phục vụ các công trình dự án trọng điểm của thành phố.

HẢI QUỲNH