Tập trung khắc phục hậu quả bão số 10

Thứ ba, 01/10/2013 23:24

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, lũ trên sông Nhật Lệ (Quảng Bình) đã lên nhanh và đạt đỉnh. Đỉnh lũ tại Đồng Hới đạt 2,17m, trên báo động 3 0,47m. Mực nước các sông từ Quảng Bình đến TT-Huế đang lên chậm; các sông ở Quảng Nam đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên đang xuống; các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm.

Cũng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, trong tháng 10 này, có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông; trong đó ảnh hưởng đến Việt Nam khoảng 1 cơn.

(Cadn.com.vn) - Ngay sau khi bão số 10 đi qua, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang các địa phương Bắc Trung Bộ đã tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương khắc phục hậu quả nặng nề do cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua gây ra.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1559/CĐ-TTg về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 10, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh phải theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chỉ đạo ứng phó, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở, an toàn hồ chứa, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Theo tin từ Trung tâm PCLB khu vực miền Trung và Tây Nguyên, bão số 10 đã làm 3 người chết (đều tại Quảng Bình), 2 người mất tích, 50 người bị thương; làm sập 23 nhà, hàng nghìn nhà bị tốc mái.

QUẢNG BÌNH: Kiên quyết không để dân đói

Tại Quảng Bình, sáng 1-10, UBND tỉnh họp triển khai công tác khắc phục hậu quả bão số 10. Bão số 10 với cường độ gió cấp 12,13, giật cấp 14-15 đã đổ bộ vào Quảng Bình với thời gian rất dài, trên diện rộng đã tàn phá nặng nề nhà cửa, tài sản, cây cối... Mặc dù công tác dự báo về bão khá chính xác, công tác chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc nhưng thiệt hại là vô cùng lớn. Thiệt hại sơ bộ ban đầu: 3 người chết (Đồng Hới 2, Quảng Trạch 1), 8 người bị thương; 80% số nhà bị tốc mái, có khu vực 100% nhà bị tốc mái. Hệ thống điện lưới điện bị cắt hoàn toàn; nhiều cột điện, cột ăng-ten của hệ thống thông tin liên lạc bị gãy đổ, gây tê liệt không liên lạc được trong thời gian có bão; nước sinh hoạt mất hoàn toàn, cao su bị gãy đổ trên diện rộng; thống kê ban đầu đã có 11 tàu bị chìm. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 10
tại H. Bố Trạch (Quảng Bình).

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài nhấn mạnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành cần chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo với tinh thần tự lực, tự cường cả về kinh phí và trong chỉ đạo để giải quyết nhanh những hạ tầng thiết yếu trên. Các sở, ngành có biện pháp nắm bắt chính xác tình hình để có biện pháp khắc phục hậu quả bão trong lĩnh vực mình phụ trách; kiên quyết không để dân đói, dân rét...

Ngay trong sáng 1- 10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão tại H.Bố Trạch và một số địa phương khác. Phó Thủ tướng đã chia sẻ với chính quyền các địa phương và nhân dân về những mất mát, thiệt hại do bão số 10 đã gây ra, đồng thời yêu cầu lãnh đạo các huyện tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc cấp bách trước mắt. Đó là làm tốt, nhanh việc thống kê thiệt hại để có hướng chỉ đạo sát, đúng; nhanh chóng thăm hỏi động viên những gia đình bị nạn, những khu vực bị thiệt hại lớn, bố trí chỗ ở cho những gia đình không có chỗ ở, nhất quyết không để dân đói, rét sau bão; vận động sức mạnh cộng đồng dân cư để làm vệ sinh môi trường, phong quang đường sá... Mặt khác phải khắc phục khẩn trương hư hỏng ở các trường học, trạm xá để kịp thời chăm sóc sức khỏe nhân dân và cho các em học sinh sớm đến trường.

Cột phát sóng trung của Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) gãy đổ
đè bẹp 2 chiếc xe khách tại Đồng Hới.

QUẢNG TRỊ: Thiệt hại kinh tế vô cùng lớn

Ngày 1 – 10, theo thông tin từ Ban chỉ huy PCLB &TKCN tỉnh, Quảng Trị có 17 người bị thương trong cơn bão số 10; 11 nhà bị sập, gần 3.700 nhà tốc mái, hư hại. Có 30 trường học với hơn 200 phòng, 3 điểm bệnh viện, trạm y tế và 20 trụ sở công cộng khác bị hỏng mái. 6.900 ha cao su bị gãy đổ tại 3 huyện Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh. 500 ha tiêu cũng bị bão “truốt” trơ thân, xiêu đổ; 10 ngàn cây bóng mát, ven đường bị bật gốc, gãy đổ. 12 ngàn ha diện tích rừng, gần 6.000 ha hoa màu, sắn bị thiệt hại. Ngoài ra có khoảng 500 ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị ảnh hưởng nặng nề. Điện lực cũng thiệt hại nặng với 100 vị trí đứt đường dây cao thế và hạ thế, hơn 100 cột điện bị nghiêng đổ.

Đến trưa 1–10, với sự nỗ lực của ngành Điện lực Quảng Trị, nhiều nơi đã có điện sau 24 giờ bị cắt. Hoạt động thương mại ổn định trở lại và tôn lợp là mặt hàng đang “cháy” trước nhu cầu sửa chữa lớn sau bão.

HÀ TĨNH: Vẫn còn người mất tích

Ông Bùi Lê Bắc, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến 6 giờ ngày 1-10, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 1 người mất tích và gần 1.500 ngôi nhà bị tốc mái do cơn bão số 10 gây ra. Một người mất tích do đi đánh bắt cá đến nay vẫn chưa tìm thấy là chị Hồ Thị Mây (1982, trú xã Hương Vĩnh, H. Hương Khê). Địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất là H.  Kỳ Anh với 4 xã bị ngập cục bộ là Kỳ Nam, Kỳ Thịnh, Kỳ Thư và Kỳ Trinh. 1.153 ngôi nhà, 12 điểm trường, 2 trạm y tế, 2 nhà văn hóa ở Kỳ Anh bị tốc mái và nhiều cây cối bị gãy đổ. Tại H. Lộc Hà, mưa bão cũng đã làm cho 216 ngôi nhà bị tốc mái, hơn 200 ngôi nhà bị ngập chìm, gây sạt lở 3.000m3 bờ ao nuôi trồng thủy, hải sản và hàng ngàn ha hoa màu bị hư hại.

Lực lượng vũ trang và nhân dân H. Lộc Hà (Hà Tĩnh) gia cố đê biển Thạch Kim.

Ngay sau khi bão tan, các thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh bám sát cơ sở để chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do hoàn lưu của bão số 10 gây ra; vận động nhân dân và huy động lực lượng tại chỗ để khắc phục hậu quả bão số 10, sớm ổn định cuộc sống người dân. Bên cạnh đó, các địa phương cũng rà soát, đánh giá, nắm tình hình thiệt hại và tổng hợp báo cáo.

TT- HUẾ: Lực lượng ứng phó chuyển sang hỗ trợ

Bộ CHQS tỉnh TT- Huế đã duy trì lực lượng 3.400 CBCS từ ứng trực đối phó với bão, sang hỗ trợ, giúp dân sửa lại nhà cửa sau bão số 10 tại địa bàn các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang. Ban Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 đang khẩn trương xử lý giải tỏa cây và rác với khối lượng khoảng 5.000m3 chắn trên thân đập của công trình hồ chứa nước Tả Trạch. Các xã Hải Dương (thị xã Hương Trà); xã Vinh Hải (H. Phú Lộc) đang huy động lực lượng xử lý khẩn cấp hơn 1.000m bờ biển bị xâm thực sát vào nhà ở của dân; xử lý khẩn cấp việc hàn khẩu đoạn đê sông Hương bị sạt lở trên tổng chiều dài 9m, sâu 3m qua địa bàn xã Phú Thạnh (H. Phú Vang). UBND tỉnh TT- Huế cũng có Công văn chính thức đề nghị Chính phủ hỗ trợ 25 tỷ đồng giúp địa phương khắc phục các khó khăn trước mắt như sửa chữa nhà cửa bị sập, tốc mái, ổn định đời sống. Về lâu dài, tỉnh đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành T.Ư giúp địa phương tìm giải pháp và đầu tư nguồn lực khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển đoạn qua xã Hải Dương (thị xã Hương Trà); xã Phú Thuận (H. Phú Vang) và hỗ trợ địa phương xây dựng các khu tái định cư để di dân ra khỏi vùng nguy hiểm do tình trạng sạt lở bờ biển gây ra.

NHÓM P.V THỜI SỰ

XẢ ĐẬP VỰC MẤU TẮC NGHẼN QUỐC LỘ 1A

NGHỆ AN - Sáng 1-10, đập Vực Mấu xả nước cộng với mưa lớn khiến địa bàn H. Quỳnh Lưu nước sông dâng cao, làm gần 25km QL1A đoạn đi qua TX Hoàng Mai bị ngập, hàng trăm nhà dân chìm trong biển nước. Được biết, đập Vực Mấu có dung tích khoảng 75 triệu m3 thuộc xã Quỳnh Trang, H. Quỳnh Lưu thường hay xảy ra tình trạng tràn đập, ban quản lý đập đã xả 5 tràn để duy trì lượng nước trong hồ.

Nước ngập QL1A đoạn qua Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Từ tối 30-9 đến sáng 1-10, UBND xã Quỳnh Trang đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân tự vệ, công an, bộ đội tiến hành sơ tán hơn 500 hộ dân đến các địa điểm như trường học, trạm xá và hiện nay đang bị cô lập, hàng trăm nhà dân bị ngập khoảng từ 4 -10m. Ngoài ra, nước dâng cao đã làm hơn 10ha đầm tôm với hàng chục tấn tôm đến thời kỳ thu hoạch của 30 hộ dân P. Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai bị nước cuốn trôi, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng.